Tương lai ảm đạm của tu sỹ tu viện Kyiv Pechersk Lavra
- Thiên Đức
- •
Tờ France 24 của Pháp báo cáo hôm 14/3 về tình cảnh ảm đạm của các tu sỹ Tu viện Các hang động (Kyiv Pechersk Lavra), biểu tượng của Chính thống Giáo Đông phương suốt cả 1.000 năm qua, khi họ phải đối mặt với lệnh trục xuất của chính quyền Zelensky.
Người đứng đầu tu viện, Metropolitan Pavlo Lebid, đã tuyên bố rằng các tu sỹ “không có ý định rời đi” khỏi nơi mà họ vẫn sinh sống từ những năm 1988. Nhưng các phóng viên của AFP đã nhìn thấy một số lượng lớn ô tô và xe tải rời khỏi tu viện hôm thứ Ba.
Một tu sỹ mặc áo đen, xưng tên là Avel, nói rằng những vật dụng cồng kềnh đang được chuyển đi trong trường hợp “điều gì đó không thể giải thích được xảy ra” khi việc trục xuất được tiến hành.
“Chúng tôi phải sẵn sàng nếu xảy ra tình huống [bị trục xuất]. Cho nên những thứ nặng nhất đang được chuyển đi,” ông nói. “Chúng tôi để lại hầu hết mọi thứ trong tu viện. Chúng tôi vẫn ở lại đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục, không cần phải nói thêm nữa.”
“Nhiều cha xứ và các tu sỹ đơn giản là không có nơi nào khác để đi ngoài tu viện này. Đây là nhà của chúng tôi. Và đối với chúng tôi, quyết định [bị trục xuất] này là một tia sét bất ngờ.”
Hôm thứ Ba, một số người qua đường được phóng viên phỏng vấn đã cho biết các ý kiến trái ngược nhau về lệnh trục xuất của chính phủ Zelensky.
Artem, 37 tuổi, nói: “Chúng tôi có nhà thờ riêng của mình, giáo hội khác ở Kyiv và một Tòa thượng phụ Ukraine. Lẽ ra không có điểm chung nào [với Nga].” Đây là nói về một giáo hội mới, mang tên OCU, thành lập được 4 năm ở Kyiv.
“Nếu họ ủng hộ Moscow, họ không được chào đón ở đây,” Igor, một người khác nói thêm.
Nhưng giáo dân Marina, 53 tuổi, thề sẽ bảo vệ các tu sĩ, “Chúng ta phải bảo vệ các giáo sĩ, các tu sỹ của chúng ta” và “Chúng tôi sẵn sàng bước ra và bảo vệ họ đến cùng, bằng bất cứ giá nào.”
Kyiv Pechersk Lavra, tổ hợp tu viện với những mái vàng cổ kính nhìn ra sông Dnipro, là trụ sở chính của Giáo hội Chính thống Ukraine (UOC), tôn giáo quan trọng nhất của đất nước. Mãi cho đến gần đây, nó vẫn là một nhánh của Tòa thượng phụ Moscow, theo truyền thống từ thế kỷ 17. Họ cùng tất cả các giáo xứ trên Ukraine đã tuyên bố chấm dứt mọi quan hệ với Nga từ tháng 5/2022, sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra và Thượng phụ Kirill của Moscow tuyên bố ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng chính quyền Kyiv không tin rằng giáo hội UOC đã chấm dứt quan hệ với Nga. Tu viện Pechersk Lavra và các cơ sở khác của giáo hội đã bị các cơ quan an ninh Ukraine đột kích vào năm ngoái và sách nhiễu nhiều lần vì nghi ngờ có liên hệ với Nga. OCU là giáo hội thành lập 15/12/2018, thân Kyiv. Thượng phụ của giáo hội này được Thượng phụ Đại kết Constantinople công nhận ngày 5/1/2019, tuy nhiên các nhánh Chính thống Giáo khác không công nhận OCU. Chính thống Giáo (Orthodox) là tín ngưỡng chủ yếu của cả Nga và Ukraine, và cũng phổ biến ở nhiều nước Đông Âu. Công giáo (Catholics) và Chính thống Giáo là các nhánh lớn của Kitô Giáo. |
- Tu sỹ tuyên bố không định rời khỏi tu viện Kyiv Pechersk Lavra
- Tổng thống Zelensky: Trục xuất tu sỹ Kitô là để “tăng cường độc lập tinh thần”
- Ukraine lệnh cho Giáo hội Chính thống UOC rời khỏi tu viện Kyiv Pechersk Lavra
Các tu sỹ của tu viện lại đăng thêm một video thỉnh nguyện của mình trước lệnh trục xuất.
