Nhân sinh không nên cố chấp, đừng coi hết thảy là lẽ đương nhiên
- Hương Giang
- •
Đôi khi trong cuộc sống, điều bạn càng muốn giữ chặt không buông thì lại càng giống như nắm cát trôi khỏi tay không cách nào giữ lại. Còn có đôi khi, dám dũng cảm buông tay, bạn có thể sẽ thấy được một bầu trời đầy những ngôi sao sáng. Cuộc sống là vậy, có những người chủ định chỉ là đi ngang qua, không thể níu giữ. Nhân sinh như một chuyến tàu, có người đi xuôi, lại có người chạy ngược, không nhất định sẽ luôn song hành với bạn. Do đó, không nên quá cố chấp vào người khác, cũng đừng coi hết thảy là lẽ đương nhiên.
Khi 20 tuổi, chúng ta thường lo lắng về cách nhìn của người khác đối với mình. Khi 40 tuổi, chúng ta không quan tâm đến điều đó nữa. Khi 60 tuổi chúng ta phát hiện về cơ bản người khác không nghĩ đến chúng ta. Kỳ thực rất nhiều sự việc phát sinh với chúng ta mỗi ngày, đối với người khác mà nói thì căn bản không có chút ý nghĩa gì.
Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Lý An, một đạo diễn phim người Đài Loan đã từng ba lần đoạt giải Oscar, được phóng viên hỏi rằng: Điều hạnh phúc nhất ở giai đoạn hiện tại của ông là gì? Lý An trả lời: “Khi thấy vợ tôi có thể mỉm cười với mình, dù căng thẳng đến mấy tôi cũng sẽ nhẹ nhõm đi được phần nào, đó chính là hạnh phúc. “
Người phóng viên hỏi có phải vợ ông rất nghiêm khắc không. Lý An vội vàng giải thích: “Vợ tôi là người phụ nữ rất tuyệt. Nhưng khi tôi làm bố, làm trụ cột của gia đình, dù không cần phải nói quá nhiều mà tự nhiên có được sự tôn trọng của họ, vậy nên đây chính là nguyên nhân khiến tôi chưa từng lười biếng.”
Lý An không coi việc người thân tôn trọng mình là lẽ đương nhiên, thậm chí còn cảm thấy biết ơn và có trách nhiệm khi nhận được lòng tôn trọng đó. Từ đó có thể thấy rằng ông hiểu được một đạo lý nhân sinh: trên đời này không có bất cứ thứ gì chúng ta có thể đương nhiên mà có được.
Cuộc sống hiện tại có rất nhiều người luôn đặt bản thân trong mối quan hệ hôn nhân, con cái, tình cảm ở vị trí quá cao. Họ cho rằng khi mình làm một người chồng, thì người vợ đương nhiên phải có trách nhiệm chăm sóc mình. Khi mình làm một người cha, thì đương nhiên con cái phải tôn trọng. Khi ở trong tình yêu, người kia đương nhiên phải yêu mình.
Nhưng kỳ thực nhân sinh không phải là như vậy, không có điều gì là lẽ đương nhiên. Tô Đông Pha từng nói: “Cho dù người khác có mối quan hệ thân thiết với mình thế nào, thì chúng ta cũng nên nhận thức được họ là đứng từ góc độ của bản thân họ mà đối đãi sự việc, chứ không phải ở góc độ của bạn mà đối đãi sự việc.”
Vậy nên, đối đãi với bất kỳ mối quan hệ nào cũng nên giữ một “trái tim khiêm tốn”, không nên xem trọng bản thân, không nên quá nhấn mạnh vào việc mình đáng phải được điều này hay điều khác. Khi chúng ta không quá kỳ vọng vào mỗi mối quan hệ, thì ngược lại có thể cảm nhận được rất nhiều điều hạnh phúc, lại có thể nảy sinh lòng biết ơn: Vốn dĩ nghĩ rằng anh ấy sẽ không giúp tôi, nhưng không ngờ anh ấy đã giúp đỡ, thật mừng quá… Kỳ thực anh ta không cần phải tốt với tôi thế, nhưng anh ấy lại nguyện ý chăm sóc tôi, tôi cũng nên nỗ lực chăm sóc anh ấy một chút…
Cuộc sống luôn công bằng. Có thể người bạn giúp đỡ không nhất định lại là người trả ơn bạn, nhưng bạn sẽ nhận được điều tốt đẹp từ người khác. Làm người, không nên tự đặt bản thân ở vị trí quá cao, khi bạn buông bỏ tự ngã, con đường phía trước sẽ càng rộng mở hơn. Nhân sinh không nên cố chấp, đừng coi hết thảy là lẽ đương nhiên. Thời khắc giữ trọn một trái tim khiêm tốn có thể khiến bạn sống vui vẻ một đời.
Hương Giang
Xem thêm:
Từ khóa mối quan hệ nhân cách triết lý nhân sinh