Hồ Bình: Tại sao New York Times lại công kích Pháp Luân Công?
- Hồ Bình
- •
Epoch Times đã phỏng vấn ông Hồ Bình, nhà bình luận chính trị kiêm tổng biên tập danh dự của tờ Mùa xuân Bắc Kinh, về loạt bài viết sai sự thực của New York Times liên quan đến Pháp Luân Công và Shen Yun. Ông Hồ Bình tin rằng những bài viết này không đúng sự thật và chứa đầy những tuyên truyền dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong loạt bài viết của New York Times bóp méo sự thật về Pháp Luân Công và Shen Yun, các học viên Pháp Luân Công, Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun và các tình nguyện viên đã được miêu tả bằng những lời lẽ tiêu cực và lặp lại quan điểm của ĐCSTQ.
Ông Hồ Bình cho rằng Pháp Luân Công ôn hoà hơn các tôn giáo khác, và việc New York Times rằng nói Pháp Luân Công đang trục lợi là không hợp lý. Bất kỳ ai chỉ trích Pháp Luân Công đều không dám dùng tiêu chuẩn đó để chỉ trích các tôn giáo khác.
Ông nói, vì ĐCSTQ chỉ yêu cầu họ tấn công Pháp Luân Công. Cáo buộc của New York Times chắc chắn là không có căn cứ, nhưng sẽ khiến mọi người hoang mang. Ông tin rằng sự việc này càng kéo dài, mọi người sẽ càng thấy rõ hơn câu chuyện phía sau.
Pháp Luân Công ôn hòa hơn các tôn giáo khác
Trong bài viết mới nhất của New York Times, các học viên Pháp Luân Công được mô tả là một nhóm tín đồ “cuồng tín” mù quáng. Trong khi các bài viết trước đó mô tả nhóm học viên này là một “nhóm tâm linh Trung Quốc bí ẩn và tương đối ẩn dật”.
Ông Hồ Bình nói với Epoch Times rằng trên thực tế, so với các tín ngưỡng tôn giáo khác, Pháp Luân Công có vẻ ôn hòa hơn.
Ông chỉ ra rằng Pháp Luân Công không chủ trương cấm sắc dục hay độc thân, xuất gia hay rời bỏ thế tục, trong khi nhiều tôn giáo khác ủng hộ những điều này.
“Ăn uống, sắc dục vốn là bản tính của con người. Nhiều tôn giáo muốn ước chế và cấm đoán điều này, họ chủ trương độc thân, không kết hôn và không sinh con, cũng như không tham gia vào bất kỳ hoạt động thế tục nào và tu hành cả ngày.”
Ông đưa ra ví dụ rằng trong Hồng Lâu Mộng, Giả Bảo Ngọc đã kết hôn, sinh con, sau đó tham gia kỳ thi tuyển và đỗ. Kết quả là, một nhà sư và một đạo sĩ xuất hiện, Bảo Ngọc rời khỏi nhà đi cùng họ, không màng đến vợ con. Mẹ cậu khóc đến chết đi sống lại.
Không ai đổ lỗi cho Phật giáo hay các nhà sư, đạo sĩ về điều này. Thời nay, pháp sư Hoằng Nhất cũng bỏ vợ con đi tu, và trở thành một giai thoại.
“So ra, những người tập Pháp Luân Công có cuộc sống rất bình thường. Làm sao có thể nói rằng họ tà ác? Nói Pháp Luân Công rất huyền bí, nhưng các tôn giáo khác thậm chí còn huyền bí hơn”, ông nói.
Ông Hồ Bình cũng nhắc đến Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2000 tại New York, khi ông Lý Bằng tới tham dự. Người dân từ khắp nơi trên thế giới tụ họp tại New York để tổ chức biểu tình cho toàn thế giới xem.
“Các học viên Pháp Luân Công cũng tham gia tuần hành. Tôi nghe cảnh sát nói rằng trong số tất cả các nhóm biểu tình, nhóm Pháp Luân Công là lớn nhất, kéo dài 8 con phố. Họ cũng nói rằng Pháp Luân Công là nhóm có trật tự nhất và rằng nếu tất cả chúng ta đều giống như Pháp Luân Công, thì căn bản không cần đến cảnh sát.
