Sa thải giống như một thảm họa kinh hoàng nhưng bạn không nhất thiết phải sống trong sự sợ hãi. Hãy chuẩn bị theo 6 bước sau để có thể vượt qua cơn khủng hoảng này.

sai thai
Sa thải giống như một thảm họa kinh hoàng nhưng bạn không nhất thiết phải sống trong sự sợ hãi. (Ảnh: AlexandrMusuc/ Shutterstock)

Đột ngột bị sa thải hoặc đột nhiên cảm thấy không thể tiếp tục với công việc là một nỗi đau mà không ai muốn trải qua cả. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đang có một công việc ổn định thì điều bất ngờ vẫn có thể ập đến.

Bạn đang cảm thấy an toàn hay lo lắng? Dù là trường hợp nào đi chăng nữa thì bạn hãy luôn chuẩn bị sẵn tinh thần và tài chính để tự tin đối mặt với tương lai bất định phía trước.

1. Một khoản dự phòng

Tất cả mọi người và mọi gia đình đều nên chuẩn bị một khoản tiền dự phòng dùng trong trường hợp bất trắc (như thiên tai, bệnh tật, thất nghiệp…). Số tiền đó nên ở mức đủ để cung cấp cho bạn thức ăn, điện nước trong 6 tháng.

Có một sự thật là khi bạn thất nghiệp, 6 tháng sẽ trôi qua nhanh như thể 6 phút. Chuẩn bị sẵn một khoản tiền dự phòng sẽ giúp bạn đỡ cảm thấy sợ hãi khi ngày mai tới. Nếu bạn không có tiền tiết kiệm thì bạn sẽ phải làm một công việc tạm bợ để trang trải chi phí sinh hoạt trước. Hãy cố gắng trau dồi bản thân để có thể tìm một công việc tốt và lâu dài thay vì các công việc thời vụ.

2. Cắt giảm chi tiêu

Nếu có linh cảm mình sắp bị sa thải thì bạn nên chủ động cắt giảm chi tiêu ngay lập tức. Đừng chờ đến lúc tờ giấy quyết định nằm trên bàn của bạn! Trong thời điểm khó khăn này, bạn chỉ nên tiêu vào những món đồ thiết yếu cho cuộc sống, hạn chế mua những bộ váy áo đắt tiền và tham gia những bữa tiệc xa hoa.

Nếu thường ăn ở ngoài thì bây giờ bạn nên cân nhắc phương án tự nấu nướng. Hãy xem lại danh sách các dịch vụ hàng tháng mà bạn đang sử dụng. Có thể bạn chỉ gia hạn chúng như một thói quen mà không hề đụng vào chúng. Cắt bớt những dịch vụ lãng phí như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều.

cat giam chi tieu
Nếu có linh cảm bản thân sắp bị sa thải thì bạn nên chủ động cắt giảm chi tiêu ngay lập tức. (Ảnh: stoatphoto/ Shutterstock)

3. Giảm gánh nặng

Dù bây giờ bạn đang làm việc rất vui vẻ bình thường thì nợ thẻ tín dụng vẫn giống như một gánh nặng. Hãy thử tưởng tượng đột nhiên bạn rơi vào cảnh thất nghiệp với một khoản nợ trên đầu, thật chẳng khác gì bạn đang cố bơi với một khối bê tông buộc vào mắt cá chân.

Thời điểm tốt nhất để giải quyết nợ nần chính là khi bạn vẫn có thu nhập ổn định. Vậy nên lời khuyên cho bạn là hãy ngừng tăng thêm nợ và bắt đầu trả nợ càng nhanh càng tốt. Giảm bớt các khoản nợ sẽ giúp bạn “nhẹ gánh” hơn khi phải thực sự đối mặt với cảnh thất nghiệp. Bạn sẽ có ít hóa đơn phải trả hơn, đỡ phải căng thẳng hơn và có thể chi tiêu linh hoạt hơn.

4. Lên kế hoạch cho những trường hợp “giả sử”

Khi làm việc ở công ty, bạn sẽ nhận được rất nhiều quyền lợi liên quan đến người lao động. Thời gian trôi qua, bạn coi những thứ ấy là hiển nhiên có trong cuộc sống của mình, cho đến một ngày chúng biến mất. Ví dụ như bảo hiểm y tế của bạn sẽ bị cắt khi bạn mất việc. Trong trường hợp này, bạn có thể tìm cách mua bảo hiểm ở ngoài hoặc làm thẻ mới khi đi lấy trợ cấp thất nghiệp. Bạn hãy rà soát và tự đặt các câu hỏi “giải sử” để chuẩn bị trước phương án dự phòng cho chúng.

5. Chuẩn bị CV

Bạn có biết tình trạng CV của mình đang như thế nào không? Nếu câu trả lời là không thì đã đến lúc bạn cần thay đổi điều đó. Bạn nên cập nhật CV thường xuyên như một thói quen để có thể dùng nó bất cứ lúc nào.

Một lưu ý nhỏ là bạn không nên viết CV ở máy tính công ty mà hãy làm nó ở nhà. Ngoài ra, bạn cũng nên quan sát thị trường việc làm hiện tại. Hãy lưu sẵn một số công ty hoặc công việc bạn để mắt tới để sau này bị sa thải bất ngờ thì bạn cũng không rơi vào thế bị động.

r shutterstock 256618324
Bạn nên cập nhật CV thường xuyên như một thói quen để có thể dùng nó bất cứ lúc nào. (Ảnh minh họa: Casper1774 Studio/ Shutterstock)

6. Hãy trở thành một mắt xích không thể thiếu

Khi công ty có đợt sa thải, thường thì chỉ có những người nhiều tuổi hoặc hết giá trị mới bị nhắm tới. Để giảm bớt khả năng mình là mục tiêu, bạn hãy học cách làm nhiều công việc cùng lúc và trở thành một người có thể xử lý các nhiệm vụ ở nhiều phòng ban hoặc vai trò khác nhau. Bạn hãy tăng giá trị của mình lên bằng cách nhận thêm việc, học các kỹ năng mới và biến thành người không thể thiếu đối với công ty.

Hãy trở thành một nhân viên gương mẫu, làm việc hiệu quả mà không cần sếp phải đốc thúc hay giám sát. Nếu có thể làm được điều đó thì rất có khả năng bạn sẽ chẳng bao giờ lọt vào tầm ngắm của những đợt sa thải.

Mất việc là một nỗi đau nhưng không không phải là tận thế. Bằng cách chuẩn bị những “chiếc phao” cần thiết – tiết kiệm một khoản dự phòng, giảm nợ, lập kế hoạch bảo hiểm y tế, cập nhật CV và biến mình thành người không thể thiếu – bạn sẽ giữ được tâm thế vững vàng hơn khi phải đối mặt với “cơn bão” đó.