Khám phá nguồn gốc huyền bí của chiếc gối
- Tatiana Denning
- •
Trong lịch sử, chiếc gối có vai trò lớn hơn nhiều so với chức năng nâng đỡ đầu chúng ta.
Trong vở kịch “Giông tố” (“The Tempest”), William Shakespeare đã viết: “Chúng ta được tạo ra cùng một thứ với chiêm bao, và cuộc sống phù du của chúng ta khác nào một giấc mơ”.
Một giấc ngủ ngon là điều rất quan trọng với tinh thần và thể chất của mỗi người. Ngủ là khoảng thời gian tâm trí và cơ thể phục hồi năng lượng.
Vệ sinh giấc ngủ (Sleep hygiene) bao gồm những yếu tố như giờ ngủ đều đặn và môi trường ngủ thích hợp sẽ giúp bạn có một đêm ngon giấc. Một căn phòng mát mẻ, tối, yên tĩnh, một chiếc giường êm ái và một chiếc gối phù hợp giúp bạn có một giấc ngủ ngon.
Gối có vẻ chỉ là một vật dụng bình thường, một đồ vật giản đơn mà chúng ta dùng trong cuộc sống hàng ngày. Với người hiện đại, chiếc gối đóng vai trò như một người bạn đồng hành mềm mại, êm ái vào ban đêm. Tuy nhiên, trong quá khứ, chiếc gối còn có nhiều công dụng hơn thế. Trên thực tế, cách mà xã hội cổ đại sử dụng gối sẽ khiến hầu hết chúng ta phải ngạc nhiên.
Chiếc gối đầu tiên
Chiếc gối đầu tiên được cho là có nguồn gốc từ Lưỡng Hà cổ đại (ngày nay là Iraq) vào khoảng năm 7.000 trước Công nguyên. Từ đó có thể thấy chiếc gối có lịch sử khoảng 9.000 năm (không tính các nền văn minh cổ đại mà chúng ta có thể đã lãng quên từ lâu).
Chiếc gối ở Lưỡng Hà được làm bằng đá và mục đích ban đầu của nó không phải là để nâng đỡ phần đầu hay giúp cho cơ thể thoải mái hơn khi ngủ. Công dụng nguyên thủy của nó là để ngăn côn trùng và các sinh vật nhỏ bé khác len vào tóc, miệng, tai và mũi của người ta khi ngủ.
Cùng với thời gian, các nền văn minh cổ đại tin rằng gối cũng có thể hỗ trợ phần đầu. Đá được cho là chất liệu tốt nhất giúp gối thực hiện chức năng này và tiếp tục được sử dụng để làm gối.
Trung Hoa cổ đại
Trung Hoa cổ đại có lẽ là nơi nổi tiếng về sử dụng gối hơn bất kỳ nền văn minh nào khác.
Ở Trung Quốc thời xưa, gối cứng rất phổ biến. Mặc dù thời đó người ta có đủ kiến thức và khả năng để tạo ra một chiếc gối mềm mại, nhưng hầu hết mọi người không đánh giá cao loại gối này. Họ tin rằng sử dụng một chiếc gối mềm khi ngủ sẽ lấy đi năng lượng và sức sống cần thiết của cơ thể.
Người Trung Quốc cổ đại tin rằng dùng gối thích hợp, cũng như chọn lựa đồ đạc phù hợp có thể giúp điều chỉnh hành vi và tính cách của một người. Trong khi người hiện đại đề cao sự thoải mái, người Trung Quốc xưa kia lại chú trọng đến nâng cao phẩm chất đạo đức để có một cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Đây là một lý do tại sao gối và đồ nội thất của Trung Quốc cổ đại được làm bằng vật liệu cứng.
Gối cứng được cho là có nhiều lợi ích khác. Nó không chỉ dùng để hỗ trợ đầu và cổ mà còn giúp duy trì các kiểu tóc phức tạp của người thời đó khi ngủ, tăng lưu thông máu và cải thiện trí tuệ của một người. Theo nhà đấu giá nổi tiếng Christie’s, chiếc gối cổ của Trung Quốc còn được dùng để giữ mát khi ngủ. Nhà thơ Trương Lôi thời Bắc Tống đã viết: “Gối do Gong làm thì cứng chắc và mát mẻ. Một người bạn cũ đã tặng nó cho tôi để chống nóng. Nó làm mát căn phòng như một làn gió và giữ cho đầu tôi mát khi ngủ.”