Bởi vì ở Hoa Kỳ, mọi người được tự do biểu tình, nhưng luôn có một số người làm một số việc cực đoan. Đôi khi cảnh sát sẽ bắt giữ một số người. Nhưng các cuộc mít tinh của Pháp Luân Công, dù có đông người tham gia, cũng chưa bao giờ xảy ra những việc như vậy.”
Thật vô lý khi nói rằng Pháp Luân Công đang trục lợi
Bài viết sai lệch mới nhất trên tờ New York Times nói rằng Pháp Luân Công đang trục lợi. Ông Hồ Bình cho biết khi nói đến cách Pháp Luân Công kiếm tiền, các tôn giáo khác đã tiến xa hơn Pháp Luân Công về mặt này. Ví dụ tại một số địa phương, Kitô giáo yêu cầu các tín đồ phải đóng thuế thập phân, nghĩa là phải quyên góp 1/10 thu nhập của mình cho nhà thờ.
Ông cho biết, có 2 công trình kiến trúc tráng lệ nhất trên thế giới: Một là cung điện hoàng gia, và hai là nhà thờ, cả hai đều rất hùng vĩ. Khi chính trị và tôn giáo kết hợp với nhau, chính phủ sẽ tự trả số tiền này. Khi nhà thờ và nhà nước tách biệt, phần lớn tiền quyên góp đều đến từ chính các tín đồ.
“Có rất nhiều ngôi chùa nhỏ ở Đài Loan, cứ 3 – 5 bước lại có một ngôi chùa. Pháp Luân Công có rất nhiều học viên trên khắp thế giới, nhưng không ai làm điều này, họ cũng không yêu cầu bạn cúng dường. Với số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công như vậy, việc cáo buộc Pháp Luân Công quyên tiền thực sự là dối trá. Điều này không thể chấp nhận được.”
“Nếu bạn nói Pháp Luân Công trục lợi, vậy các tôn giáo khác thì sao? Bao gồm cả Cơ đốc giáo, Công giáo và Tin lành. Theo tiêu chuẩn đó, chúng tôi dám nói 100% rằng chắc chắn là nhiều hơn và chắc chắn là nghiêm trọng hơn.”
“Lời buộc tội này rõ ràng là không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong vài bài viết đầu tiên. Tôi đã đọc rất rõ ràng. Thậm chí họ [New York Times] còn phủ nhận việc thu hoạch nội tạng.”
Ông Hồ Bình nói: “Tôi đã nghiên cứu về vấn đề đó. Ngay cả cơ quan tuyên truyền đối ngoại lớn nhất của ĐCSTQ, Đài truyền hình Phượng Hoàng tại Hồng Kông, cũng đưa tin về sự việc này. Chính quyền đã thừa nhận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Hơn nữa, họ cũng tuyên bố rõ ràng rằng trong số đó, đa số là học viên Pháp Luân Công. Những điều này đã quá rõ ràng, không cần phải bàn cãi.”
Bất kỳ ai chỉ trích Pháp Luân Công đều không dám dùng tiêu chuẩn đó để chỉ trích các tôn giáo khác
Trong một báo cáo trước đó của New York Times, họ còn chỉ trích việc không điều trị y tế cho các diễn viên là học sinh bị thương.
Ông Hồ Bình cho biết, việc nói rằng Pháp Luân Công cấm đi chữa trị và uống thuốc là hoàn toàn sai sự thật. Ông Lý Hồng Chí đã nói rất rõ ràng, rằng chữa trị và uống thuốc tất nhiên là hữu ích. Nhưng ý của ông là muốn nói nó chỉ có thể điều trị triệu chứng, chứ không thể điều trị nguyên nhân gốc rễ.
Rất nhiều người ban đầu học y, sau đó trở thành học viên Pháp Luân Công, họ cũng không từ bỏ nghề nghiệp của mình. Điều này cho thấy, bản thân Pháp Luân Công không cấm việc đi khám bệnh hoặc điều trị y tế.
