Khi nhà có người mắc tâm thần: Những nỗi khổ không thể chia sẻ cùng ai
- Hoài Anh
- •
Người chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần bế tắc trong cái vòng luẩn quẩn phải dành thời gian cho người bệnh, khó tập trung phát triển sự nghiệp, bị xã hội phân biệt đối xử, và bản thân có nguy cơ mắc bệnh tâm lý cao do căng thẳng kéo dài.
Vào kỳ nghỉ đông năm 2021, sau khi mẹ bị ốm suốt 17 năm, Xu Yanwen, 24 tuổi, lần đầu tiên đưa mẹ đến bệnh viện tâm thần với danh nghĩa xét nghiệm Covid-19. Bà mẹ phát hiện bị lừa nằm vật vã trên giường bệnh quát tháo con, dọa tự tử.
Xu không dám vào phòng, cũng như nhiều người nhà khác, cô đi đi lại lại trên hành lang bệnh viện dài vô hình. “Tôi không hối hận khi đưa mẹ tôi vào đây, bà mắc tâm thần phân liệt nặng, nhưng trong tâm tôi vẫn có chút không thoải mái. Mẹ đã sống với tôi nhiều năm như vậy, và tôi biết rằng trong tương lai bà sẽ không còn ở bên tôi nữa và tôi không còn cái gọi là gia đình nữa.”
Khi Xu được 3 tuổi, cha mẹ cô ly hôn, cô không còn liên lạc với cha và được gửi đến sống với bà ngoại. Đến 7 tuổi Xu trở về sống cùng mẹ. Nửa đêm, cô thường bị mẹ dựng dậy hỏi: “Con có phải là ma không? Vừa rồi mẹ đã làm gì con khi con đang ngủ?”… Đó là những ngày tháng cơ cực, cô sống trong bóng tối một mình, luôn phải dõi theo khuôn mặt và cảm xúc của mẹ, làm việc nhà, đến trường, cố gắng phấn đấu cho một cuộc sống ổn định sau này.
Với Xu, đây có lẽ là cách duy nhất để cô có thể hoàn thành chương trình đại học và thay đổi số phận của mình. “Quyết định này là tốt cho mẹ tôi, và tốt cho tôi”, cô tự an ủi mình, nhưng không thể bình tĩnh để trút bỏ cảm giác tội lỗi của mình.
20 năm qua, cô luôn biết rằng mọi trở ngại đều có thể vượt qua, điều không chắc chắn nhất là cô không lường trước được những gì mẹ cô sẽ làm. Cô không muốn mình luôn bất lực và thất thường. Cuộc sống chỉ mới bắt đầu. Cô muốn học ngoại ngữ và dự định thi đầu vào sau đại học…
“Gửi mẹ đến bệnh viện cũng là tôi đang cân nhắc về tương lai của mình. Tôi không muốn liên tục bị rút cạn năng lượng. Tôi muốn một cuộc sống bình thường và tốt đẹp hơn, và điều này khiến tôi cảm thấy mình rất ích kỷ.”
***
Vào tháng 3 năm 2016, mẹ Lin Lin lần đầu tiên đổ bệnh, bà mất ngủ và bị ảo giác, bà cảm thấy mình bị theo dõi, sau khi đưa đi khám thì được chẩn đoán là “tâm thần phân liệt”.
“Khi mẹ thấy tốt thì mọi thứ đều ổn, lúc mẹ không tốt thì chúng tôi cũng không thể yên thân. Mẹ tôi là công tắc tình cảm của cả gia đình”, Lin Lin, 23 tuổi chia sẻ.
Lin Lin và bố đã phải chịu áp lực tâm lý rất lớn, họ luôn phải cố gắng hết sức để kiểm soát căn bệnh hiện tại của mẹ, nói chuyện cẩn thận, động viên mẹ, cảnh giác với những thay đổi về thể chất và tình cảm của mẹ, đồng thời biết khi nào nên thêm, bớt, thay đổi và đi khám bác sĩ…
Mỗi khi mẹ Lin phát bệnh, bố cô cũng rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm. Biểu hiện trực tiếp nhất là giấc ngủ, đêm không ngủ được, sáng dậy cứ như chưa ngủ, giảm cảm giác thèm ăn và sụt cân, cơ thể cũng gặp vấn đề.
“Sống trong hoàn cảnh như vậy 5 năm qua, tôi quả thực đã đánh mất một phần con người mình. Tôi luôn phải lưu ý đến mẹ cho mọi chuyện, kể cả chuyện kết hôn của bản thân. Tôi không muốn những thành viên mới trong tương lai, bao gồm cả gia đình của người đó phải vất vả để hiểu cho hoàn cảnh của mẹ tôi. Đôi khi tôi tự ti về bản thân, liệu người khác có coi thường tôi vì bệnh của mẹ tôi không? Tôi cảm thấy gen của gia đình chúng tôi không tốt? Nhưng tôi hiểu.”
