Những lưu ý quan trọng cần ghi nhớ khi xem biểu diễn nghệ thuật tại các nhà hát lớn
Những chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các nhà hát lớn luôn có sức hút rất lớn đối với mọi người. Ánh đèn sân khấu, tinh hoa của nghệ thuật luôn để lại những khoảnh khắc đáng nhớ mỗi lần chúng ta đến tham dự.
Với những buổi biểu diễn nghệ thuật đầy tính hàn lâm như thế thì không phải ai trong chúng ta cũng có thể thích ứng khi tham gia. Với cảm giác tuyệt vời, phấn khích khi được tìm hiểu về các nhà soạn nhạc và lịch sử của buổi biểu diễn mà bạn sẽ tham gia… nếu bạn chưa từng trải nghiệm qua việc tham dự một buổi trình diễn với quy mô lớn thì có thể bạn sẽ khá căng thẳng và lúng túng.
Hãy dành thời gian để làm quen với các nghi thức khi tham gia một buổi trình diễn nhạc giao hưởng hoặc nhạc kịch tại các nhà hát lớn, để có thể thưởng thức một cách trọn vẹn các tác phẩm nghệ thuật này.
Tìm hiểu về Nhạc giao hưởng
Nhạc giao hưởng, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa là hòa hợp âm hưởng. Là những tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trong một phòng hòa nhạc lớn. Mỗi loại nhạc cụ trong dàn nhạc có một âm sắc riêng. Khi thưởng thức thể loại này, nhờ vào cách kết hợp, pha trộn nhiều âm sắc của các loại nhạc cụ, mà người thưởng thức sẽ cảm nhận được sự phong phú muôn màu muôn vẻ của tác phẩm. Nhạc giao hưởng gồm có các loại: liên khúc giao hưởng (còn gọi là bản giao hưởng), tổ khúc giao hưởng, concerto, ouverture, thơ giao hưởng, những khúc rhapsodie và fantaisie giao hưởng…
Nhạc giao hưởng đầu tiên xuất hiện trong nhạc kịch của Alessandro Scarlatti (1660-1725) thuộc trường phái Naples của Ý. Khi đó, giao hưởng là khúc nhạc mở màn cho nhạc kịch với cấu trúc gồm 3 chương tương phản: nhanh – chậm – nhanh (presto – adagio – presto). Tuy nhiên, Joseph Haydn (1732-1809) – nhạc sĩ thiên tài người Áo – mới được coi là cha đẻ ra bản giao hưởng viết cho dàn nhạc biểu diễn độc lập. Những tác phẩm giao hưởng của ông thường có từ 3 đến 4 chương tương phản sử dụng liên khúc sonata, trong đó có một chương viết ở hình thức sonata.
– Chương một thường viết ở nhịp độ nhanh và cấu trúc hình thức sonata nên thường gọi là chương sonata allegro. Đây là chương trung tâm tư tưởng của tác phẩm, với các chủ đề âm nhạc tương phản nhau tạo ra sự kịch tính trong quá trình phát triển.
– Chương hai thường tương phản với chương một, có nhịp độ chậm, trữ tình, diễn tả những cảm xúc suy tư, sâu lắng trong thế giới nội tâm của con người.
– Chương ba với nhịp độ nhanh, diễn tả những cảm xúc vui tươi, nhảy múa, liên quan đến cảnh trí sinh hoạt, hội hè. Tính vũ khúc được xây dựng từ chất liệu âm nhạc của Menuet – điệu nhảy cung đình Pháp – nên còn gọi là chương Menuet.
– Chương bốn (kết) được diễn tấu với nhịp độ rất nhanh, có chức năng tổng hợp và tạo tính thống nhất cho toàn bộ tác phẩm, thường được xây dựng ở hình thức sonata hoặc rondo sonata. Phần lớn chương này, nội dung của nó thường miêu tả những bức tranh ngày hội của quần chúng.
Thông thường thành phần của dàn nhạc giao hưởng gồm 4 bộ nhạc cụ: bộ dây (violin I, violin II, viola, cello, contrebass, còn gọi là double bass); bộ gỗ (flute, oboe, basson); bộ đồng (french horn, trumpet, thỉnh thoảng trong một số tác phẩm, có sử dụng thêm trombone); bộ gõ: 2 timpani. Dàn nhạc giao hưởng cũng được phân làm hai loại: dàn nhạc nhỏ và dàn nhạc lớn. Căn cứ vào số lượng nhạc cụ hơi tham gia dàn nhạc để người ta bố trí các nhạc cụ khác cho phù hợp.
