8 cách hữu hiệu để dạy trẻ thành các nhà lãnh đạo trong tương lai
- Quốc Hùng
- •
Hầu hết các bậc cha mẹ ai cũng muốn con mình trở thành những người lãnh đạo, có một sự nghiệp thành công và tương lai tươi sáng.
Bất kể sau này lớn lên các con có dành phần lớn thời gian trong ngày ở phòng văn thư hay những căn phòng dành cho các sếp, thì chúng ta đều muốn con mình sống dũng cảm, có đam mê, và trở thành người đáng tin cậy. Chúng ta muốn những hành động của các con tạo cảm hứng cho người khác, phát huy hết những phẩm chất tốt nhất của họ, và đồng thời giúp chúng nhận lại được từ cuộc sống những điều mà chúng tưởng chừng như không thể.
Là các ông bố bà mẹ – những người chăm sóc trẻ – con đường đi đến vị trí lãnh đạo của những đứa con nằm trong tay chính chúng ta.
Chúng ta có thể làm mẫu và dạy các kỹ năng để chúng có thể lãnh đạo bản thân và những người khác trong thế giới siêu cạnh tranh này (hoặc chúng ta cũng có thể để chúng trở thành nạn nhân của lối suy nghĩ phụ thuộc và trở thành nô lệ của hoàn cảnh).
Đây quả là một trách nhiệm lớn lao – nhưng làm cha mẹ chẳng phải là một trọng trách lớn lao hay sao?
Con cái là tấm gương phản chiếu hệ quả của những hành động – dù là nhỏ nhặt mỗi ngày của những người làm cha làm mẹ. Nếu bạn muốn xây dựng tinh thần lãnh đạo trong con cái bạn và trong chính bản thân bạn, hãy tập trung vào 8 hành động sau đây.
Thể hiện trí thông minh cảm xúc (EQ)
Trí thông minh cảm xúc không phải là cái gì đó có thể sờ thấy được trong mỗi chúng ta; nhưng nó ảnh hưởng đến cách chúng ta quản lý hành vi, vượt qua những phức tạp xã hội, và đưa ra các quyết định cá nhân để đạt được các kết quả mà chúng ta mong muốn.
Trẻ em học hỏi về trí thông minh cảm xúc từ bố mẹ chúng theo những cách trực tiếp và đơn giản. Khi con cái quan sát bạn hàng ngày, chúng đang hấp thụ các hành vi của bạn như miếng bọt biển vậy. Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với sự nhận thức cảm xúc của bạn – hành vi mà bạn thể hiện khi đang ở trong cảm xúc mạnh mẽ, và cách bạn phản ứng lại với cảm xúc của chúng.
EQ là một trong những nhân tố quan trọng nhất đóng góp cho sự thành công của những người lãnh đạo. Công ty TalentSmart đã kiểm tra hơn một triệu người và phát hiện ra rằng 58 cặp cha mẹ của những nhà lãnh đạo giỏi có chỉ số EQ cao. Tương tự, 90% những người lãnh đạo giỏi nhất có chỉ số EQ đáng nể.
Tuy vậy, hầu hết mọi người chẳng làm gì để phát triển EQ của họ. Chỉ 36% số người được kiểm tra có thể nhận diện chính xác cảm xúc của mình khi chúng xuất hiện. Những đứa trẻ có mức EQ cao mang theo sự nhạy cảm và tinh tế trong nhận diện cảm xúc này cho đến khi trưởng thành, và nhờ đó nhận được sự trợ giúp đắc lực trong lãnh đạo vào trong cuộc sống.
Đừng ám ảnh về thành tích
Các ông bố bà mẹ thường bị dẫn động vào nỗi ám ảnh thành tích vì họ tin rằng đó là điều khiến con họ trở thành những người có nhiều thành tựu lớn. Thực ra, ám ảnh vào thành tích tạo ra tất cả các loại vấn đề cho trẻ. Điều này đặc biệt đúng với khả năng lãnh đạo, vì tập trung quá vào thành tích cá nhân sẽ khiến trẻ hiểu sai về cách triển khai và hoàn thành công việc.
