Khi thảo luận về ‘vận nước’, nhiều người dễ bị cuốn vào những tuyên bố lớn lao như “phục hưng dân tộc”, “cất cánh khoa học – công nghệ”, “cường quốc thế giới” Giống như [Trung Quốc] gần đây, không chỉ ứng dụng AI DeepSeek mà đến cả bộ phim Na Tra cũng đã được xem là thể hiện ‘vận nước’. Nhưng mấu chốt quyết định vận nước có nằm ở đó không? Điều gì mới thực sự quyết định độ hùng mạnh của một đất nước?

Na Tra 2
Bộ phim Na Tra của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Thực tế ‘vận nước’ không phản ánh ở độ vang dội của các khẩu hiệu, tốc độ tăng trưởng GDP, hay thậm chí là năng lực xuất sắc của một số ngành công nghiệp, mà nằm ở thu nhập của người dân có tăng trưởng hay không, cuộc sống của họ có không ngừng được cải thiện hay không! Nếu kinh tế của người dân nghèo khó trong khi cuộc sống luôn đầy áp lực thì cái gọi là “thịnh vượng của đất nước” chỉ là thịnh vượng trên giấy tờ.

Tre em Trung Quoc
Trẻ em nông thôn Trung Quốc. (Ảnh: MXH)

Lịch sử thế giới cận hiện đại cho thấy các nước thành công hùng cường là những nước có tỷ lệ thuận giữa tăng trưởng kinh tế đất nước và tăng thu nhập của đông đảo người dân, không phải chỉ dựa vào sự giàu có của một nhóm người đặc quyền đặc lợi.

Mỹ đã trở thành cường quốc thế giới kể từ đầu thế kỷ 20, theo đó thịnh vượng của Mỹ không chỉ dựa trên sự phát triển công nghiệp, mà còn liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng thu nhập của người dân Mỹ.

Nhiều người khi đánh giá mức độ sức mạnh đất nước dễ đi ra ngoài lề, ví dụ chỉ ra rằng Mỹ là nước hưởng lợi từ Thế chiến II, chỉ nhìn vĩ mô mà bỏ qua vấn đề cải thiện cuộc sống của người Mỹ. Sau Thế chiến II, Mỹ nhanh chóng thiết lập một mô hình kinh tế đặc trưng bởi mức lương cao, mức tiêu dùng cao và phúc lợi cao.

p3621412a771001605
Một người cha chơi với con cái của mình bên ngoài ngôi nhà của họ vào năm 1952 ở Mỹ. (Ảnh: George Konig/Keystone Features/Getty Images)

Từ năm 1950 đến năm 1973, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ là khoảng 4%, trong khi tiền lương thực tế của công nhân bình thường tăng gần gấp đôi. Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Mỹ đã giúp nhiều gia đình bình thường có nhà riêng, xe hơi và cơ hội học đại học. Mô hình phân phối của cải này không chỉ giúp xã hội Mỹ ổn định hơn, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường tiêu dùng, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế hơn nữa.

Ngược lại đối với Liên Xô cũ cho thấy mức sống của người dân thấp hơn nhiều so với người Mỹ, đây cũng là một lý do quan trọng khiến Liên Xô khi đó không thể tiếp tục phát triển. Trên giấy tờ, GDP của Liên Xô trong một thời gian dài chỉ đứng sau Mỹ, nhưng mức độ giàu có của người dân lại kém xa.

Nhưng tăng trưởng thu nhập ở Mỹ trong hai thập kỷ qua đã bắt đầu trì trệ, tầng lớp trung lưu bị thu hẹp và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, dẫn đến thường xuyên xảy ra các vấn đề xã hội. Thực tế đó cho thấy thịnh vượng bền vững của một đất nước phải dựa trên đảm bảo về thu nhập của người dân, nếu không để mất cân bằng kinh tế cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Đức từ lâu đã được coi là cường quốc sản xuất, nhưng thực tế một trong những lý do quan trọng cho thành công kinh tế của Đức là chế độ bảo vệ lao động và mức tăng trưởng tiền lương ổn định.

Chính phủ Đức kết nối với các doanh nghiệp qua bộ máy công đoàn để đảm bảo tiền lương của người lao động phải được tăng cùng với mức tăng kinh tế. Ví dụ, “Đạo luật Cùng quyết định” của Đức yêu cầu nhân viên của các công ty lớn phải tham gia vào quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tiếng nói của người lao động trong quá trình ra quyết định của công ty.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục kỹ thuật của Đức giúp đảm bảo không ngừng nâng trình độ kỹ năng người lao động phổ thông, qua đó họ có thể kiếm được thu nhập cao hơn.

Theo Cục Thống kê Liên bang, tiền lương thực tế ở Đức từ năm 2000 – 2020 đã tăng gần 20%. Điều này có nghĩa là mặc dù Đức đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và những thách thức của toàn cầu hóa, nhưng mức sống của người lao động phổ thông vẫn tốt lên.

Nhật Bản thậm chí còn là hình mẫu cho các nước Đông Á trong việc tăng thu nhập cho người dân.

Nền kinh tế Nhật Bản cất cánh sau chiến tranh và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng cho thành công của Nhật Bản là thu nhập bình dân tăng trưởng nhanh. Từ những năm 1950 đến những năm 1980 khi nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng, tiền lương của người lao động tăng trung bình khoảng 8%-10% mỗi năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do Nhật Bản đã đưa ra “Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập quốc dân”, theo đó Chính phủ Nhật Bản có chiến lược quốc gia để “ép buộc gia tăng” thu nhập trung bình của người dân Nhật Bản, nhằm tránh thực trạng Nhật Bản trở thành nước chỉ sản xuất sản phẩm cho toàn thế giới trong khi người dân lại rất nghèo.

Tăng trưởng ổn định thu nhập người lao động phổ thông đã nâng cao mức tiêu dùng chung và mức độ giàu có của hộ gia đình, giúp Nhật Bản vẫn duy trì vị thế là nước phát triển sau khi bị vỡ bong bóng nền kinh tế.

Ngược lại, những nước không biết nâng cao thu nhập cho người dân thì chắc chắn vận mệnh nước đó sẽ phải chịu ảnh hưởng tổn hại. Brazil và Mexico là những ví dụ. Từ những năm 1960 đến những năm 1980, cả hai nước đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng do khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, thu nhập của người dân bình thường tăng chậm, khiến mâu thuẫn xã hội gia tăng và cuối cùng rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Như có thể thấy từ hình dưới là khoảng cách kinh khủng giữa người giàu và người nghèo ở Brazil:

1200 900
Khoảng cách kinh khủng giữa người giàu và người nghèo ở Brazil. (Ảnh: Shutterstock)

Ngày nay dù 2 nước này vẫn là những nền kinh tế mới nổi, nhưng sức sống kinh tế của họ đã kém hơn nhiều so với trước đây.

Tương tự như trường hợp nền kinh tế Nga, dù đã phục hồi sau khi Liên Xô sụp đổ nhưng mức tăng thu nhập thực tế của người dân thường vẫn chậm. Đặc biệt những năm gần đây do bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt quốc tế và suy giảm về nguồn thu từ năng lượng, mức sống của người dân Nga trì trệ cũng ảnh hưởng triển vọng phát triển chung của đất nước.

Vậy làm thế nào một nước có thể đảm bảo ‘vận nước’ vững mạnh? Mấu chốt ở việc hoạch định chính sách có thực sự mang lại lợi ích cho đại đa số người dân, hay chỉ mang lại lợi ích cho một số ít kẻ thuộc nhóm có quyền lực hoặc những người quan hệ thân với nhóm nắm quyền lực.

Cụ thể, chúng ta có thể bắt đầu từ những khía cạnh sau:

Thứ nhất là tăng mức lương. Tăng trưởng kinh tế không thể chỉ dựa vào tích lũy vốn mà phải cho phép người lao động được chia sẻ lợi nhuận. Chính phủ có thể thông qua các biện pháp như mức lương tối thiểu, luật bảo vệ lao động… đảm bảo mức tăng thu nhập của người lao động đi cùng sự phát triển kinh tế.

Thứ hai là khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp nhà nước dù quan trọng, nhưng chính doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thực sự tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Chính phủ nên khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các biện pháp khác như ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính… để mang lại lợi ích cho nhiều người dân hơn.

Một vấn đề nữa ít được đề cập đến, đó là cần phải tăng cường hiệu quả giáo dục và đào tạo nghề. Chúng ta dễ thấy khả năng kiếm tiền và chất lượng cuộc sống của người dân thường ở các nước phát triển thường cao hơn so với người dân ở các nước đang phát triển. Điều này là do hệ thống giáo dục và đào tạo nghề của họ rất phát triển. Chìa khóa cho sức cạnh tranh kinh tế hiện đại nằm ở chất lượng con người, nhà nước cần đầu tư nguồn lực để nâng cao kỹ năng của công dân để đông đảo người lao động thông thường thuận tiện hơn để nâng cao thu nhập.

Chính phủ cũng cần giúp người dân giảm chi phí sinh hoạt. Nếu tiền lương của người dân tăng nhưng chi phí chăm sóc y tế, giáo dục và nhà ở tăng cao thì thực tế thu nhập của họ vẫn không tăng. Do đó, chính phủ cần tăng đầu tư vào các dịch vụ công và giảm chi phí sinh hoạt cơ bản.

Cuối cùng, cần nâng cao phúc lợi xã hội. Một hệ thống an sinh xã hội hợp lý có thể giúp giảm bất ổn trong cuộc sống của người dân, niềm tin tiêu dùng của nền kinh tế đảm bảo, và do đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Có thể nói, vận mệnh thực sự của một đất nước không phải là tăng trưởng của các con số GDP hay thành tích ấn tượng của một số ngành công nghiệp, mà là liệu ví tiền của người dân bình thường có đầy hơn và cuộc sống của họ có tốt hơn không. Nếu tăng trưởng kinh tế của một đất nước chỉ đơn thuần là tăng sức mạnh chế độ, trong khi quyền lợi của người lao động phổ thông trên mọi phương diện không có gì thay đổi, thì lịch sử đã chứng minh tăng trưởng như vậy là không bền vững, và vận mệnh của đất nước đó sẽ khó thực sự thịnh vượng hùng mạnh. Ngược lại, một đất nước có thể làm cho phần lớn người dân trở nên giàu có mới là đất nước đáng tự hào và có thể bảo đảm sức mạnh đất nước bền vững.

Vì vậy, vận mệnh thực sự của một đất nước không nằm ở những tràng pháo tay và khẩu hiệu, cũng không nằm ở những bộ phim khiến người dân phấn khích, mà nằm ở cuộc sống mà người dân thực sự trải nghiệm.

(Bài viết thể hiện góc nhìn của cá nhân tác giả, được trích từ WeChat “黑噪音” (Hēi zàoyīn – Hắc Táo Âm), và được đăng trên Vision Times.)