“Về việc cấm đi khám bệnh hoặc tìm kiếm sự điều trị y tế, phái Khoa học Cơ đốc giáo Hoa Kỳ nghiêm cấm khám bệnh hoặc uống thuốc. Họ tin rằng những người mắc bệnh nên dựa vào lời cầu nguyện, trừ khi bạn bị gãy xương và cần phải đeo nẹp, hoặc phụ nữ cần phải ở trong phòng sinh để sinh con.
Nhiều tín đồ của phái này có trình độ học vấn cao. Họ còn thành lập một tờ báo có tên là Christian Science Monitor, có ảnh hưởng lớn đến thời đại báo giấy.”
Ông tiếp tục nói rằng có một phái tôn giáo ở Hoa Kỳ được gọi là Nhân chứng Jehovah. Nhiều người cần truyền máu vì chảy máu quá nhiều, nhưng theo phái này, truyền máu cũng không được phép.
Ông Hồ Bình cho biết, ở Hoa Kỳ, chưa từng có ai nghĩ rằng việc một người từ chối đến bệnh viện để điều trị là có vấn đề gì đó sai trái và vi phạm pháp luật.
Điều gây tranh cãi là nếu một đứa trẻ vị thành niên bị bệnh và cha mẹ không đưa con đi khám bệnh, hay nếu đứa trẻ bị bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong, thì liệu cha mẹ có phải chịu trách nhiệm hay không, vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Mặc dù vậy, họ cũng không nói rằng bạn là “tà giáo”, mà chỉ nói rằng bạn đã lơ là trong việc chăm sóc con mình và đã trừng phạt bạn một cách thích đáng.
“Theo quan điểm này, những người cáo buộc Pháp Luân Công là một ‘tà giáo’ và mô tả Pháp Luân Công là bí ẩn, hoàn toàn không biết gì về toàn bộ lĩnh vực tôn giáo.”
Ông nói rằng Hoa Kỳ là một quốc gia tự do tôn giáo, và có một số xung đột văn hóa giữa các tôn giáo khác nhau, nhưng mọi người đều có thể giải quyết chúng dựa trên bản thân sự việc đó. Điều này hoàn toàn khác với việc ĐCSTQ mượn danh nghĩa “tà giáo” hoặc “phản khoa học” để đàn áp người dân.
Chỉ trích Pháp Luân Công theo yêu cầu của ĐCSTQ
Ông Hồ Bình nói điều kỳ lạ là, những người chỉ trích Pháp Luân Công là “tà giáo”, huyền bí, “phản khoa học” lại không bao giờ dám sử dụng cùng một tiêu chuẩn đó để tấn công các tôn giáo khác. “Điều này hoàn toàn phù hợp với giọng điệu của ĐCSTQ, vì họ chỉ yêu cầu những người này chỉ trích Pháp Luân Công!”
“Bản thân những người này biết rằng sự chỉ trích của họ không đủ căn cứ. Nếu họ sử dụng cùng một tiêu chuẩn để chỉ trích các tôn giáo khác, bản thân họ sẽ bị đánh bại hoàn toàn.”
“Vì vậy, những lời chỉ trích đó có một vấn đề chung, mà tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, rằng những người này chỉ dám nói về Pháp Luân Công, họ không dám nói về các tôn giáo khác. Điều này chứng tỏ rằng những lời chỉ trích như vậy là hoàn toàn không đủ căn cứ.”
“Tôi tin rằng càng kéo dài, mọi người sẽ càng nhìn nhận rõ ràng hơn.”
Shen Yun kiếm tiền theo cách rất hợp pháp và là hình mẫu đáng học hỏi
New York Times đưa tin, hồ sơ thuế cho thấy, từ mức 60 triệu USD vào năm 2015, tài sản của Shen Yun đã vượt quá 250 triệu USD vào cuối năm 2023, và đặt ra câu hỏi về “tốc độ tích lũy tài sản nhanh bất thường”.
Ông Hồ Bình cho biết, công nghệ nghe nhìn hiện đại trên thế giới hiện nay rất tiên tiến, đến nỗi nhiều người xem trên Internet và không nhất thiết phải đến rạp, khiến cho nghệ thuật biểu diễn sân khấu khó có thể tồn tại.
