Câu nói “Tôi không phải là nữ hiệu trưởng của Đại học Harvard, tôi là hiệu trưởng của Đại học Harvard” khiến người ta ghi nhớ vị nữ hiệu trưởng duy nhất trong hơn 300 năm qua của trường Đại học Harvard – bà Drew Gilpin Faust.

Hiệu trường Đại học Harvard – bà Drew Gilpin Faust.

Dưới đây là bài diễn thuyết của vị hiệu trưởng này. Bà đã dùng những trải nghiệm của chính mình để nói với chúng ta rốt cuộc vì sao phải bước ra ngoài kia để ngắm nhìn thế giới.

Mỗi năm phải đến một nơi xa lạ mới

Đây là yêu cầu đối với bản thân tôi và cũng là một kế hoạch.

Thói quen này có lẽ đã có từ khi còn nhỏ. Đến ngày hôm nay, mỗi năm tôi đều sẽ cùng con tới một nơi xa lạ mới.

Đối với tôi, việc đi du lịch để học hỏi đã trở thành một truyền thống và nó có ý nghĩa đối với sự trưởng thành của bản thân tôi.

Du lịch khiến chúng ta thật sự hiểu biết được thế giới này

Thế giới càng lúc càng nhỏ, mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với những người mới, đều đã quen với những lần đầu tiên.

Thế giới mà các con đang sống đã trở thành một gia đình, công nghệ khiến cho vấn đề quốc tịch của chúng ta trở nên mơ hồ, khiến việc thông tin liên lạc trở nên nhanh chóng, khiến chúng ta không thể không thích ứng với môi trường xã hội biến đổi không ngừng.

Vì vậy, tương lai của các con nhất định là cùng sinh sống và làm việc với những người đến từ những quốc gia và nền văn hóa khác nhau. Thế nên hiểu biết thế giới cũng đã trở thành bài học bắt buộc đối với các con.

“Hiểu biết thế giới” được xếp làm tiêu chuẩn hàng đầu trong 4 kỹ năng lớn của nhân tài thế kỷ 21 vừa được công bố bởi “Ủy ban Kỹ năng lao động mới của Mỹ” do những người đứng đầu trong giới giáo dục và thương mại cùng thành lập.

Thế giới quá nhiều điều cần chúng ta làm quen và khám phá, không chỉ giới hạn ở việc học ngôn ngữ của các nước khác. Ngôn ngữ chỉ là một công cụ, điều quan trọng hơn đó là phải học hỏi những nền văn hóa và lịch sử mới cũng như nhân văn và cuộc sống của nước họ.

Vì vậy các con và tôi cùng nhau nếm thử những món ăn của các nước khác; làm quen đường xá và ký hiệu công cộng; chiêm ngưỡng những kiến trúc mới lạ; hiểu thêm nhiều hiện tượng tôn giáo khác nhau; chung sống với người lạ; thích ứng với các kiểu thời tiết; thậm chí là những mùi vị và cảm giác thấm nhuần trong không khí ở nơi đó.

Đến một nơi mới sẽ luôn nghe thấy các con nói rằng chỗ này giống nơi chúng ta sống, chỗ kia lại không giống và cũng luôn so sánh điểm nào tốt và không tốt.

Trong khi so sánh như vậy, chúng tôi đã mở rộng được tầm mắt, hiểu biết nhiều hơn và cũng đã yêu thương nhau nhiều hơn.

Khi chúng ta được nhìn thấy thế giới rộng lớn, lòng chúng ta thêm khoan dung thì mới rộng lượng hơn được. Trên thực tế, thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau đã trở thành điều quan trọng của việc “hiểu biết thế giới”.

Chúng ta nên đi du lịch ra sao?

Có rất nhiều cách để hiểu được thế giới, thông qua sách vở, phim ảnh tư liệu và trò chuyện cùng người khác, thế nhưng cách nào cũng không quan trọng bằng việc học hỏi bằng cách đến tận nơi đó.

Người xưa có câu: Đọc ngàn vạn quyển sách không bằng đi vạn dặm đường, đi vạn dặm đường không bằng hiểu được con người. Và cách chúng ta thường làm là “đọc nghìn quyển sách trước khi đi vạn dặm đường, tìm hiểu con người trong khi đi vạn dặm đường, sau đó thì hồi tưởng lại và suy ngẫm”.

Trước mỗi lần đến một quốc gia khác, chúng tôi đều sẽ huấn luyện cho các con trong khoảng một tuần, trong đó bao gồm ngôn ngữ, văn hóa, tình hình địa phương và kỹ năng chụp ảnh.

Tôi ấn tượng sâu sắc nhất là lần tôi cho các con bắt đầu đọc sách có liên quan đến nước Ý trước khi đến đó một tháng và để các con biết những điều cơ bản về văn học nghệ thuật. Trong lúc huấn luyện cho chúng, tôi đã chia sẻ cùng các con Bảo tàng Louvre thần bí và những câu chuyện về Napoleon.

Huấn luyện đơn giản về ngôn ngữ giúp các con có thể tự mình trả lời các câu hỏi của hải quan, để chúng tự tìm được phương hướng và những ký hiệu giao thông, hành chính ở địa phương nhằm giảm cảm giác xa lạ của chúng.

Sau khi đến một quốc gia lạ, các con bắt đầu kiểm chứng những điều từng đọc trong tài liệu xem có đúng với những gì tận mắt nhìn thấy hay không, bắt đầu sử dụng những công cụ mà chính mình đã làm quen để đi lại ở một thành phố xa lạ, bắt đầu giao lưu và tiếp xúc với người và sự việc ở địa phương, bắt đầu cần sự giúp đỡ của người dân địa phương để hoàn thành những nhiệm vụ mà chúng tôi đã giao trước đó.