Có thể thấy rằng thế kỷ 18, trong lịch sử âm nhạc châu Âu, nghệ thuật giao hưởng được định hình và phát triển mạnh mẽ, để lại cho nhân loại những tác phẩm giao hưởng có thể coi là khuôn mẫu cổ điển để các nhạc sĩ lớp sau kế thừa và phát triển. Trong các tác phẩm giao hưởng giai đoạn này, thường toát lên niềm tin vào cuộc sống, những ước mơ khát vọng về một tương lai tươi sáng.
>> Bạn đã thật sự biết cách dùng bữa tối tại các nhà hàng sang trọng?
Những qui tắc cần lưu ý khi tham dự một buổi biểu diễn
1. Thời gian đến tham dự
Thông thường nhà hát sẽ mở cửa trước giờ biểu diễn từ 60 đến 90 phút và khán giả nên đến trước ít nhất là 30 phút để ổn định chỗ ngồi và tìm hiểu hoàn cảnh của nhà hát cũng như các tiện ích khác.
2. Đối với điện thoại và các thiết bị điện tử
Chuyển sang chế độ im lặng hoặc tắt tất cả các thiết bị điện tử mà bạn mang theo bên mình để không làm ảnh hưởng đến buổi trình diễn do âm thanh phát ra từ chúng. Thật là một điều kinh khủng khi một khúc nhạc du dương bị phá vỡ bởi tiếng chuông điện thoại, thậm chí cả khi tiếng chuông điện thoại đó là nhạc Mozart hay gì đi nữa.
3. Trang phục
Điều này tùy thuộc vào quy mô của từng buổi hòa nhạc. Tuy nhiên, cũng có những quy tắc chung cho trang phục khi đến nhà hát. Khán giả thường mặc những trang phục trang trọng, do đó bạn sẽ bị xem là thiếu lịch sự nếu hiện diện trong trang phục quần jean, áo thun và giày thể thao.
Đối với nam giới, complê đen, áo sơ-mi trắng và cà-vạt là trang phục phù hợp nhất. Nữ giới có thể mặc váy dạ hội, tại những buổi trình diễn, một bộ váy đen tuyền kết hợp với chuỗi hạt ngọc trai dài luôn là chuẩn mực phù hợp.
Nếu bạn đến tham dự đêm biểu diễn mở màn ở một nhà hát kịch cổ điển, trang phục trang trọng là bắt buộc. Nam giới thường mặc trang phục “Black Tie” (áo tuxedo thường được ưu tiên) hoặc “White Tie”, hoặc áo đuôi tôm. Phụ nữ có thể chọn váy dạ hội dài hoặc ngắn, nhưng váy dạ hội dài được xem là trang trọng hơn phụ kiên đi kèm với trang phục này thường là găng tay.
Đừng nên mặc một bộ complê hoặc váy đầm quá nhỏ so với kích thước của mình vì bạn sẽ phải ngồi trong một thời gian dài và sẽ thấy không thoải mái trong những bộ trang phục bó sát cơ thể. Một lưu ý nữa, không đội mũ quá to che mất tầm nhìn và làm ảnh hưởng đến những người ở phía sau bạn.
4. Vị trí ghế ngồi
Nếu chỗ ngồi của bạn nằm giữa khán phòng, tốt hơn cả bạn nên vào chỗ sớm hơn để không gây ảnh hưởng đến những người ngồi xung quanh. Nếu ngồi ở khu vực khác lô ghế, hãy nâng ghế của bạn lên khi không ngồi nữa, để thuận tiện cho những người phải di chuyển trong hàng.
Hãy nói “Xin thứ lỗi” khi đi ngang qua trước mặt người khác nếu bạn cần di chuyển. Khi phải rời khỏi vị trí, người châu Âu có cách đi ngang qua trước mặt người khác rất lịch sự, họ xoay mặt hướng về những người họ đang đi ngang qua, thay vì quay lưng lại.
5. Trong buổi biểu diễn
Trong suốt buổi diễn, không nên gây bất kỳ tiếng ồn nào, không nhỏ to tâm sự với người đi cùng. Nên chú ý đến tư thế ngồi, tuyệt đối không gác chân lên ghế hay dạng chân rộng ra. Không nhấp nhổm trên ghế, đung đưa đầu ra trước và sau, hoặc nhịp chân, bất kể bạn đang thấy thoải mái thế nào, hoặc bất kể bạn đang rung động trước giai điệu của bản nhạc ra sao.
