11 loại thực phẩm nên hạn chế cho vào tủ lạnh
- Minh Minh
- •
Chúng ta cất trữ đồ ăn trong tủ lạnh để bảo quản chất lượng cho chúng. Nhưng nhiệt độ của tủ lạnh không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi loại thực phẩm.
Dưới đây là 11 loại thực phẩm bạn nên hạn chế cho vào tủ lạnh:
1. Chuối
Chuối giữ hương vị tự nhiên tốt hơn ở nhiệt độ phòng. Thêm vào đó, nhiệt độ lạnh sẽ làm chuối chín chậm hơn, độ ẩm từ tủ lạnh thì làm tăng tốc quá trình thối rữa của chuối.
2. Khoai tây
Chúng ta nên bảo quản khoai tây ở nơi mát mẻ (tránh ánh nắng trực tiếp vì dễ làm khoai bị thối) nhưng không phải trong tủ lạnh, vì nhiệt độ trong đó quá thấp. Nhiệt độ lạnh sẽ phá vỡ kết cấu tinh bột và có thể biến khoai màu vàng thành màu nâu/đen.
3. Hành tây
Giống như khoai tây, hành tây sẽ giữ được chất lượng tốt nhất ở những nơi khô và mát. Độ ẩm của tủ lạnh sẽ khiến hành tây bị mốc rất nhanh. Khi hành tây đã được thái lát thì bạn hãy bảo quản trong tủ lạnh, nhưng nên sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể.
4. Tỏi
Tỏi nên được bảo quản ở nơi khô ráo để ngăn ngừa sự tích tụ của nấm mốc. Nhiệt độ thường cũng giúp kết cấu tỏi không bị nũn. Khi tỏi đã được thái nhỏ thì bạn có thể cất trong tủ lạnh trong một vài tuần. Tỏi mọc mầm là dấu hiệu cho thấy bạn đang bảo quản không đúng cách.
5. Mật ong
Nhiệt độ lạnh sẽ làm mật ong bị kết tinh. Nếu là mật ong nguyên chất 100% khai thác đúng cách thì không cần phải bảo quản trong tủ lạnh.
Thông thường tỷ lệ nước trong mật ong tự nhiên không chiếm quá 24% khối lượng tổng thể, nếu hàm lượng nước cao hơn ngưỡng cho phép thì mật ong sẽ bị lên men chua tương tự như men rượu, đây là loại mật kém chất lượng. Để làm chậm quá trình lên men, người bán khuyên người mua bắt buộc bảo quản mật ong trong tủ lạnh. Có thể khẳng định lại nếu mật ong thật sự tốt thì không cần bảo quản ở nhiệt độ thấp vẫn có hạn sử dụng lên đến vài năm.
6. Cà chua
Nhiệt độ của tủ lạnh có thể làm giảm hương vị tự nhiên của cà chua, nhiệt độ thấp sẽ hủy hoại cấu trúc của cà chua. Khi cà chua quá chín, bạn hãy bảo quản trong tủ lạnh (nhưng đừng để quá lâu). Bạn cũng nên để sốt cà chua ở nhiệt độ phòng, bởi trong thành phần của chúng có nhiều giấm.
7. Bánh mì
Theo các chuyên gia ẩm thực, bánh mì thừa được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sẽ bị mất đi độ ẩm, chúng trở nên dễ hỏng hơn gấp 3 lần so với để ở nhiệt độ phòng. Sau khi được hâm nóng, bánh mì sẽ nhanh cứng hơn nữa. Nếu không cần lưu trữ lâu thì tốt nhất là bạn nên để bánh mì trên mặt bàn ăn.
8. Dầu ô liu
Dầu ô liu sẽ bị vón cục trong nhiệt độ lạnh nên tốt nhất là bạn bảo quản nó ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, để tránh bị trở mùi dầu ô liu, cũng không nên để dầu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao, vì các bức xạ nhiệt sẽ phân hủy các chất chống oxy hóa và chất có lợi cho sức khỏe có trong dầu. Khi đã mở nắp lọ dầu ô liu, nên sử dụng trong vòng 3 tháng, nên đựng trong chai thủy tinh sẫm màu và tránh ánh sáng.
9. Hạt cà phê
Độ ẩm trong tủ lạnh có thể làm thay đổi hương vị của hạt cà phê. Để tối ưu hóa hương vị (cả hạt đã xay và nguyên hạt), bạn nên cho cà phê vào hộp kín rồi để ở nhiệt độ phòng.
10. Các loại hạt
Giống như hạt cà phê, các loại hạt khác cũng nên được bảo quản trong hộp kín ở nhiệt độ phòng. Nhiệt độ lạnh có thể làm hỏng hương vị của chúng. Không những thế, các loại hạt còn dễ hấp thụ mùi từ các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh.
11. Dưa hấu
Chúng ta thường có thói quen bỏ dưa hấu vào trong tủ lạnh, tuy nhiên trên thực tế thì dưa hấu có mùi vị ngon nhất và giữ được chất dinh dưỡng tốt nhất khi được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Nếu cho dưa hấu vào trong tủ lạnh, ở nhiệt độ khoảng 5 độ C rất dễ làm dưa bị úng, ngoài ra còn làm cho dưa hấu mất đi các chất chống oxy hoá. Bạn chỉ nên cho dưa hấu vào tủ lạnh khi đã cắt thành miếng và hãy sử dụng sớm nhất có thể.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa mẹo hay thực phẩm bảo quản thực phẩm