***
Câu chuyện của gia đình Xu và Lin Lin chỉ là hai trong số hàng triệu gia đình có người thân bị mắc bệnh tâm thần trên khắp Trung Quốc. Nhóm những người như họ được gọi là “những người vô hình” – bao gồm cha mẹ, con cái, bạn đời và anh chị em đứng sau hỗ trợ cho sự sinh tồn của 16 triệu người bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Đối với họ, quá trình chăm sóc kéo dài đồng nghĩa với việc đối mặt với cuộc chạy marathon “vắt kiệt sức lực” của bản thân và gia đình. Với việc kéo dài thời gian chăm sóc vô thời hạn, họ trở thành “nạn nhân của gia đình” ở một mức độ nào đó, phải đối mặt với việc bỏ học, thất nghiệp, mất cuộc sống bình thường. Đối với những gia đình bệnh nhân tâm thần nặng, họ không chỉ phải đối mặt với căn bệnh mãn tính khó chữa mà còn là căn bệnh bị đám đông kỳ thị và chối bỏ.
Trước khi trở thành bác sĩ tâm lý, Yao Hao, bác sĩ tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, đã có nhận thức “tốt” về những người chăm sóc các thành viên trong gia đình này nhưng đó chỉ một phần nhỏ của bức tranh. Khi trở thành bác sĩ chính thức tại bệnh viện, một tình huống phức tạp bắt đầu xuất hiện. Một số người nhà đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện và biến mất sau khi đóng viện phí, họ đã cắt đứt mọi liên hệ tình cảm với bệnh nhân.
Anh thường nghĩ, ở một đất nước như Trung Quốc, nơi mà đạo hiếu, tình cảm và các mối quan hệ trong gia đình là rất quan trọng, tại sao mọi người lại thực sự chọn cách bỏ rơi người nhà của mình? Nhưng sau vài năm làm việc, anh dần dần hiểu được nhiều nguyên nhân đằng sau nó.
Cái được gọi là mặt “tốt” và mặt “xấu” có thể là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau ở mức độ trải nghiệm của từng người, nhưng những vấn đề được phản ánh là giống nhau. Nó phản ánh sự thiếu hỗ trợ của xã hội đối với những người chăm sóc trực tiếp cho người thân mắc bệnh tâm thần.
Hiện tại, không có định nghĩa rõ ràng về những người chăm sóc người bệnh tâm thần trên thế giới. Theo chỉ số sống được điều chỉnh theo khu vực để đo lường tình trạng sức khỏe, đánh giá tổng gánh nặng của nhiều loại bệnh khác nhau. Rối loạn tâm thần đứng đầu trong tổng gánh nặng bệnh tật, vượt qua cả tim mạch, mạch máu não, hô hấp và các khối u ác tính.
Các thành viên trong gia đình phải học cách thích ứng liên tục với sự thất thường của người bệnh tâm thần và các tác dụng phụ khác nhau do thuốc hướng thần gây ra. Sau đó, với sự thay đổi của tình trạng bệnh nhân, thời gian chăm sóc của người nhà cũng bị kéo dài vô thời hạn, họ luôn thấy vướng víu không tập trung làm được việc gì, lang thang trong trạng thái thăng trầm trong một thời gian dài và trở thành nhóm có nguy cơ cao về sức khỏe tâm thần.
Những vấn đề mà người chăm sóc phải đối mặt có tính hệ thống, từ phân biệt đối xử xã hội đến kỳ thị, từ chính sách phúc lợi đến nguồn lực y tế, từ giáo dục công cộng đến phương pháp nuôi dạy con cái…
Tại Hồng Kông, Trung tâm Nguồn lực Gia đình và Dịch vụ dành cho người Tâm thần được thành lập vào năm 1989 đã phân tích những người chăm sóc các thành viên trong gia đình có người bị tâm thần từ năm 2016 đến năm 2019. Họ phát hiện ra rằng xác suất những thành viên gia đình này phải đối mặt với căng thẳng tinh thần nghiêm trọng cao hơn gấp 5 lần so với công dân bình thường. 71% thành viên trong gia đình có các triệu chứng căng thẳng tâm lý, và 25% thành viên trong gia đình có các triệu chứng nghiêm trọng.
Một cuộc khảo sát mang tên “Khảo sát nhu cầu người chăm sóc bệnh tâm thần Trung Quốc” đã thu thập gánh nặng của các thành viên trong gia đình ở 9 khía cạnh: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, áp lực tài chính, học tập và công việc, giải trí xã hội, nội trợ, quan hệ gia đình, hôn nhân và sinh con, và định kiến của người khác. Trong đó, sức khỏe tinh thần là gánh nặng lớn nhất đối với người chăm sóc gia đình.
Khi không giải quyết được “vòng quay chết chóc” của gia đình, một số vấn đề thực tế sẽ phát triển thành những bi kịch gia đình. Vào năm 2014, một người cha 56 tuổi ở Thượng Hải đã tự sát sau khi giết chết đứa con trai 26 tuổi bị bệnh tâm thần của mình. Ông bố 66 tuổi ở Nam Ninh dùng gậy sắt giết con, không chịu uống thuốc vì sợ con mắc bệnh, hại người khác.
Một dự án phúc lợi công cộng ở Đài Loan, “Huoquan Home”, có một đường dây dành riêng cho những người chăm sóc người bệnh tâm thần. Với Xu và Lin, việc có một nhóm bạn đồng cảnh, cùng hỗ trợ và động viên nhau có thể sẽ giúp gia đình các cô vơi đi áp lực, có thêm sức mạnh để giúp mẹ hồi phục tốt hơn, nhưng thật tiếc, một cộng đồng như vậy đã không được tìm thấy tại nơi họ sống.
Hoài Anh (Theo QQ)
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng bệnh tâm thần Tâm thần