Nói một cách đơn giản, những người lãnh đạo giỏi nhất tập trung những người xuất sắc vây quanh họ, vì họ biết rằng họ không thể làm việc một mình. Một đứa trẻ bị ám ảnh với thành tích thường quá tập trung vào các giải thưởng và kết quả đến mức chúng không bao giờ hiểu được điều này. Tất cả những gì chúng thấy là cầu thủ đang cầm trên tay danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” và vị CEO nổi tiếng đang xuất hiện trên truyền thông kia – chúng cho rằng cá nhân làm nên tất cả. Vậy nên chúng sẽ bị sốc khi phát hiện ra thực tế cuộc sống là như thế nào.
Đừng ca ngợi trẻ quá nhiều
Con trẻ cần được khen ngợi khích lệ để phát triển một sự tự tin lành mạnh. Nhưng không may là ca ngợi càng nhiều không đồng nghĩa với việc càng làm cho trẻ thêm tự tin. Trẻ em cần tin vào bản thân chúng và phát triển sự tự tin cần thiết để trở thành một nhà lãnh đạo thành công. Nhưng nếu bạn bộc lộ cảm xúc quá đà mỗi khi chúng đặt bút lên giấy hay đá một quả bóng (đặc trưng cho xu hướng tâm lý “tất cả mọi người đều được tán thưởng”), thì điều đó sẽ tạo ra một sự tự tin sai lầm cho trẻ. Hãy luôn luôn thể hiện cho con bạn thấy rằng bạn tự hào thế nào về niềm đam mê và nỗ lực của chúng; chỉ là đừng tô vẽ chúng thành các siêu sao khi bạn biết điều đó không đúng.
Để chúng trải nghiệm rủi ro và thất bại
Thành công trong kinh doanh và trong cuộc sống lúc nào cũng đi kèm với rủi ro. Khi bố mẹ xây một cái lồng quanh con mình, thì họ đã không cho chúng cơ hội được trải nghiệm những nguy cơ và nhận lấy hậu quả. Không chấp nhận thất bại đồng nghĩa với không hiểu về rủi ro. Một nhà lãnh đạo không thể chấp nhận những rủi ro ở mức độ thích hợp cho đến khi anh ấy/cô ấy biết được vị đắng của thất bại toàn tập và xảy ra ngoài dự đoán.
Con đường dẫn đến thành công không trải bằng hoa hồng. Khi bạn cố bảo vệ con mình khỏi thất bại nhằm nâng cao sự tự tin của chúng, thì chúng sẽ gặp rắc rối với việc chấp nhận những thất bại cần thiết để thành công khi làm lãnh đạo. Cũng đừng quá phũ phàng khi chỉ ra sai lầm của chúng. Trẻ cần bạn giúp đỡ khi chúng thất bại. Chúng cần biết là bạn quan tâm đến chúng. Chúng cần biết rằng bạn biết thất bại đau đớn đến thế nào. Hãy giúp đỡ con mình rút ra được những kinh nghiệm quý báu từ các bài học để chúng hiểu rằng chúng hoàn toàn có thể làm được. Đây chính là cách xây dựng vững chắc phẩm chất cho các nhà lãnh đạo tương lai.
Nói “Không” với con
Nuông chiều trẻ quá mức chắc chắn là một cách hạn chế sự phát triển thành lãnh đạo của chúng. Để trở thành một người lãnh đạo, một người cần phải kiềm chế sự hài lòng và làm việc chăm chỉ vì những mục tiêu thực sự quan trọng. Trẻ em cần phải học “Nhẫn”. Chúng cần phải đặt ra mục tiêu và trải nghiệm niềm vui trong quá trình làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu đó. Nói “Không” với con bạn sẽ làm chúng thất vọng tạm thời, nhưng chúng sẽ vượt qua thôi. Còn điều chúng không vượt qua được chính là nỗi thất vọng toàn tập khi đã hư hỏng.
