Một số vật dụng phổ biến trong nhà có thể đe dọa sức khỏe của bạn
- Trúc Nhi t/h
- •
Có một số vật dụng trong nhà tuy gần gũi nhưng lại là mối đe dọa rất lớn cho sức khỏe nếu không được quản lý đúng cách. Một số chuyên gia đã tiết lộ 6 món đồ gia dụng thông thường có thể khiến mọi người mắc bệnh.
1. Chảo chống dính
Mặc dù chảo chống dính rất tiện lợi nhưng điều quan trọng là bạn cần nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn của nó đối với sức khỏe. Khi chúng quá nóng hoặc bị trầy xước, lớp phủ hóa học trên chảo có thể bắt đầu xuống cấp và bong tróc, khi này sẽ thải ra các chất độc hại vào không khí hoặc thực phẩm.
Lớp phủ của chảo chống dính thường được làm bằng nhựa polytetrafluoroethylene, tuy nhiên loại chất này lại giải phóng ra rất nhiều khí độc khi gặp nhiệt độ cao.
Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, hãy tránh làm nóng chảo chống dính ở nhiệt độ quá cao mà không có thức ăn và thay chảo nếu có dấu hiệu trầy xước. Ngoài ra nếu có điều kiện, bạn hãy cân nhắc tới việc mua chảo có chất liệu cao cấp hơn như chảo inox chống dính tự thân, chảo chống dính chất lượng cao, chảo inox đúc nguyên khối, chảo sứ, chảo thủy tinh… Việc lựa chọn một chiếc chảo chất lượng cao và bền bỉ có thể giúp bạn giảm thiểu cả chi phí thay chảo mới lẫn rủi ro tiếp xúc với các chất độc hại.
2. Điện thoại di động
Cuộc sống hiện đại gần như không thể tách rời khỏi điện thoại di động, nó có thể được sử dụng ngay cả trong nhà bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh… điều này khiến chúng có nguy cơ lây lan rất nhiều vi khuẩn có hại. Những thiết bị điện tử này có thể chứa nhiều mầm bệnh, bao gồm cả virus E.coli hoặc virus cúm.
Nếu mọi người không rửa tay trước và sau khi sử dụng điện thoại di động hoặc khi chuẩn bị thức ăn, các thiết bị này có thể lây lan vi khuẩn sang thực phẩm hoặc các bề mặt khác, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho mọi người.
Điều quan trọng là phải vệ sinh các thiết bị này thường xuyên, đặc biệt là khi mọi người đang sử dụng chúng ở những khu vực có nguy cơ cao. Bạn có thể dùng khăn thấm cồn sát trùng 70% rồi lau nhẹ các thiết bị, nhưng tránh quá ướt có thể gây hư hỏng thiết bị.
3. Hộp nhựa thực phẩm
Nhiều người sử dụng hộp nhựa trong nhà bếp để đựng thức ăn, tuy nhiên một số hộp nhựa chất lượng thấp có thể thải ra các hóa chất như bisphenol A và phthalate vào thực phẩm, đặc biệt là khi đun nóng.
Những hóa chất này khi vào cơ thể sẽ xâm nhập vào hệ thống nội tiết và ảnh hưởng đến sự tiết hormone bình thường, từ đó dẫn đến các rối loạn phát triển, các vấn đề về hệ sinh sản, bệnh thần kinh và các rối loạn miễn dịch. Do đó để tránh những rủi ro này, tốt nhất bạn nên sử dụng hộp đựng thực phẩm bằng gốm sứ hoặc thủy tinh.
Ngoài ra, không nên cho hộp nhựa không dán nhãn an toàn vào lò vi sóng để giảm nguy cơ giải phóng hóa chất độc hại.
4. Chất tẩy rửa kháng khuẩn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất tẩy rửa kháng khuẩn không tốt hơn xà phòng truyền thống trong việc ngăn ngừa bệnh tật, nhưng các thành phần trong những chất tẩy rửa này như triclosan và triclocarban lại có thể tạo ra tình trạng kháng kháng sinh. Hơn nữa tình trạng này còn liên quan đến các bệnh như viêm da.
Mặt khác, các chất này có thể gây ô nhiễm nguồn nước trong môi trường và ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh. Vì vậy mọi người nên cẩn thận khi sử dụng chất tẩy rửa kháng khuẩn và lựa chọn những sản phẩm chứa ít thành phần này hoặc hãy sử dụng các sản phẩm tẩy rửa truyền thống.
Người phát ngôn của Plumbworld cho biết sử dụng dung dịch giấm trắng và nước là một chiến lược hiệu quả để đảm bảo bề mặt sạch sẽ và không tạo ra hiện tượng kháng kháng sinh. “Việc thêm các loại tinh dầu như cây trà hoặc hoa oải hương không chỉ làm tăng khả năng làm sạch của các hỗn hợp tự chế này mà còn để lại mùi hương tươi mát, khiến quá trình làm sạch trở nên thú vị hơn”.
Người phát ngôn cũng cho biết, việc lựa chọn các phương pháp làm sạch tự nhiên và thân thiện với môi trường không chỉ giúp mọi người có cuộc sống khỏe mạnh hơn mà còn rất thân thiện với môi trường tự nhiên.
5. Miếng rửa chén
Miếng rửa chén là nơi chứa một lượng vi khuẩn khổng lồ. Đặc biệt là miếng rửa chén bằng bọt biển với khả năng tạo bọt nhiều. Theo số liệu thống kê từ một nghiên cứu, với mỗi cm trên miếng rửa có thể chứa khoảng 45 tỷ vi khuẩn. Ngoài ra nhiều người còn có thói quen dùng miếng rửa chén để cọ lại bồn rửa chén, điều này khiến chúng trực tiếp lây nhiễm thêm nhiều vi khuẩn có thể gây viêm màng não.
Để đảm bảo an toàn, hãy vứt bỏ miếng rửa chén khi đã sử dụng sau 1 tháng. Ngoài ra sau khi sử dụng thì nên vệ sinh với xà bông và phơi nắng để đốt vi khuẩn.
6. Tay cầm tủ lạnh
Tay cầm tủ lạnh là một vị trí chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, hành động chạm trực tiếp vào tay cầm để mở và đóng tủ khi cất hoặc lấy đồ ăn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn cùng nấm mốc có thể xâm nhập vào thực phẩm.
Vì vậy bạn nên rửa tay sạch sẽ sau khi sử dụng tủ lạnh và chú ý chùi rửa thật sạch tay cầm tủ lạnh thường xuyên.
Từ khóa sức khỏe vật dụng trong nhà