Đừng dạy chúng hơn thua
- FB LUÂN LÊ
- •
Khi đứng ở vai trò làm cha mẹ, thầy cô giáo hay nhà nghiên cứu, truyền thụ dù là học thuật hay đạo đức, chúng ta đừng dạy bọn trẻ, những đứa con hay học sinh của mình tâm lý hơn thua và khinh khi công việc, ngành nghề của người khác. Hãy gạt bỏ suy nghĩ này khỏi cách giáo dục hàng ngày và khỏi trí não của bản thân, nếu muốn những thế hệ của mình trưởng thành và phát huy được phẩm chất cũng như tài năng của chúng.
Trên thế giới này mọi hiểu biết của con người, nhất là từng cá thể, đều có giới hạn và rất nhỏ hẹp, trong khi vũ trụ là bao la và những kiến thức là vô hạn định. Kể cả học cao, hiểu sâu, cũng không thể biết hết hay am tường được nhiều tri thức khác, vì thế, đừng dạy chúng tâm lý hơn thua hay phải vượt qua người nào đó.
Ngay cả một nhà bác học uyên thâm trong một vài lĩnh vực chuyên môn nào đó cũng có thể không biết cách sửa được đường dẫn ống nước khi bị vỡ hay có thể đánh giày nhanh bằng một người làm công việc này hàng ngày trên phố, cũng chưa chắc nắm bắt lịch sử bằng một cô cậu thường ngày làm việc với nó. Một chính trị gia cũng có thể làm kinh tế nhưng chưa chắc đã thông tuệ luật pháp hay biết sử dụng máy tính là gì. Và ngay cả một nhà đại tài quân sự lẫy lừng như Napoleon còn phải bại trận dưới tay vị tướng Daniel Wellington trong trận Waterloo.
Thế nên, mọi thành tích hay chiến thắng đều có giới hạn của nó. Những cuộc thi hoặc với tâm lý phấn đấu cố để hơn thua trong giáo dục hay công việc chính là thứ huỷ hoại tư duy cũng như việc lĩnh hội và khai phá tri thức thực sự của một con người nhanh nhất và cũng là khủng khiếp nhất. Nó cũng sẽ dần phá huỷ nhân cách và làm tha hoá phẩm chất quý báu của con người là biết khiêm nhường và lòng ham học hỏi từ người khác, từ thế giới rộng lớn xung quanh. Nó tạo ra những kẻ tự cao, bảo thủ và tự thoả mãn với chính mình. Và ngay cả thế, rất nhiều những nhà khoa học hay thiên tài, họ đâu có được học trường lớp hay dự cuộc thi nào để hơn thua, thậm chí còn bị từ chối bởi những người khác.
Tri thức không có đỉnh cao, hiểu biết thì luôn có giới hạn, và thành quả khoa học chỉ có được sau sự lao động miệt mài bằng sự nghiêm túc một cách bền bỉ. Và chắc chắn rằng đó cũng là sự kế thừa thành quả tri thức từ những lớp người đi trước để lại, không ai là làm nên tất cả hay một mình có thể kiến tạo cũng như thay đổi thế giới này được.
Những cuộc thi, thành tích và sự xếp hạng đều chỉ khiến con người ta có cảm giác thấy mình bất bình đẳng, nhất là khi đặt nặng nó lên hàng đầu. Vì từ thứ bậc đó, người xếp sau có thể tự ti mà giảm ý chí, kẻ đứng trước lại dễ tự mãn và rơi vào tâm lý của kẻ chiến thắng.
Giáo dục, là dạy chúng biết cúi đầu học hỏi từ tất cả mọi người, mọi hiểu biết của con người đều là nhỏ bé, đều là lạc hậu sau mỗi ngày trôi qua. Bạn hiểu biết vài thứ thì hãy nghĩ rằng người khác cũng biết nhiều thứ mà có khi có những thứ họ biết mà bạn còn chưa hiểu nó là gì. Người cùng thời có thể đi trước về tư duy, người quá khứ cũng có thể vượt xa chúng ta về tầm nhìn, nên đừng cố gắng hơn thua hay phải đạt điểm cao hoặc phải cố đứng đầu các cuộc thi, chúng chỉ là một khoảnh khắc và chẳng giải quyết gì cả nếu những tấm huy chương hay giấy khen ấy chỉ để trưng bày trong khi bạn trở thành kẻ nát rượu, bê tha hoặc ngày càng kém cỏi.
Lao động suốt đời mới thấy được những điều quý giá, những chân lý sau cùng và mới biết trí tuệ mình ra sao. Đừng cố giàu có bằng mọi cách, cũng đừng làm người gian manh, lọc lõi rồi coi đó là trí khôn hơn người khác. Thành công phải được tạo thành từ lòng trung thực và lao động chân chính. Những người giàu có mà đủ trí tuệ, họ sẽ giáo dục con cái họ biết cách kiếm tiền và chia sẻ, chứ không dạy chúng đạt mục đích bằng mọi cách và ôm khư khư khối tài sản khổng lồ rồi chết đi như một kẻ bần hàn về lòng tốt và giá trị tính người.
Giáo dục con cái, hãy nói đến lòng chính trực và đức tính khiêm nhường, không chê bai hay khinh khi người nghèo, không ganh ghét hay đố kỵ người giàu chân chính, trân trọng người có trí tuệ và luôn sẵn sàng học hỏi từ bất kể một ai, ngay cả kẻ thù của mình, vì kẻ đó sẽ có những phương cách mà ta đang thiếu hoặc không thể ngờ tới được. Tào Tháo còn phải cảm ơn trời đất vì đã tạo ra một kẻ thù xứng tầm đáng để ông ta học hỏi suốt đời trong sự trân trọng và thán phục.
Người xưa có câu, cao nhân đắc có cao nhân trị, núi cao có núi cao hơn, nên hãy hạ mình xuống, nhưng không phải là quỳ gối để hạ thấp mình đi trước kẻ khác. Hãy luôn sẵn lòng chia sẻ với ai đó khi khó khăn mà chúng ta bắt gặp trong đời ngay khi có thể và cũng đừng nghĩ đến việc họ trả ơn. Bạn có thể kiếm ra tiền bằng cách sáng tạo và lao động thực tiễn, nhưng tiền sẽ không tạo nên bạn hay những thành quả bạn làm nên, tiền vốn sinh ra sau và để phục vụ con người, nên đừng lấy tiền bạc làm thước đo giá trị của người khác. Hãy lấy trí tuệ và khả năng cống hiến của họ đối với xã hội để nhìn vào mà biết họ ra sao. Kiếm tiền bằng gian trá và tội lỗi thì kể cả cho đi hay từ thiện bao nhiêu thì những đồng tiền ấy cũng không còn mấy giá trị nữa.
Nhìn vào người khác để học hỏi và cố gắng, chứ đừng nhìn họ để phải vượt qua hay phải thắng thua bằng mọi cách. Cuộc đời không phải một cuộc đua, mà là sự đa dạng của những kiến tạo tri thức theo mọi hướng. Hãy làm việc hăng say và bằng lòng nhiệt thành bền bỉ, chỉ có vậy mới mong có thể làm được những điều có giá trị cho cuộc sống này.
Và, nếu không muốn biến con mình trở thành kẻ thất bại và tự ti trong cuộc đời, hãy đừng dạy chúng phải hơn thua hay chỉ để chiến thắng người khác, ngay từ lúc này.
Từ khóa Giáo dục Dạy con khiêm tốn Đạo đức