Hãy để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình
Một người lãnh đạo có năng lực tự giải quyết các vấn đề ở một mức độ nào đó. Ai thắt nút thì người đó phải cởi nút. Khi cha mẹ liên tục giải quyết các vấn đề thay cho con của họ, lũ trẻ sẽ không bao giờ học được cách tự đứng trên đôi chân của mình. Những đứa trẻ nào mà luôn luôn có ai đó nhảy vào giải cứu và dọn dẹp mớ hỗn độn do chúng tạo ra sẽ dành cả đời để chờ đợi những điều tương tự. Những người lãnh đạo sẽ hành động. Họ nhận trách nhiệm. Họ chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Hãy đảm bảo rằng con bạn cũng làm như vậy.
Nói đi đôi với làm
Những người lãnh đạo đáng tin cậy rất rõ ràng và sẵn sàng chia sẻ. Họ không hoàn hảo, nhưng họ khiến mọi người tôn trọng vì nói đi đôi với làm. Con cái bạn có thể phát triển kỹ năng này một cách tự nhiên, nhưng chỉ khi chúng nhìn thấy điều ấy ở bạn. Hãy đàng hoàng, bạn phải trung thực ở mọi hoàn cảnh, không chỉ là những việc bạn nói và làm, mà còn ở việc bạn là ai. Khi bạn nói gì làm nấy, lời nói và hành động của bạn sẽ đi đôi với việc bạn thể hiện bạn là ai. Con của bạn sẽ nhìn thấy điều ấy và mong muốn được làm điều tương tự.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc lỗi
Bất kể con bạn có bướng bỉnh hay phẫn nộ đến thế nào, bạn vẫn là người hùng trong mắt chúng, và là khuôn mẫu của chúng trong tương lai. Điều này có thể khiến bạn muốn giấu nhẹm những sai lầm trong quá khứ của mình vì sợ rằng chúng sẽ cho phép mình lặp lại những sai lầm đó. Thực ra là ngược lại mới đúng. Khi bạn chứng tỏ mình quá hoàn hảo, con bạn sẽ nảy sinh cảm giác cực kỳ tội lỗi về bất cứ sai lầm nào vì chúng tin rằng chúng là người duy nhất gây ra những lỗi lầm khủng khiếp như vậy.
Để trở thành lãnh đạo, trẻ em cần hiểu rằng những người mà chúng kính trọng không phải là không mắc sai lầm bao giờ. Lãnh đạo là người có thể đứng lên sau khi trượt ngã, học hỏi từ những sai lầm, và bước tiếp để trở thành những người tốt hơn. Trẻ không thể làm được như thế khi chúng cứ dằn vặt bản thân mãi. Chúng cần ai đó – một người trần mắt thịt thực sự – để dạy chúng cách xử lý sai lầm và học hỏi từ điều đó. Đây chính là lúc bạn cho con mình biết bạn đã làm gì trong quá khứ, và cách bạn vượt qua điều đó.
Nói tóm lại, chúng ta có thể nuôi nấng con cái mình thành những người lãnh đạo, chỉ khi chúng ta dụng tâm muốn làm điều ấy. Còn việc gì xứng đáng với thời gian và công sức của chúng ta hơn việc đó sao?
Tác giả: Tiến sỹ Travis Bradberry là đồng tác giả của cuốn sách bán chạy số 1, “Trí tuệ cảm xúc 2.0” và là đồng sáng lập của TalentSmart – công ty hàng đầu thế giới về cung cấp các bài kiểm tra và đào tạo trí tuệ cảm xúc, phục vụ hơn 75% các công ty trong top Fortune 500.
Theo CNBC
Quốc Hùng
Xem thêm:
Từ khóa Giáo dục con nhà lãnh đạo Phương pháp dạy con khoa học Bí quyết dạy con Dạy con Làm cha mẹ