Tín đồ chân chính và đàn áp chính trị
Kiên định đức tin là đặc trưng nổi bật của một tín ngưỡng chân chính.
Một tín ngưỡng lâu đời như Kitô giáo đã có lịch sử trải qua nhiều thể chế chính trị. Họ cũng trải qua không ít các cuộc đàn áp bởi các thế lực chính trị. Ngay từ thời gian đầu, đó là đàn áp của Đế chế La Mã khoảng 300 năm.
Đức tin Chính thống (Orthodoxy) ở tu viện Pechersk Lavra trong lịch sử gần đây nhất là phải đối mặt với chế độ cộng sản thời Liên Xô và chế độ phát xít thời Đại Thế chiến II.
Kiên trì vào đức tin và không thỏa hiệp, nó vừa là yêu cầu của tín ngưỡng đối với tín đồ của mình, và cũng vừa là tôn chỉ tồn tại lâu dài của một chính tín.
Một tín đồ, nếu không kiên trì đức tin, thì sao có thể tiến bộ trên con đường tâm linh, mà thực tế cũng không thể gọi là “tín đồ” theo đúng nghĩa.
Chính trị là thứ thay đổi chóng mặt. Mấy hôm trước còn là “núi liền núi sông liền sông”. Sau vài hôm thì là “kẻ thù truyền kiếp”. Vài bữa nữa thì là “bình thường hóa quan hệ”. Rồi một thời gian sau thì là “đồng chí tốt, láng giềng tốt”.
Giữa các thế lực chính trị với nhau, họ có thể thỏa hiệp thời này, và thay đổi thỏa hiệp vào thời khác. Đó là cái đạo sinh tồn của các thế lực chính trị.
Một tín ngưỡng lịch sử hàng ngàn năm, tự nhiên sẽ không tán thành việc thỏa hiệp. Đạo sinh tồn của chính tín là không có sự thỏa hiệp kiểu như chính trị nói trên.
Trong lịch sử, thông thường khi gặp phải thế lực chính trị quá mạnh, thì tín đồ Kitô chân chính thường chuyển sang sinh hoạt bí mật, mà thường gọi là giáo hội ngầm, chứ không chấp nhận thỏa hiệp.
Thời Đế chế La Mã cũng vậy. Thời Liên Xô cũng vậy. Thời bị Đức chiếm đóng, thì Đức quốc xã bấy giờ không đóng cửa Kyiv Pechersk Lavra.
Ông Putin sinh ra trong gia đình, mà cha là người theo cộng sản, nhưng mẹ là người Chính thống Giáo, theo một cách ngấm ngầm. Ông Putin lên nắm quyền và đóng vai trò rất lớn trong việc phục hưng Chính thống Giáo Đông phương. Sau khi đàn áp của Liên Xô qua đi, thì giáo hội chuyển sang hoạt động công khai.
Ông Zelensky không phải là người Kitô giáo. Giáo hội mới lập OCU không phải lập ra do sống lại sau đàn áp, mà là được lập ra ngày 15/12/2018 vì lý do khác.
Đạo lý sinh tồn của tín ngưỡng là không giống với đạo lý sinh tồn của các thế lực chính trị. Cho nên nếu lấy lối tư duy chính trị mà nhìn nhận, thì có thể không chính xác. Ngoài ra, theo góc độ phương Tây thì sẽ là vi phạm nhân quyền nếu dùng lý do phe cánh chiến tranh để đàn áp tôn giáo.
Từ khóa Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine Chính thống Giáo