… Một nữ giáo viên miền núi nói với tôi: “Vô biên chế không chỉ là chuyện công ăn việc làm, em không vô biên chế đồng nghĩa với không ổn định, mà không ổn định thì không thể lấy chồng, mất tiền cũng đáng, vì còn phải lo lấy chồng nữa anh ạ. Hơn cả công việc, nó còn là cả tương lai con cái cuộc đời mình!” Cô cười giòn tan sau câu chuyện còn tôi thì suýt khóc!

co giao quy
Hoa sen trên phố. (Ảnh minh họa/Lê Nhật Vương Anh)

Hôm qua đến giờ bao nhiêu là phẫn nộ của mọi người trút xuống tay phụ huynh với hành vi bắt cô giáo quỳ xin lỗi, nghe đâu tay phụ huynh này là luật sư ở xã!

Có gì đó giống nhau với những chuyện buồn trong bức tranh xã hội đang được phản ánh liên tục gần đây: bác sĩ bị đánh khi đang cấp cứu bệnh nhân, quan tòa bị rượt ngay tại phiên tòa, thầy cô giáo bị hành hung, và mới hôm qua tại một trường tiểu học ở Bến Lức, cô giáo phải quỳ xuống để xin lỗi phụ huynh như một “trả giá” về việc cô đã phạt học sinh quỳ trước đó.

Chuyện cô giáo phạt quỳ vì học sinh mắc lỗi, tùy theo góc nhìn của mỗi người, nhưng chắc chắn không đáng để cô phải quỳ ngược trở lại để “trả nợ sòng phẳng” với phụ huynh. Câu chuyện ấy khiến dư luận dậy sóng vì đạo làm thầy – “tôn sư trọng đạo” – như một truyền thống quý báu của dân tộc ta đang bị xúc phạm!

Có dư luận lên án phụ huynh, cho rằng phụ huynh như thế, thảo nào con cái bị phạt quỳ là đúng. Lại có người cho rằng đã là cô giáo sao lại phải quỳ xin lỗi? Nếu làm thầy mà hành xử như thế thì làm sao dạy dỗ được học sinh? Lập luận nào cũng có lý.

Nhưng có những sự thực mà nếu nhìn sâu vào đó, chúng ta còn đau lòng hơn. Như lời một bài hát: “có những niềm riêng làm sao ai biết”…

Hôm qua đến giờ để ý xem có ai nói tới còn một nỗi niềm khác của không ít thầy cô nhưng không thấy ai đề cập: nỗi lo sợ khi công việc của mình bị đe dọa! Bởi để có được công việc này, dù đầy đủ bằng cấp học hành nhưng chạy một suất biên chế dạy học không là chuyện dễ, nếu không nói rằng với nhiều người sẽ phải khá tốn kém!

Hẳn nhiều người nhớ 5 năm trước, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội đã phát biểu trước HĐND thành phố: “Xin mách với lãnh đạo quận huyện là Trưởng phòng Nội vụ quận, huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền ‘chạy’ của thí sinh để đỗ công chức. Mức chạy không dưới 100 triệu đồng”.

Trong ngành giáo dục có chuyện chạy biên chế giáo viên hay không? Mức chạy là bao nhiêu? Không ai thừa nhận nhưng đó là điều ai cũng biết là có! Vẫn có một làn sóng ngầm tiền bạc đang vận hành mà quy mô không hề thua kém kinh phí của các dự án quốc gia nếu nhân nó trên tầm vóc toàn quốc, đó là câu chuyện chạy biên chế, trong đó biên chế giáo viên! (còn biên chế các ngành càng cao giá càng tốn kém, hầu như phải từ nửa tỷ đến vài tỷ đồng).

Chưa một cây bút điều tra nào có thể làm ra được sự thật này!

Chưa có chuyên án nào của cơ quan công an về chuyện này!

Nhưng việc thầy cô để có một suất biên chế tốn đến một vài trăm triệu là có thật. Nhiều giáo viên tôi gặp đã tâm tư rất thật lòng nhưng vẫn nhắc đi nhắc lại một câu: “Dù sao có được công việc như này là may mắn lắm rồi anh ạ, nói ra cũng không giải quyết được gì, có khi tiền mất tật mang!”.

Chuyện có thật , ai cũng biết nhưng bi kịch là không ai có thể phanh phui ra được sự thật này. Vài trăm triệu đồng lót tay để đổi lấy một mức lương vài triệu, đến bao giờ mới đủ sở hụi đã chung chi? Nhưng rồi vì sự ổn định, vì nỗi sợ trước bấp bênh đời sống, chuyện đó vẫn cứ im lặng xảy ra.

Một nữ giáo viên miền núi nói với tôi: “Vô biên chế không chỉ là chuyện công ăn việc làm, em không vô biên chế đồng nghĩa với không ổn định, mà không ổn định thì không thể lấy chồng, mấy tiền cũng đáng, vì còn phải lo lấy chồng nữa anh ạ. Hơn cả công việc, nó là cả tương lai cuộc đời mình!” Cô cười giòn tan sau câu chuyện còn tôi thì suýt khóc!

Mấy năm trước, phóng viên Thu Trang của báo Phụ Nữ TP.HCM rất công phu để thực hiện một phóng sự điều tra về chuyện chạy biên chế giáo viên này. Câu chuyện chỉ ở diễn ra một địa phương nhỏ nhoi, suất chạy giáo viên ở mức tầm tầm, chỉ vậy thôi mà phóng viên cũng trầy vi tróc vảy bởi người nhận dù bị lộ nhưng người đưa quyết không để lộ!

Điều này cũng tương tự như phát biểu của ông chủ nhiệm UBKT Thành ủy sau đó được thanh tra và báo cáo với hội đồng: Hà Nội không hề có chuyện chạy công chức 100 triệu!

Vì thế, khi các thầy cô tỏ ra yếm thế trước nguy cơ công việc của mình bị đe dọa an toàn (kỷ luật, sa thải, chuyển công tác…) thì nên nghĩ rằng đó không chỉ là áp lực từ bạo lực hay sự sợ hãi trước các phụ huynh.

Đó còn là nỗi sợ hãi tự thân về công việc của mình, nồi cơm mưu sinh gia đình mình và bao nhiêu “niềm riêng” không nói ra được. Đau lòng không? Ai cũng đau lòng nhưng không ai phẫu thuật được, và gần như bất khả!

Vậy thì quỳ gối, trong nhiều trường hợp chính là thỏa hiệp với nồi cơm cho gia đình và lon sữa cho con. Nếu bạn tốn hàng trăm triệu cho một công việc ổn định, thì trước nguy cơ mất việc chỉ vì một sự nóng nảy, quỳ là chuyện cũng phải làm. Sự thật đôi khi trần trụi mà im lặng mà đầy đắng cay như thế!

Chắc chắn chuyện này cả vài chục năm nữa cũng không ai phanh phui được cả, vẫn là những đồng tiền gom góp “bòn miệng bọ chét” dành “nhét miệng ông voi”, nhưng đắng cay sẽ còn trĩu nặng trong viên phấn trên tay mỗi ngày!

Đau!

Theo facebook Nhà báo Lê Đức Dục

Xem thêm: