Một số đặc điểm của y tế Việt Nam
- Võ Xuân Sơn
- •
Vụ “khủng hoảng viêm tụy cấp” (*) đã làm nảy sinh khá nhiều vấn đề.
Bỏ qua các vấn đề liên quan đến thói a dua, chỉ dựa trên thông tin một chiều vô căn cứ mà hùa nhau chửi bới của rất nhiều cư dân mạng, của một số kẻ sẵn lòng thù ghét ngành y, có một sự bất đồng trong y giới về vấn đề này. Ngoại trừ một số kẻ trong y giới mượn gió bẻ măng, muốn đề cao mình, sự bất đồng chủ yếu là giữa các bác sĩ hành nghề ở nước các nước phát triển, và các bác sĩ hành nghề ở Việt nam.
Là một người làm việc trong hệ thống y tế Việt nam, sống trong xã hội Việt nam hiện hữu, được tiếp xúc ở mức độ nhất định với y tế ở các nước tiên tiến, vừa dưới tư cách là người đi học chuyên môn, vừa với tư cách là khách tham quan, lại vừa với tư cách là người đi tìm hiểu về hệ thống y tế trên cấp độ quản lí y tế, tôi có vài ý kiến sau.
1. Hệ thống y tế của Việt Nam khác rất xa so với các hệ thống y tế của các nước khác. Đó là hệ thống phân cấp trên – dưới. Bệnh viện Chợ rẫy (BVCR) là tuyến cuối cùng, tức là cao nhất. Do vậy, tất cả các bệnh nhân khó, hoặc khó chịu, hoặc vì bất cứ lí do gì, đều có thể được các bệnh viện “cấp dưới” chuyển tới. Trong khi đó, bệnh viện tuyến trên không được phép chuyển một bệnh nhân nặng về tuyến dưới.
Hoàn toàn không có sự bình đẳng giữa BVCR và các bệnh viện “cấp dưới”. Ở góc độ quyền lợi, BVCR được bảo hiểm y tế thanh toán tiền nhiều hơn, dù là cùng một thứ bệnh, so với “cấp dưới”. Về nguyên tắc, BVCR được nhà nước ưu ái nhiều hơn trong việc đầu tư trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh viện địa phương được ngân sách địa phương bảo trợ, nên ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh giàu, bệnh viện địa phương được ưu ái trang bị tốt hơn BVCR khá nhiều.
Chính vì sự thiếu bình đẳng, mà ở BVCR, số lượng bệnh nhân nặng rất nhiều. Tôi không rõ về bệnh viêm tụy cấp, nhưng tôi biết khá chắc chắn, rằng số lượng bệnh nhân Ngoại thần kinh nặng, do chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, u não… của BVCR luôn nhiều hơn gấp rất nhiều lần so với bất cứ bệnh viện nào trên thế giới mà tôi đã đi qua. Sự quá tải ở BVCR không chỉ đơn thuần là đông bệnh nhân, mà còn là quá tải bệnh nhân nặng, và cả quá tải bệnh nhân nghèo.
2. Ở các nước phát triển, ngành y là một ngành dịch vụ. Về lý thuyết, ở Việt Nam hiện nay cũng vậy. Tuy nhiên, vì nền kinh tế của Việt Nam bây giờ là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nên đối với ngành y của Việt Nam, dịch vụ không ra dịch vụ, phục vụ không ra phục vụ. Sự không rõ ràng về phương thức hoạt động của ngành y dẫn đến sự lộn xộn trong nhận thức của xã hội về ngành y. Tùy từng đối tượng, họ phán xét ngành y lúc thì dưới góc độ dịch vụ, lúc thì dưới góc độ phục vụ.
Nhưng hậu quả nặng nề nhất của chuyện này là ngoài vấn đề chuyên môn, các dịch vụ khác trong y tế của Việt Nam rất kém. Điều quan trọng là phần đông cán bộ lãnh đạo ngành y và nhân viên y tế không ý thức được điều này. Ngoài vấn đề dịch vụ thì các quy trình hoạt động và qui trình chuyên môn thường không đồng bộ. Vấn đề quản trị bệnh viện hoàn toàn không được coi trọng. Từ đó, kết quả điều trị không tương xứng với khả năng chuyên môn của các bác sĩ. Bên cạnh những ca thành công ngoạn mục là những ca thất bại lãng xẹt.