Tại một thành phố lạ, các con nhất định phải hòa nhập với xã hội thật sự.

Tôi vẫn còn nhớ khi các con sử dụng tàu điện ngầm một cách thuần thục ở Munich, hay việc chúng vẫn bình tĩnh khi phải đổi xe từ Berlin đến Cologne ở ga xe lửa, hoặc lúc mọi người vây quanh xem các con viết bút lông ở Marienplatz, cũng như khi các con đi lòng vòng quanh các đài phun nước ở Rome để hoàn thành nhiệm vụ và lần chúng đá bóng với những đứa trẻ nước ngoài trên bãi cỏ ở Füssen.

Chỉ khi để các con tự do tiếp xúc với xã hội, vận dụng khả năng trò chuyện của bản thân trong quá trình giao tiếp, tăng cường sự hợp tác với mọi người thì mới có thể thật sự tiến bộ.

Các con cần phải tiếp xúc với người địa phương, quan trọng hơn là phải vận dụng cách sống, sử dụng phương tiện giao thông của họ, đến thăm những viện bảo tàng mà họ thường đi, không chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà phải dừng lại và cảm nhận thật sự.

Ví dụ như lần chúng tôi nán lại Viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử Louvre suốt ba ngày, chúng tôi đã khá tự do khi chụp ảnh bảo tàng so với các đoàn du lịch. Vào ban đêm, chúng tôi chơi trò chơi trên bãi cỏ phía trước Tháp Eiffel, nhìn thấy ánh đèn rực rỡ trong màn đêm của tòa kiến trúc bằng sắt hùng vĩ này, chiêm ngưỡng Paris rực sáng ánh đèn vào ban đêm và trải nghiệm tàu điện ngầm để đến nhà trọ.

Chúng tôi đã hoàn thành chuyến đi với sự phấn kích và mệt lử, thu hoạch và trưởng thành, nhưng đây hoàn toàn không phải là điểm dừng, chúng tôi tạm biệt nơi đó nhưng đã mang về những điều suy ngẫm đối với một quốc gia xa lạ.

Ngoài những ký ức còn lại trong đầu, chúng tôi còn có nhật ký, bưu thiếp, hình ảnh cũng như các đề tài trò chuyện, những điều này đều sẽ khiến những gì có được từ chuyến đi trở nên dài hơn, phong phú hơn, mở ra khởi đầu mới lần sau của chúng tôi.

Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Harvard
Drew Gilpin Faust. (Ảnh: harvardmagazine.com)

Nhận thức chính mình, hiểu biết thế giới

Mỗi lần đến với một thành phố hoặc đất nước xa lạ, từ việc du lịch để học hỏi và trưởng thành có thể giúp các con xây dựng trong đầu cách suy nghĩ của bản thân chúng một cách hữu hiệu.

Các con biết rằng ở nơi xa lạ thì phải nhờ đến sự giúp đỡ ở những cơ quan nào, biết cách vận dụng những gì mình có để hoàn thành nhiệm vụ và khi chỉ có một mình ở môi trường xa lạ, ưu điểm và khuyết điểm của các con đều sẽ được thể hiện rõ ràng, điều này chắc chắn cho chúng tôi cơ hội tìm hiểu chính mình.

Không chỉ các con, mà mỗi lần cùng chúng đối mặt với những điều xa lạ này, tôi cũng trưởng thành hơn, cũng nhìn thấy rõ bản thân mình hơn.

Các con liên tục đối mặt với những môi trường xa lạ trong quá trình lớn lên, vậy thì những hoàn cảnh mới mẻ phải đối mặt khi trưởng thành sẽ không khiến các con cảm thấy sợ hãi, bởi vì chúng đã có cách đối diện của riêng mình.

Có rất nhiều người sẽ nói rằng các con còn quá nhỏ, để chúng ra nước ngoài năm 7-8 tuổi thì chúng sẽ nhớ được những gì? Chứ đừng nói đến những trẻ nhỏ hơn. Chúng chẳng hiểu gì cả đâu!

Thực tế thì đây là sự hiểu lầm của chúng ta về con trẻ, thông thường thì chúng ta có thể biết được một người có rút ra được gì hay không thông qua cách biểu đạt hoặc chuyển biến của người đó để làm tiêu chuẩn kết luận.

Thế nhưng đối với con trẻ đang trong thời gian phát triển tâm sinh lý thì khả năng biểu đạt của các con không đủ để bày tỏ một cách rõ ràng những thu hoạch phản ánh sự trưởng thành của chúng.

Và thế là người lớn sẽ võ đoán, cho rằng các con còn quá nhỏ, không có tác dụng gì với chúng cả, sau này sẽ chẳng nhớ gì. Thực tế thì có lẽ đối với một trẻ khoảng 4-5 tuổi mà nói, đến năm 10 tuổi, trẻ sẽ không nhớ gì cả, nhưng đối với sự trưởng thành sau này của trẻ thì có ý nghĩa rất to lớn.

Có lẽ chúng ta không cần phải đưa các con ra nước ngoài, nhưng thường xuyên đến những nơi khác để ngắm nhìn, lắng nghe, cảm nhận được sự giống và khác nhau, có thể thích ứng với những loại phương tiện giao thông khác, có thể dũng cảm bước đến lắng nghe, nhìn và cảm nhận trong một nhóm người xa lạ huyên náo, những điều này chính là một cách trưởng thành.

Cuộc sống của một người càng rộng quyết định mức độ ưu tú của người đó

Chuyến đi bắt đầu từ khi còn nhỏ là xuất phát điểm để mở rộng cuộc sống của mình, tôi rất thích câu nói: “Cuộc sống không phải là đích đến, mà là một cuộc hành trình”.

Ngọc Trúc

Xem thêm: