9 dấu hiệu cho thấy bạn bị vùi dập cảm xúc thời thơ ấu
- Hồng Hạnh
- •
Thiếu vắng sự thấu hiểu thời thơ ấu để lại những hậu quả nặng nề và dài lâu.
Bạo hành thể chất để lại những vết sẹo trên cơ thể còn bạo hành tinh thần để lại những vết thương trong tâm hồn. Nhưng hầu như chúng ta chưa hiểu hết bạo hành tinh thần là gì? Thiếu vắng sự thấu hiểu, chia sẻ khi còn nhỏ sẽ gây ra những tổn thương về mặt tinh thần nặng nề và kéo dài không kém các hình thức chấn thương khác. Chúng ta khó có thể nhận ra và vượt qua được những tổn thương này vì việc xác định được chính xác chúng đã xảy ra từ lúc nào và ở đâu là không đơn giản. So với tình trạng lạm dụng thì việc trẻ em bị vùi dập cảm xúc lại không được coi trọng bằng. Trong khi một số bậc cha mẹ cố tình phớt lờ những cảm xúc của trẻ thì một số khác lại không có khả năng nhận thấy hoặc đáp ứng được những nhu cầu cảm xúc này. Dù đã cố gắng yêu thương con cái hết mực nhưng cha mẹ vẫn có thể thường xuyên bỏ rơi những nhu cầu tình cảm của con mình.
Cha mẹ bạn đã bị ông bà bỏ rơi những cảm xúc của họ, và đến lượt họ bỏ rơi cảm xúc của bạn vì họ không được dạy cách đối đãi với những cảm xúc của một đứa trẻ. Cha mẹ bạn không được nhìn thấy các hình mẫu cư xử khi những cảm xúc này xảy đến nên dù có cố gắng đến mấy để bù đắp sự thiếu thốn này thì vẫn có thể là vô ích. Bệnh tật, cái chết, ly hôn, thất nghiệp… tất cả đều có thể dẫn đến sự trống vắng về tình cảm của trẻ vì cha mẹ đã không yêu thương con đầy đủ như chúng cần.
Khi cha mẹ xem cảm xúc của trẻ là không quan trọng, không đáng có, trẻ phản ứng vậy là quá mức, hoặc xem nhẹ các nhu cầu cảm xúc này hơn các vấn đề khác, họ đang bỏ rơi tình cảm của con mình. Một số cụm từ hẳn bạn nghe thấy rất quen thuộc nếu bạn là nạn nhân của việc bị vùi dập cảm xúc thời thơ ấu:
“Đó không phải là cảm xúc mà con nên có.”
“Việc ấy đâu có tệ như con nói.”
“Thật không đáng để cảm thấy buồn về vấn đề này.”
“Dừng ngay cái kiểu đau khổ, bực bội như vậy đi.”
Khi cha mẹ không để ý, không đánh giá đúng mức, không đáp ứng các nhu cầu cảm xúc của con hoặc truy vấn ngược lại khi con đang thể hiện nó ra thì vô tình họ mang đến thông điệp rằng các cảm xúc của con không hề quan trọng hoặc có điều gì đó sai khi con cảm thấy như vậy. Để đối phó và tránh bị thương tổn, bạn đã học cách chôn vùi chúng đi hoặc chuyển từ loại cảm xúc không được cha mẹ chấp nhận như “tức giận” sang một loại cảm xúc khác được cha mẹ chấp nhận như “căng thẳng”. Liệu nghe có giống như thời thơ ấu của bạn?
Dưới đây là 9 dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã bị vùi dập cảm xúc thời thơ ấu:
- Bạn sợ dựa dẫm vào người khác, từ chối sự giúp đỡ, hỗ trợ, hoặc chăm sóc từ người khác.
- Bạn có một khoảng thời gian khó xác định điểm mạnh và điểm yếu bản thân, những điều thích và không thích, và mục tiêu cuộc sống.
