Việt Nam cần có chiến lược mới sau khủng hoảng đại dịch virus Vũ Hán
- Nguyễn Ngọc Chu
- •
Dịch virus Vũ Hán kéo theo sự thay đổi chiến lược trên toàn cầu
Dịch virus corona đến từ Vũ Hán (gọi tắt là virus Vũ Hán) đã mang đến cho toàn thể loài người những thiệt hại kinh hoàng. Nặng nhất là Hoa Kỳ và châu Âu. Các cường quốc lớn, ngoài quê hương virus Vũ Hán, như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Ý, Đức, Nhật đều bị tổn thất nặng nề.
Dịch virus Vũ Hán cảnh báo cho cả thế giới biết thế nào là nguy hiểm của chiến tranh sinh học. Nguy hiểm cho mọi cường quốc, kể cả siêu cường.
Bởi thế, Hoa Kỳ và các cường quốc khác, cùng nhiều nước trên thế giới sẽ thay đổi chiến lược sau đại dịch virus Vũ Hán.
Những thay đổi chiến lược căn bản của các cường quốc
Thay đổi nhận thức về mối nguy hại của chiến tranh sinh học
Như đã đề cập ở phần trên, dịch virus Vũ Hán đã thức tỉnh toàn thế giới, nhất là các cường quốc, về phạm vi thảm họa của chiến tranh sinh học. Trong đó, siêu cường có thể bị gục ngã dễ dàng trước một đối thủ nhỏ bé. Từ đó dẫn đến thay đổi tương quan, thay đổi chiến lược ở mọi quốc gia.
Thay đổi toàn diện quan hệ của các cường quốc đối với Trung Quốc
Hoa Kỳ và các cường quốc ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức, và các khu vực khác như Nhật, Canada, Úc sẽ có những thay đổi căn bản trong quan hệ với Trung Quốc. Điều này diễn ra trước hết do bởi cách hành xử của Trung Quốc từ vị thế của Trung Quốc.
Quá trình xảy ra thảm họa dịch virus Vũ Hán đồng thời đã phơi bày hành vi và mưu toan của nhà cầm quyền Trung Quốc trong chiến lược chiếm đoạt quyền thống trị thế giới. Dịch virus Vũ Hán đã cho Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật thấy chính quyền Trung Quốc hiện nay nguy hiểm như thế nào – ngoài cả những dự đoán táo bạo nhất của các nước này.
Lợi ích kinh tế mà Hoa Kỳ và châu Âu đặt vào thị trường mênh mông nhất thế giới gồm 1,4 tỷ dân Trung Quốc đã không mang lại những lợi ích mong đợi. Ngược lại, mang đến cho các cường quốc Tây Âu những quả đắng chí mạng.
Họ bị đánh cắp công nghệ hạt nhân, tàu vũ trụ. Họ bị mất tất cả các bản quyền hàng hóa, từ sản phẩm gia dụng cho đến ô tô và tàu bay. Trong hoàn cảnh đại dịch thì họ còn bị phụ thuộc vào Trung Quốc cả đến những chiếc khẩu trang.
Trong khi tàu sân bay Thedore Roosevelt của Hoa Kỳ và hàng không mẫu hạm duy nhất của Pháp là Charles de Gaulle bị tê liệt vì virus Vũ Hán thì các chiến thuyền của Trung Quốc lại nghênh ngang đe dọa các nước láng giềng ở biển Đông Nam Á. Sự lớn mạnh của Trung Quốc nguy hiểm như thế nào khi nó đặt dưới quyền của những kẻ đầy tham vọng ở Bắc Kinh. Sự lớn mạnh của Trung Quốc nguy hiểm đến mức độ nào khi các vũ khí hủy diệt hàng loạt rơi vào tay những kẻ điên loạn tham tàn.
Trung Quốc không biết sợ ai. Trung Quốc khiêu chiến cả với Đức và Úc ngay chính trên đất của các quốc gia này. Trung Quốc có gan làm bẽ mặt tất cả. Máy bay Canada sang Trung Quốc nhận hàng phải cất cánh về không, mà không thể được đậu thêm vài giờ đồng hồ để chờ lấy hàng.
Trung Quốc biết đâm những nhát dao trước bụng và sau lưng đối thủ. Trung Quốc biết đi đêm với từng cá nhân, từng bản hãng. Vì sao Bill Gates và hãng xe Volkswagen chấp nhận quảng cáo cho đường lưỡi bò? Vì sao Huawei lại cung cấp được mạng 5G cho châu Âu? Trung Quốc đang chia rẽ giữa các cường quốc. Trung Quốc đang chia rẽ trong mỗi cường quốc.
Trung Quốc biết “đầu thai” từ trong bụng đối thủ. Cài cắm gián điệp không chỉ trong thiết bị mà bằng hàng triệu người Hoa di cư. Từ hàng chục vạn du học sinh cho đến hàng vạn phụ nữ sinh đẻ trên đất bản quốc để trở thành công dân nước sở tại. Trung Quốc đang “đầu thai” vào Hoa Kỳ và các các quốc gia khác để có “Tiểu Trung Quốc” trong mỗi quốc gia trên thế giới.
Trung Quốc quyền lực đến mức đã có thể tác động lên cả tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Không phải bằng con đường tin tặc. Mà bằng chính “Tiểu Trung Quốc” trong Hoa Kỳ. Mà bằng chính người Hoa Kỳ làm việc cho Trung Quốc.
Giờ đây thì Hoa Kỳ và châu Âu đã thức tỉnh. Xác định lại đối tượng Trung Quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc Tây Âu sẽ thay đổi toàn diện quan hệ với Trung Quốc. Về quốc phòng, về kinh tế, về ngoại giao, về luật pháp quốc tế, về bố trí lực lượng – tất cả sẽ chuyển sang một khung trời mới.
Mặt trận toàn cầu chống Trung Quốc
Kết quả của sự thay đổi toàn diện của Hoa Kỳ và các cường quốc Tây Âu trong quan hệ với Trung Quốc còn là sự ra đời một “Liên minh không chữ ký” chống lại Trung Quốc trên toàn cầu. Ngoại trừ lục địa Phi châu, các cường quốc ở các châu lục Á, Úc sẽ sẽ là thành viên rường cột của “Liên minh không chữ ký” này. Trung Quốc sẽ phải đối phó với nhiều cơn sóng thần từ khắp thế giới sau đại dịch virus Vũ Hán.
Sự thay đổi của chính Trung Quốc
Sau đại dịch Vũ Hán, Trung Quốc sẽ có những thay đổi căn bản về chiến lược nội bộ và chiến lược đối ngoại. Những thay đổi này bắt nguồn từ lộ chân tướng Trung Quốc trong con mắt thế giới, từ sự thay đổi trong nội bộ Trung Quốc, từ sự thay đổi của quốc tế đối với Trung Quốc, và từ sự điều chỉnh mục tiêu của Trung Quốc.
Tập Cận Bình đã xác nhận hết thời “giấu mình” của Đặng Tiểu Bình mà vươn lên xưng bá thế giới. Tập dự kiến Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ ở vị trí lãnh đạo thế giới vào năm 2049. Nhưng Tập không đợi được đến năm 2049. Quỹ thời gian của Tập đã làm Tập nóng lòng khởi sự sớm hơn dự kiến. Đó là nước cờ đối nội để kéo dài vĩnh viễn sự thống trị của Tập ở Trung Quốc trước khi Trung Quốc bước vào ngôi vị số 1 thế giới. Tập muốn “vĩ đại” hơn cả Mao.
Tập sẽ vùng lên kháng cự dữ dội. Đó là sự kháng cự giãy chết. Cuối cùng, kết quả của nhiều cơn giãy chết là sự sụp đổ của chính quyền cộng sản tại Trung Quốc.
Và đối sách của Việt Nam
Đây là cơ hội quý hiếm để Việt Nam bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, không bị mất thêm đảo cùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông Nam Á.
Chưa bao giờ trên thế giới các cường quốc lại cùng hợp lực đối phó với Trung Quốc như bây giờ. Trung Quốc sẽ phải căng mình trên nhiều mặt trận. Vì thế Trung Quốc sẽ yếu đi ở mỗi mặt trận.
Nhưng sự giãy chết của Trung Quốc sẽ làm cho Trung Quốc hung hăng hơn ở Biển Đông Nam Á. Vì đây là nơi Trung Quốc xem là lợi ích cốt lõi. Trung Quốc sẽ hành động mạnh hơn khi Hoa Kỳ và châu Âu đang chưa thoát ra khỏi đại dịch. Những hành động vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á khẳng định các toan tính mới của Trung Quốc.
Việt Nam, vì thế, phải mạnh mẽ hơn ở Biển Đông Nam Á. Trung Quốc yếu hơn nhiều so với những gì họ phô trương.
Đây cũng là thời cơ quý hiếm để Việt Nam dứt bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc, để trở thành một quốc gia thực sự độc lập tự chủ, trọn vẹn cả chính trị lẫn kinh tế.
Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam lên một đẳng cấp mới. Thoát khỏi sự phụ thuộc chính trị vào Trung Quốc, sẽ đẩy Việt Nam vào một giai tầng chính trị quý tộc hơn.
Sự kết thúc của chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là thời khắc mở ra kỷ nguyên hạnh phúc cho cả nhân dân Trung Quốc lẫn nhân dân Việt Nam.
Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy lớn của nhân loại. Việt Nam phải hòa nhập vào dòng chảy lớn của nhân loại để thịnh vượng hơn, hùng cường hơn, và giữ vị thế xứng đáng hơn.
Vì thế, Việt Nam phải có một chiến lược hoàn toàn mới phù hợp với hoàn cảnh mới của thế giới.
Hiện nay lãnh đạo Việt Nam từ cấp tỉnh thành cho đến cấp trung ương đều đang quá bận rộn cho nhân sự Đại hội 13. Ai cũng muốn bước thêm một bậc. Cho nên, tất cả chưa để tâm nhìn thấy sự thay đổi chấn động của thế giới ở phía trước mà có đối sách.
Nhưng sau Đại hội 13, thì hy vọng dàn lãnh đạo mới sẽ có những đối sách sáng suốt phù hợp với tình hình thế giới mới. Một thế giới với thời của Donald Trump, Tập Cận Bình, Putin.
TS Nguyễn Ngọc Chu
Từ khóa Dòng sự kiện virus vũ hán chiến lược an ninh quốc gia chiến lược của Trung Quốc