Nhiều loại vật liệu đã được sử dụng để làm gối ở Trung Quốc cổ đại, trong đó có sứ, ngọc, gốm, tre, gỗ và đồng. Người Trung Quốc cho rằng vật liệu làm gối sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Do đó, mọi người đều cân nhắc lựa chọn chiếc gối phù hợp nhất với mình.
Gốm được cho là vật liệu làm gối phổ biến nhất ở Trung Quốc thời xưa. Theo Christie’s, gối làm từ gốm đã trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Quốc trong triều đại nhà Đường (618-907 sau CN) và Tống (960-1279 sau CN), trước khi bị thay thế bởi những chiếc gối nhồi bông kiểu phương Tây. Những chiếc gối được tạo hình và trang trí lộng lẫy, giống như ở Lưỡng Hà, chuyên dành cho những người giàu có và được xem như một biểu tượng của địa vị xã hội và sự thịnh vượng. Bướm, hoa và trẻ em đang chơi đùa là một trong số những hình ảnh phổ biến được in trên gối phổ thông. Bên cạnh đó, những lời dạy của Phật giáo, Đạo giáo hoặc Nho giáo thường đựng in trên gối để đề cao đạo đức. [ad1s1]
Gối cứng cũng được người ta tin là có tác dụng xua đuổi tà ma, điều mà gối mềm không thể làm được. Đặc biệt, hình ảnh sư tử, hổ và rồng Trung Hoa trên gối được cho là có hiệu quả đuổi yêu xua tà.
Theo Christie’s: “Sư tử được coi là một sinh vật tốt lành với sự hung dữ, sức mạnh và năng lượng để xua đuổi yêu ma”. Nhiều chiếc gối được làm theo hình dạng của những con vật này hoặc khắc hình ảnh của chúng lên trên.
Trong khi chiếc gối cứng được ưa chuộng hơn cả, vẫn có những chiếc gối làm bằng các chất liệu khác để sử dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Một trong số đó là gối thuốc. Theo Taiwan Today, gối thuốc được làm từ nhiều loại thảo mộc khác nhau và bọc trong vải lụa. Nó được sử dụng để cải thiện thính giác, nâng cao thị lực, đưa mái tóc bạc trở về màu tóc ban đầu, kích thích răng bị mất mọc lại cũng như chữa trị nhiều loại bệnh.
Do vùng đầu và cổ gáy tiếp xúc trực tiếp với gối, nên gối được cho là giúp cải thiện và dẫn dắt các giấc mơ. Người Trung Quốc cổ đại tin rằng những giấc mơ có ý nghĩa quan trọng và được coi là điềm báo của những sự kiện sắp xảy ra.
Theo Bảo tàng Victoria và Albert ở London: “Không có sự phân chia rõ ràng giữa vật chất và tinh thần trong tư tưởng của người Trung Quốc. Ma quỷ, linh hồn và những cảnh tượng trong giấc mơ là một phần của thế giới vật chất và được coi là có thể hoán chuyển qua lại trong cuộc sống thực tại. Vì vậy, chiếc gối có vai trò vô cùng quan trọng. Nó là vật trung gian giữa ý thức và vô thức, giữa đời thực và ảo ảnh.”
Ngày nay, những chiếc gối cổ đại với tạo hình rất đẹp này được các nhà sưu tập săn lùng với mức giá lên tới hàng chục nghìn đô la.
Ai Cập cổ đại
Có lẽ ít người biết về gối mà người Ai Cập trong thời cổ sử dụng. Nó không chỉ dùng để tựa đầu. Phần lớn những gì người ta biết về chiếc gối Ai Cập cổ đại đều xuất phát từ các ngôi mộ cổ, với mục đích chính để nâng đỡ phần đầu.
Người Ai Cập cổ xưa coi đầu là trung tâm của tinh thần và sự sống. Do đó, đầu được cho là bộ phận thiêng liêng nhất của cơ thể. Chiếc gối có chức năng nâng đỡ và quan trọng hơn là bảo vệ phần đầu trong cuộc sống hiện tại và cả sau khi chết.
