Thông tin do ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại “Diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo” diễn ra vào sáng 22/6.

o nhiem bien mien trung
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. (Ảnh: vea.gov.vn)

Ông Thức cho biết đầu tháng 5/2017, Trung tâm quan trắc môi trường của Tổng cục Môi trường thực hiện quan trắc trên 12 tuyến từ bờ biển tại bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) đến khu vực cách bờ 12km, thực hiện từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu.

Trong đó, tại Hà Tĩnh thực hiện quan trắc 6 tuyến, Quảng Bình 2 tuyến, Quảng Trị 2 tuyến, Thừa Thiên – Huế 2 tuyến. Trung tâm đã lấy mẫu nước ở tầng nước mặt, tầng đáy và lấy mẫu trầm tích đáy biển để phân tích.

Kết quả quan trắc và phân tích mẫu nước biển và trầm tích đáy biển đều đáp ứng các quy chuẩn về môi trường nước biển sử dụng cho vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao, tắm biển du lịch và nuôi trồng thủy sản.

Kết quả phân tích đến nay có thể khẳng định biển miền Trung đã an toàn về môi trường nước biển và về trầm tích đáy biển”, đại diện Tổng cục Môi trường khẳng định.

Tuy vậy, ông Thứ cho biết việc quan trắc nước biển tại 4 tỉnh trên vẫn được tiếp tục 2 tuần/lần. Việc này hiện vẫn đang giao cho Trung tâm quan trắc môi trường của các tỉnh thực hiện tiếp theo kế hoạch quan trắc môi trường nước biển sau sự việc ô nhiễm môi trường biển do Formosa.

Từ đầu năm tới nay, ngư dân bốn tỉnh miền Trung cũng đã ra khơi đánh bắt, có những nơi trúng mùa, tắm biển và du lịch cũng đã trở lại như bình thường. Cá và mực ở Vũng Áng hiện cũng đã có giá gần bằng trước khi xảy ra sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền Trung”, ông Thức cho biết thêm.

Trước đó, trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 14/6, đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) yêu cầu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết về mức độ ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung và đặt câu hỏi biển miền Trung đã được phục hồi hoàn toàn hay chưa. “Nếu biển miền Trung đã sạch thì tại sao Chính phủ lại khuyến cáo người dân không đánh bắt cá ở tầng đáy?” – ông Hải chất vấn, đồng thời quan ngại về việc nhà máy Formosa sắp đưa vào vận hành.

Liệu khi nhà máy Formosa đi vào vận hành, có đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường biển miền Trung hay không? Chính phủ có giải pháp cụ thể gì trong việc kiểm soát, không để tái diễn sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra một lần nữa?“, ông Hải yêu cầu Thủ tướng trả lời.

Tuy nhiên, phiên chất vấn hết thời gian nên đại biểu không nhận được câu trả lời trực tiếp từ Thủ tướng.

Ngày 20/6, ông Lương Duy Hanh, nguyên Cục trưởng kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bị hạ xuống làm chuyên viên Vụ Pháp chế thuộc Bộ. Đây là trường hợp cuối cùng trong số cá nhân bị Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận có sai phạm trong vụ việc ô nhiễm môi trường tại bốn tỉnh miền Trung do Formosa.

Các cá nhân sai phạm với mức kỷ luật được công bố trước đó gồm:

  • Ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kỷ luật cảnh cáo
  • Ông Bùi Cách Tuyến, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng TN-MT, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Kỷ luật cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ TN-MT nhiệm kỳ 2011-2016
  • Ông Nguyễn Thái Lai, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng TN-MT: Kỷ luật cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ TN-MT nhiệm kỳ 2011-2016
  • Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch liên minh HTX: Kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015

Vĩnh Long

Xem thêm: