Biết người không bàn luận, biết việc chẳng khoe khoang
- Lê Minh
- •
Trong cuộc sống rất nhiều người tự cho rằng mình đã thấu tỏ sự đời, bèn chỉ chỉ trỏ trỏ, tùy tiện bình luận người khác. Thậm chí còn bàn tán sau lưng họ, coi những chuyện riêng tư của người khác thành chuyện phiếm lúc trà dư tửu hậu. Nhưng một người trưởng thành có nhân cách lại có thể làm được việc: Biết người không bàn luận, biết việc chẳng khoe khoang. Bởi lẽ tùy tiện bình phẩm người khác lại thể hiện mức độ sự tu dưỡng của bản thân.
Trên mạng từng có một câu chuyện như sau: Một người phụ nữ lớn tuổi do tập luyện quá độ tại phòng tập nên bị đột tử. Khi phóng viên phỏng vấn mọi người tại phòng tập lại có rất nhiều tin đồn rộ lên: “Vì bà ấy quá béo, muốn thon thả, eo ót nên mới giảm cân quá sức như vậy.” “Đại khái là vì chồng cũ của bà ấy mới kết hôn với một cô gái trẻ đẹp, nên bị sốc.” “Hài, vì đố kỵ với người khác quá, nên lần này mới bỏ mạng như vậy”…
Trước khi câu chuyện được làm rõ, phóng viên cũng đã giật tít “Ham thích cái đẹp, giảm cân quá mức khiến tử vong”.
Nhưng bà ấy giảm cân lại không phải vì những nguyên nhân đó, bà chỉ muốn giảm cân để có thể làm phẫu thuật cấy ghép gan, vì muốn cứu cô con gái đang bị xơ gan giai đoạn cuối của mình. Đây là sự vĩ đại nhưng cũng là nỗi bi ai của người mẹ. Bởi lẽ hy vọng có thể sớm làm phẫu thuật ghép tạng cứu con gái yêu mà bà mẹ này đã giảm cân quá nhanh từ 90 cân xuống còn 70 cân trong vòng hai tháng. Chính vì lo lắng cho con gái mà bà ngày đêm chạy bộ, mới dẫn tới vận động quá độ, chẳng may qua đời.
Khi sự thực được phơi bày, không biết những người ban đầu phát biểu cao kiến kia và vị phóng viên nọ có cảm tưởng gì. Kỳ thực đây chính là kiểu lý luận “thầy bói xem voi” nổi tiếng: Những ông thầy bói chỉ sờ thấy một bộ phận của con voi đã vội kết luận hình dáng của nó và tranh luận mãi không dừng, không ai chịu ai. Nhưng bức tranh tổng thể, hình dạng chân thực của chú voi, thì các ông thầy bói chẳng ai hay biết.
Những điều ta thấy trước mắt chưa hẳn đã là thực. Rất nhiều người, rất nhiều việc cũng giống như “thầy bói xem voi” vậy, chúng ta chỉ có thể nhận biết một phần của sự việc, hiện tượng. Vậy nên chớ mang theo thiên kiến của bản thân mà bình phẩm, bàn tán về người khác. Bởi lẽ chúng ta căn bản không hiểu họ đang phải trải qua những điều gì, trong tâm họ thống khổ ra sao.
Không tùy tiện bình luận về người khác là một sự tu dưỡng, một kiểu trí huệ, cũng là sự thiện lương. Mỗi người đều có những vết thương lòng không muốn người khác biết tới, đừng vun đắp niềm vui của mình trên nỗi đau của người khác, chớ khinh suất mà động chạm tới đời tư của họ. Bởi lẽ có quá nhiều chuyện trên thế gian chúng ta không hay biết, có quá nhiều nỗi đau chúng ta chưa từng gặp phải.
“Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng.” Là con người, mỗi lời chúng ta nói ra đều nên ấm áp như tia nắng, vỗ về trái tim của người khác, chớ nên là thanh gươm sắc nhọn làm tan nát cõi lòng họ.
Không khoe khoang những chuyện riêng tư của người khác, chớ châm chọc vào nỗi khổ của họ. Kiểm soát những lời phẩm của bản thân là cách tôn trọng tốt nhất với người khác, cũng là sự thiện lương mà một người nên có.
Đương nhiên, con người rất khó không bị ảnh hưởng bởi người khác, cũng không dễ nếu muốn đối phương thay đổi suy nghĩ. Trong cuộc sống có nhiều người tính cách trái ngược với chúng ta, vẫn thường có kẻ “bằng mặt mà chẳng bằng lòng”, cũng có nhiều chuyện chẳng thuận lòng như ý khiến chúng ta lo lắng, bất an.
Nhưng điều duy nhất chúng ta có thể làm được, chính là chớ bình phẩm về cuộc sống của người khác. Hãy lựa chọn cuộc sống khiến mình thư thái và hạnh phúc. Nếu quá để tâm tới ý kiến của người khác, sẽ đồng nghĩa với việc, một chuyện cỏn con cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảm xúc của chúng ta.
Bởi lẽ điều chúng ta cần làm, không phải là bàn tán về người khác hay quá chú tâm tới những lời bình phẩm của họ về mình. Hãy coi trọng suy nghĩ của bản thân, chuyển hướng sự chú ý tới việc tu dưỡng và nâng cao năng lực của mình. Có lẽ chỉ khi ấy chúng ta mới có thể sống hạnh phúc và được là chính mình.
Lê Minh
Từ khóa sống đẹp tu dưỡng đạo đức thói nhiều chuyện