Giống như ở Lưỡng Hà, gối thường được làm bằng đá. Tuy nhiên các khối gỗ, gốm và ngà voi đôi khi cũng được sử dụng để làm gối. Gối Ai Cập hẹp hơn những chiếc gối cổ của Trung Quốc. Trong khi gối Trung Quốc hỗ trợ cả phần đầu lẫn cổ, gối Ai Cập thường chỉ nâng đỡ phần đầu, do đó nó được gọi là “vật giúp đầu nghỉ ngơi”.
Niềm tin tín ngưỡng và pháp thuật hiện diện xuyên suốt trong xã hội Ai Cập cổ đại. Gối, cũng như các đồ vật khác, được trang trí bằng những hình ảnh để vừa có chức năng bảo hộ con người, vừa có thể làm vật trang trí trong nhà. Theo Bảo tàng Glencairn của Pennsylvania, một hình ảnh thường được khắc lên gối Ai Cập là Bes – “một vị thần bảo vệ cho ngôi nhà, các bà mẹ, trẻ nhỏ cùng những người đang ngủ”.
Người Ai Cập cổ đại tin rằng trong khi ngủ, người ta đặc biệt dễ bị tà ma tấn công. Theo đó, hình ảnh dữ tợn của Bes sẽ giúp xua đuổi ma quỷ và bảo vệ người ngủ vào ban đêm.
Người Ai Cập cổ đại rất coi trọng thế giới bên kia, đến nỗi Tutankhamun – một vị vua trẻ tuổi đã được chôn cất với 8 chiếc gối. Những đoạn văn xuất hiện lễ tang chứa hàng trăm câu thần chú phép thuật giúp hướng dẫn người chết sang thế giới bên kia một cách an toàn.
Bảo tàng Glencairn trích dẫn: “Một số phép thuật rõ ràng nhắc đến chiếc gối và so sánh nó với cảnh mặt trời mọc ở phía chân trời. Theo bảo tàng Glencairn, đoạn 232 trên quan tài viết: ‘Một câu thần chú cho chiếc gối đầu. Cầu mong đầu ngài được nâng lên, cầu mong lông mày của ngài hoạt động, cầu mong ngài cất tiếng nói cho chính mình, cầu mong ngài thành thần, cầu mong ngài luôn luôn là thần‘.”
Ngày nay, mặc dù tín ngưỡng của người châu Phi đã thay đổi ít nhiều, nhưng một số vùng ở châu Phi vẫn sử dụng những chiếc gối kiểu Ai Cập cổ này trong cuộc sống hàng ngày và người ta cảm thấy khá hài lòng với chúng.
Hy Lạp và La Mã cổ đại
Chiếc gối thời Hy Lạp và La Mã cổ đại có phần ít nổi tiếng hơn.
Những gì chúng ta biết là người Hy Lạp và La Mã cổ đại cuối cùng đã chọn chế ra những chiếc gối theo xu hướng sang trọng, thoải mái và phóng túng. Họ từ bỏ những lợi ích thể chất hoặc tinh thần mà một chiếc gối cứng mang lại. Với quan điểm tập trung vào sự thoải mái, họ đã tạo ra tiền thân của những chiếc gối mềm mại thời nay.
Thời đó, gối thường được làm từ các chất liệu như bông, rơm hoặc sậy. Những chiếc gối làm từ lông tơ mềm mượt và lông vũ trở thành món đồ thời thượng của những người giàu có. Ngoài ra, chiếc gối còn được coi là biểu tượng của sự xa hoa và hưởng thụ quá đà. Chẳng hạn, cuộc sống dư dật phóng túng thường được khắc họa với hình ảnh người thời đó nằm ngả ngốn trên 4 hay 5 chiếc gối sang trọng, ngay cả khi họ đang ăn tối hay say sưa với rượu và sơn hào hải vị xung quanh.
Jason Linn viết trong luận văn của mình tại trường Đại học UC-Santa Barbara về ban đêm ở La Mã cổ đại như sau: “Sự xa hoa đã nuông chiều những người này tới mức ngay trong những hoàn cảnh nguy hiểm, họ vẫn cho phép lính canh của mình không chỉ được ngủ mà còn là ngủ một cách thoải mái không e dè”.