3. Việt Nam có một nền chính trị khác biệt rất lớn so với các nước phát triển. Sự thiếu dân chủ trong chính trị cùng với nạn tham nhũng trong kinh tế (bao gồm cả y tế), có tác động rất lớn đến y học. Gần như các thầy thuốc không được biết đến các vấn đề tồn tại trong bệnh viện. Các thầy thuốc cũng không có bất cứ tiếng nói nào trong việc cải tiến chất lượng, nhất là khi những vấn đề đó đụng chạm đến quyền lợi của bộ phận lãnh đạo.
Đơn cử như vụ thảm họa y khoa Hòa Bình. Gần như chỉ có vài người trong ê kíp của giám đốc là biết đến các thỏa thuận giữa giám đốc và công ty đặt máy. Không ai biết việc cần phải thay bộ lọc ngoài vài người có quyền lợi kinh tế gắn liền với việc đó, và không ai biết để ngăn cản những người này quyết định súc rửa mà không thay những bộ lọc.
Trong một thể chế thiếu dân chủ, không minh bạch, bị chi phối bởi lợi ích của một số kẻ có quyền, tất cả các cố gắng cải thiện chất lượng bệnh viện đều bị vô hiệu hóa, đặc biệt là khi nó đụng chạm đến quyền lợi của nhóm lãnh đạo có lợi ích.
Chính vì sự khác biệt này mà ngay cả những người nắm rõ vấn đề cũng không thể làm gì để cải thiện tình hình y tế của Việt Nam.
4. Thông tin ở Việt Nam bị kiểm soát rất chặt chẽ, khi nó có liên quan đến các vấn đề chính trị, hoặc đến một số cá nhân lãnh đạo. Tuy nhiên, thông tin về y tế và giáo dục, nhất là những thông tin xấu, lại luôn bị thả nổi. Thậm chí, các cơ quan truyền thông chính thống của bộ máy tuyên truyền còn tham gia thổi phồng, hoặc đưa tin sai sự thật. Không mấy ai bị khiển trách, phạt hay phải đền bù khi đưa thông tin sai sự thật về các vấn đề liên quan đến y tế và giáo dục cả.
Điều này có thể có nhiều lý do khác nhau. Nhưng quan trọng nhất là quyền con người ở Việt Nam không được coi trọng, nên từ bộ máy quản lí nhà nước, đến các công dân, đều bất chấp việc người trong cuộc phải chịu điều gì do hậu quả của những việc làm của họ. Trong khi đó, người dân có rất nhiều bức xúc trong cuộc sống, mà không thể lên tiếng, nên y tế và giáo dục luôn là cái van xả áp cho họ.
Có thể nói, truyền thông về y tế, giáo dục ở Việt Nam hoàn toàn hỗn loạn và vô chính phủ.
5. Cuối cùng thì theo tôi, để bàn luận về một sự cố y khoa xảy ra ở Việt nam, chúng ta cần nhìn nhận những vấn đề thuộc về bối cảnh đặc biệt ở Việt Nam, trước khi đưa ra những nhận định.
Theo Facebook BS Võ Xuân Sơn
(*) Ngày 5/8/2018, bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chẩn đoán bị viêm tuỵ cấp nặng. Bệnh nhân nằm điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu từ ngày 6/8- 28/8 (23 ngày), sau đó tử vong do viêm tuỵ cấp tại bệnh viện. Mẹ của bệnh nhân đã lên facebook tố cáo Bệnh viện Chợ Rẫy chậm trễ không cho bệnh nhân đi Mỹ điều trị cũng như phương tiện kỹ thuật của bệnh viện này cũ kỹ là nguyên nhân khiến con mình tử vong. Điều này đã gây bức xúc cho dư luận cũng như tạo khủng hoảng niềm tin đối với nhiều bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện công lập.
Xem thêm:
Từ khóa Bảo hiểm y tế khủng hoảng niềm tin thảm họa y khoa