Hãy yên lặng! Nếu bạn bị ngứa ngáy, hãy cố gắng đừng gãi hoặc nếu không kìm được thì cũng nên kín đáo không được hành xử quá lộ liễu. Nếu bạn bị cảm, hãy cố nhịn xuống cơn ho và tuyệt đối không xịt mũi. Bất kể bạn thấy khó chịu thế nào, cũng đừng bao giờ tháo đôi giày của bạn ra khỏi chân. Không sử dụng tờ chương trình làm quạt hoặc làm dụng cụ gõ. Tránh lia ống nhòm vào những người xung quanh. Không sử dụng đèn pin để đọc chương trình.
Những thính giả cố nói chuyện trong khi khúc mở đầu được trình diễn thì luôn được đánh giá là những người thiếu kiến thức vì khúc dạo đầu là một phần của vở nhạc kịch, không phải là thời điểm “điều chỉnh” cho các đoạn chỉnh âm hoặc cơ hội để gây chú ý với với người gần nhất!
Không nên ăn quá nhiều trước buổi diễn. Bạn sẽ phải ngồi trong một thời gian dài và sẽ thấy thoải mái hơn nếu không ăn quá nhiều. Trước giờ mở màn, không nên uống quá nhiều thức uống có cồn, nếu bạn không muốn phải đi vệ sinh trước khi khúc mở màn kết thúc, cũng như ngủ gục ở những đoạn quan trọng. Một lưu ý quan trọng là tuyệt đối không mang đồ ăn vặt vào khán phòng.
Không vào hoặc ra khỏi hội trường trong khi một buổi biểu diễn đang diễn ra. Những nhân viên hướng dẫn trong nhà hát sẽ đứng tại lối vào và lối ra, và họ sẽ chỉ đường cho bạn. Nếu bạn phải rời khỏi chỗ ngồi của mình, cố gắng đi nhanh và lặng lẽ, tiến tới cửa gần nhất hoặc nếu cần, yêu cầu người trợ giúp gần nhất.
>> Sức mạnh hàn gắn thân tâm diệu kỳ của “đức âm nhã nhạc” (video)
6. Vỗ tay
Đừng bao giờ vỗ tay cho đến khi nốt nhạc cuối cùng kết thúc, dù bất kể điều gì diễn ra trên sân khấu! (Qui tắc tương tự được áp dụng với các chương trình ba-lê, nhạc kịch và nhạc thính phòng). Không vỗ tay cho các cảnh hoặc màn chào sân của nghệ sĩ tên tuổi bởi đó được coi là hành động vụng về.
Nếu bạn không chắc chắn, hãy làm theo những người xung quanh. Thông thường chúng ta sẽ vỗ tay khi nhà biên đạo hoặc những nghệ sĩ violin ở hàng ghế đầu trong dàn nhạc vào sân khấu cũng như khi người chỉ huy dàn nhạc bước vào. Trong trường hợp đó là một tác phẩm dài với nhiều đoạn riêng lẻ thì bạn có thể vỗ tay sau khi kết thúc một đoạn hoàn chỉnh, bạn có thể xác định những đoạn này thông qua tờ chương trình. Ngoài ra, các ghi chú của chương trình sẽ giúp bạn theo dõi tiến trình của dàn nhạc thông qua từng phần.
7. Thời gian tạm nghỉ giữa giờ
Trong giờ giải lao, bạn nên dành thời gian này để vào nhà vệ sinh, có thể ăn nhẹ một ít hoặc đến chào hỏi với những người quen cùng tham dự buổi hòa nhạc. Bạn nên chú ý thời gian để trở lại chỗ ngồi của mình, một số khán phòng có đèn hiệu nhấp nháy để báo hết thời gian giải lao hoặc cửa có thể mở lại để đón khán giả trở lại chỗ ngồi.
8. Khi hạ màn
Các nghệ sĩ sẽ bước ra chào khán giả theo thứ tự và người bước ra sau cùng chính là ngôi sao của buổi biểu diễn. Với những buổi diễn thật xuất sắc, bạn hãy đứng dậy và vỗ tay. Người nghệ sĩ đã rất cố gắng để trình diễn và họ hoàn toàn xứng đáng nhận được sự trân trọng từ khán giả.
Bạn có thể tặng hoa cho nghệ sĩ khi chương trình kết thúc. Nhưng hãy đến khu vực gần hậu đài, không nên tự tiện bước vào khu vực trang điểm dành cho nghệ sĩ. Còn nếu đó là chương trình diễn kịch, bạn có thể đến gần sân khấu và tặng hoa cho diễn viên.
Cùng thưởng thức một bản nhạc của Đoàn nhạc giao hưởng danh tiếng thế giới Shen Yun (Shen Yun Symphony Orchestra):
Minh Nguyệt
Xem thêm:
Từ khóa biểu diễn nghệ thuật nhà hát Opera nghệ thuật giao tiếp bộ quy tắc ứng xử quy tắc ứng xử