Trong khi đó, trái lại, người Sparta lại tin vào một triết lý khác và sống một cuộc sống nghiêm khắc, không truy cầu sự thoải mái. Jason Linn thắc mắc: “Tạo sao một người có thể ngủ trong điều kiện không thoải mái như vậy?”. Câu trả lời là: “Làm vậy sẽ mang đến sự tuân lệnh, kiên trì và chiến thắng”. Jason Linn tiếp tục trích dẫn một câu của William Arrowsmith: “Sự xa hoa an dật khiến cho một người đàn ông mất đi chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mình”.
Theo thời gian, đến thời Trung cổ ở Châu Âu, chiếc gối mềm không còn phổ biến nữa và nó chỉ được xem như một biểu tượng của địa vị. Đàn ông coi gối như biểu hiện của sự yếu đuối, mỏng manh. Có thời điểm mà chỉ nhà vua và phụ nữ mang bầu mới được gối đầu vào ban đêm.
Đến thế kỷ 16, gối trở nên phổ biến trở lại. Tuy nhiên, do gối thường xuyên bị nấm mốc, côn trùng và sâu bọ phá hoại nên việc bảo quản nó rất tốn sức. Những bộ phận của gối phải được thay thường xuyên để bảo đảm gối luôn sạch sẽ. Sau đó, gối được sử dụng để làm nệm quỳ trong nhà thờ hoặc là vật lót để đặt các cuốn sách thánh. Một số khu vực vẫn duy trì phong tục đó cho tới ngày nay.
Thời hiện đại
Sau cuộc Cách mạng Công Nghiệp, cách sống của người dân nhiều nơi trên thế giới bắt đầu thay đổi.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung, chiếc gối cũng thay đổi nhiều. Cách mạng Công nghiệp đã thúc đẩy sản xuất quy mô lớn. Trong bối cảnh đó, cùng với sự gia tăng sản lượng bông, việc chế tạo gối trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đến thời nay, gối không chỉ còn dành cho tầng lớp thượng lưu nữa. Một người bình dân bây giờ cũng có thể sở hữu cho mình một chiếc. Từ đó, chiếc gối dần dần phổ biến trong mọi nhà.
Khi Cách mạng Công nghiệp mang lại sự thịnh vượng về vật chất, xã hội đã đi theo mô hình của người Hy Lạp và La Mã cổ đại. Mọi người đều tìm kiếm sự thoải mái, cuối cùng dẫn tới cuộc cách mạng về gối mềm.
Ngày nay, gối có nhiều hình dạng, kích thước, độ cứng và được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Danh sách các loại gối dường như là vô tận, với mọi chất liệu từ gel, bọt hoạt tính, lông tơ lông vũ, lông cừu, bông, vải trong, len, cao su, hạt nhựa nhỏ, bông cây kapok, kiều mạch và nước. Gối thậm chí có thể được tùy chỉnh và cá nhân hóa theo sở thích của mỗi người.
Mặc dù sự thoải mái của những chiếc gối hiện đại có thể làm cho buổi tối và giấc ngủ của chúng ta trở nên êm ái dễ chịu hơn, nhưng có lẽ người xưa hẳn có cái lý của họ. Ở đây không có ý khuyến khích mọi người quay trở lại sử dụng gối cổ làm từ đá hoặc gốm. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên nhận ra rằng đôi khi một chút khó chịu trong cuộc sống cũng không phải là điều gì đó quá tệ.
Trong thế giới quan của người Trung Hoa cổ đại, truy cầu sự thoải mái hiếm khi là con đường tốt nhất. Suy cho cùng, khi chịu đựng một chút khó khăn, chúng ta trở nên mạnh mẽ kiên cường hơn. Và giữa những bộn bề của cuộc sống thường nhật, nếu chúng ta có thể nhìn vào nội tâm để đề cao bản thân mình, chúng ta sẽ trở nên tốt hơn.
Có vẻ như, ngay cả một chiếc gối bình thường cũng chứa đựng những bài học đáng giá.
Tác giả Tatiana Denning, The Epoch Times
Hoa Minh biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa giấc ngủ Trung Quốc cổ đại Chiếc gối văn minh cổ đại