Trong vài thập kỷ qua, nhiều đoàn biểu diễn truyền thống và chất lượng cao ở phương Tây không thể tự duy trì về mặt tài chính. Trong một xã hội tự do, Shen Yun vẫn có thể kiếm tiền từ các buổi biểu diễn thương mại, điều này hoàn toàn hợp pháp.
Ông cho biết, tất cả các nhóm tôn giáo đều đang làm những việc tương tự, một số thành công hơn và một số ít thành công như vậy. Về mặt này, Shen Yun đã cung cấp một hình mẫu đáng học hỏi cho nhiều nhóm phi lợi nhuận vì mục tiêu có giá trị.
“Những người làm dân vận chúng tôi luôn nói rằng: ‘Hãy xem Pháp Luân Công làm tốt như thế nào, tại sao chúng ta không tốt bằng họ?’ Chúng tôi cảm thấy rằng có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ họ về mặt này.”
“Vì tôi đã làm công việc tương tự và từng là chủ tịch của Hiệp hội chính trị sinh viên quốc tế. Nếu muốn tổ chức các cuộc họp và hoạt động, tôi phải xin tài trợ.”
Ông cho biết vào thời điểm đó, sinh viên quốc tế rất nghèo, không đủ khả năng chi trả chi phí đi lại và ăn ở. Là người phụ trách một tổ chức phong trào dân vận hoặc một tạp chí phong trào dân vận, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề kinh tế tương tự.
Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện công việc lý tưởng của mình ở một nơi được pháp luật bảo vệ, giải quyết các vấn đề kinh tế và có được một số thu nhập? Chúng tôi cũng có một chút kinh nghiệm về điều này.
“Vì vậy, chúng ta thực sự không cần phải điều tra những chuyện như thế này. Người ngoài cuộc chỉ cần liếc mắt cũng có thể hiểu rõ. Vì sao họ có thể làm tốt hơn chúng ta, về cơ bản đều có thể hiểu rằng những lời buộc tội này chắc chắn là không đủ căn cứ.”
Ông Hồ Bình nói rằng tất nhiên họ cũng biết rằng dù sao họ cũng đang ở đất nước Hoa Kỳ tự do, khái niệm tự do tôn giáo đã ăn sâu vào trong lòng người dân. Do đó, không thể chỉ trích Pháp Luân Công ở nước ngoài theo cách của ĐCSTQ, nên họ lấy việc trục lợi làm cái cớ.
“Về vấn đề kinh tế, mọi người có thể không nhất thiết tin vào lời buộc tội của họ. Nhưng họ không biết chính xác bạn hoạt động như thế nào, vì vậy khó tránh khỏi một chút bối rối. Như vậy, mục đích của họ cũng đã đạt được một phần.”
Đánh tráo khái niệm về các tình nguyện viên
New York Times đưa tin rằng Shen Yun không chỉ gây quỹ thông qua việc bán vé, mà còn lợi dụng lòng trung thành tôn giáo để yêu cầu các tín đồ làm việc không công.
Ông Hồ Bình cho biết, ĐCSTQ đã biến hoạt động tình nguyện thành lao động miễn phí, thành một điều tồi tệ.
“Thực ra, họ là những tình nguyện viên. Ví dụ, khi chúng tôi bận xuất bản tạp chí, đôi khi tạp chí cần được đóng gói, đóng dấu và gửi đi ngay sau khi in, một số thành viên và bạn bè sẽ tự nguyện đến giúp. Nếu không nhận tiền, thì nhiều nhất là sau khi hoàn thành công việc, mọi người sẽ cùng nhau ăn một bữa. Tình huống này xảy ra rất nhiều. Tôi tin rằng Pháp Luân Công cũng vậy.”
Ông nói rằng có một truyền thống làm tình nguyện viên ở Hoa Kỳ. Trước đây, ngay cả ở một thị trấn rất nhỏ tại nước này, tòa nhà lớn nhất cũng là nhà thờ. Thông qua đức tin, họ đã vun đắp tinh thần cống hiến cho cộng đồng.
Hoa Kỳ có số lượng các tổ chức từ thiện và quỹ khác nhau lớn nhất thế giới, sau này họ trở thành các tổ chức phi chính phủ (NGO). Tất cả đều được phát triển đầu tiên tại Hoa Kỳ, điều này có liên quan nhiều đến nền tảng tôn giáo của quốc gia này .
“Phong trào dân vận của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi phải làm rất nhiều việc. Một số hoạt động có thể được các tổ chức tài trợ, nhưng một phần đáng kể phụ thuộc vào sự đóng góp của các thành viên hoặc những người ủng hộ chúng tôi.”
Ông Hồ Bình nói rằng Pháp Luân Công cũng tương tự. Pháp Luân Công đã làm nhiều việc, gồm điều hành các kênh truyền thông, như Epoch Times và Vision Times. Đặc biệt là ở các khu vực người Hoa, bạn có thể thấy các hộp báo của họ và một số người phân phát chúng miễn phí. Những thứ này đều phải dùng đến tiền, bao gồm cả các buổi biểu diễn của Shen Yun.
“Tôi biết nhiều bạn bè là học viên Pháp Luân Công. Ví dụ, khi NTDTV mới ra mắt, tôi đã làm việc cho một số chương trình. Tôi biết rằng tất cả họ đều rất chuyên nghiệp và tận tụy. Mức thù lao họ nhận được chắc chắn thấp hơn so với các chương trình thương mại. Điều này phản ánh nhiều hơn về sự cống hiến của họ. Chúng tôi đều hiểu rất rõ.”
Ông cho biết vì vậy, những người liên quan đều biết bản chất công việc và sẽ không đòi hỏi thêm tiền công. Họ đều sẵn lòng và tự hào khi làm công việc này.
Họ cũng làm điều đó vì lòng tận tụy và không coi đây là việc mưu sinh. Tôi đã thấy nhiều người điều hành các kênh truyền thông rất chuyên nghiệp. Nếu muốn kiếm tiền, họ sẽ không làm những việc này. Họ chỉ đang thực hiện lý tưởng của mình.
Ông Hồ Bình nói, mọi tôn giáo đều cho rằng đời sống tinh thần của con người là quan trọng nhất, đời sống vật chất chỉ là thứ yếu, không thể lấy tiền bạc làm mục đích sống. Các vị thánh và tông đồ của nhiều tôn giáo khác nhau trong lịch sử đều tự lấy mình làm gương.
“Một số tín đồ làm việc thiện cho người khác suốt đời, nhưng bản thân lại chỉ ở mức cơ bản. Không phải là họ không có khả năng kiếm thêm tiền, mà là họ không muốn làm như vậy.”
Ý nghĩa của Pháp Luân Công
Ông Hồ Bình nói rằng phong trào Pháp Luân Công tất nhiên có ý nghĩa to lớn. Ngay cả từ góc độ đạo đức xã hội nói chung hay công lý xã hội, Pháp Luân Công chắc chắn đều có tác động tích cực đến sự phục hưng đạo đức của Trung Quốc.
Ông cho biết trong nhiều năm, ĐCSTQ đã đàn áp nhiều tôn giáo bằng chủ nghĩa vô thần hiếu chiến, và đạt đến đỉnh điểm vào thời Mao Trạch Đông, đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Ông nói rằng con người thời đại này cần có tôn giáo, đặc biệt là trong tương lai khi Trung Quốc trải qua thời kỳ đen tối, và tiến vào thời kỳ tươi sáng, phải hoàn thành tốt cải cách thể chế, xây dựng Trung Quốc thành một xã hội tốt đẹp hơn. Lúc này, tín ngưỡng tôn giáo là sức mạnh rất quan trọng. Về phương diện này, Pháp Luân Công chắc chắn đã có những đóng góp của riêng mình.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân ông Hồ Bình, được phóng viên Epoch Times thực hiện.)
Quỳnh Chi biên dịch
Từ khóa Pháp Luân Công New York Times Recommend Hồ Bình