- Bạn cảm thấy khó khăn khi đối diện với bản thân hơn là đối diện với một người lạ, và bạn thiếu thiện tâm cùng sự thông cảm.
- Bạn đổ lỗi cho mình gần như mọi việc, thể hiện của sự giận dữ đối với bản thân, hoặc cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ về nhu cầu hoặc cảm xúc của bạn.
- Bạn cảm thấy tê liệt, trống rỗng, hoặc bất lực đối với những cảm xúc của bạn, cảm thấy không thể điều khiển hoặc thể hiện chúng ra.
- Bạn dễ dàng bị choáng ngợp nhưng cũng từ bỏ một cách nhanh chóng.
- Bạn có ít lòng tự trọng.
- Bạn cực kỳ nhạy cảm khi bị từ chối.
- Bạn tin rằng bạn đang thiếu sót trầm trọng và rằng có điều gì đó bạn đã sai ngay cả khi bạn không thể biết cụ thể đó là gì.
Nếu bạn thấy những điều này khá quen thuộc và mình có thể là nạn nhân của tình trạng bị vùi dập cảm xúc thì một số gợi ý sau có thể giúp bạn cải thiện:
1. Cố gắng học cách nhận ra những cảm xúc của bạn
Nếu cha mẹ xem những cảm xúc này không có giá trị gì hoặc không cần thiết, bạn cần phải học cách gọi tên các cảm xúc và làm thế nào để xử lý khi chúng xuất hiện. Nếu không có cảm xúc, việc ra quyết định là gần như không thể. Cách chúng ta cảm thấy sẽ đưa đến cách ta chọn lựa để hành động. Những gì chúng ta làm, cần đi đâu, muốn ở cạnh ai và ngay cả những gì chúng ta ăn là đều là những quyết định được thực hiện bằng cảm xúc. Chúng cho ta biết cách mình cảm nhận về thế giới xung quanh, về những người khác, và về bản thân.
2. Xác định nhu cầu của bạn và yêu cầu người khác đáp ứng
Bạn xứng đáng có nhu cầu của riêng mình giống như bất cứ ai khác. Bắt đầu với những yêu cầu đơn giản, dễ dàng được đáp ứng. Ví dụ, yêu cầu một cái ôm từ người bạn thân hoặc người bạn đời khi đang buồn, hoặc một vài phút yên tĩnh khi mới về nhà sau ngày làm việc vất vả.
3. Gặp chuyên gia trị liệu
Chuyên gia trị liệu không giúp quay trở lại thời thơ ấu hay xóa bỏ những sai lầm cha mẹ đã làm, nhưng ít nhất họ có thể chỉ bạn cách xử lý các cảm xúc mà cha mẹ không thể dạy bạn. Một chuyên gia trị liệu tốt có thể giúp xác định cảm xúc, hiểu được bạn cần gì, dạy bạn cách tin tưởng người khác, xây dựng lòng tự trọng, điều chỉnh cảm xúc khi bị từ chối, xây dựng tình yêu thương.
4. Thiền định
Tìm một phương pháp thiền định và thực hành mỗi ngày. Như thế đầu óc bạn sẽ trở nên yên bình và tĩnh lặng, quan sát những cảm xúc cứ đến và đi nhưng bạn sẽ không còn vướng mắc vào đó nữa.
Sự vùi dập cảm xúc thời thơ ấu có thể không để lại ảnh hưởng gì, nhưng cũng có thể gây ra những tổn thương sâu sắc mà trẻ mang theo từ nhỏ cho đến khi đã trưởng thành. Để chữa lành, bạn phải học cách biến những gì vô hình thành những gì nhìn thấy được. Hãy gọi đúng tên nó ra, khám phá tìm hiểu kỹ về nó và từ đó bạn được chữa lành.
Theo Psychology Today
Hồng Hạnh lược dịch
Xem thêm:
Từ khóa thiền định thời thơ ấu bạo hành trẻ nhận diện cảm xúc