Một người TQ nói về giáo dục Nhật Bản (P3): Giữ gìn truyền thống
- Tâm Di
- •
Trung Quốc hiện giờ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mức sống đã được nâng cao rất nhiều, nhưng ngược lại đã mất đi rất nhiều thứ quý giá. Tôi sống ở Trung Quốc mấy chục năm, đã không còn biết cái gì là văn hoá truyền thống nữa, lúc đó luôn cảm thấy rằng những thứ tân thời mới là tốt nhất…
Nhật Bản có khoa học kỹ thuật rất phát triển, mức sống và các cơ sở vật chất xã hội cũng là đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhưng họ vẫn giữ lại văn hoá truyền thống học được từ Trung Quốc cổ đại. Sau khi tôi đến Nhật sống mới dần dần hiểu ra rằng chính là văn hoá truyền thống đã mang lại sức mạnh cho người dân ở đây.
“Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” đều được người Nhật Bản kế thừa hoàn chỉnh. Những người Trung Quốc đến đây đều cảm thấy thích Nhật Bản, bởi vì ở đây họ thấy quá khứ của Trung Quốc. Những thứ trước kia là lễ nghi ở Trung Hoa, hiện giờ là thứ thường ngày ở Nhật Bản.
Một lần tôi đưa con gái đến công viên chơi, cũng có nhiều bạn nhỏ khác cùng chơi cát. Lúc mọi người chuẩn bị tạm biệt nhau về nhà, trong đám trẻ có một bé chỉ khoảng 1 tuổi, vẫn chưa nói được, nhưng khi được mẹ gợi ý, cũng hướng về phía mọi người cúi chào. Con tôi lúc đó vẫn không thể chú trọng lễ tiết như vậy. Không thể không cảm thán cách giáo dục của Nhật Bản: từ khi còn là một đứa trẻ cho đến tận khi tốt nghiệp đại học, đều được bố mẹ và giáo viên dạy cho dùng Lễ đối đãi với mọi người.
Sau khi trẻ em đi nhà trẻ mẫu giáo ở Nhật thì bắt đầu được học các lễ đơn giản như là: chào buổi sáng, chào tạm biệt, cám ơn, cám ơn trước và sau bữa ăn, chúc ngủ ngon, v.v.. Lên đến tiểu học, mỗi sáng đều có hướng dẫn về lễ nghi. Bên cạnh các tiết học văn hoá thì giáo dục về đạo đức, thành tín và lòng biết ơn cũng được chú trọng. Mỗi lần tôi đến trường gặp giáo viên hỏi chuyện, giáo viên luôn hỏi tôi là con tôi ở nhà có giúp đỡ việc nhà không – việc này làm tôi cảm động vô cùng.
Càng khó quên hơn, là lúc tốt nghiệp tiểu học, mỗi học sinh đều làm tặng gia đình một phần lễ vật và viết một lá thư cảm ơn để tại buổi lễ tốt nghiệp tự mình gửi đến bố mẹ. Hiệu trưởng phát biểu rằng: “Hy vọng rằng các học sinh có thể duy trì lòng biết ơn, không nên quên bố mẹ 6 năm nay đã vất vả chăm sóc”. Tôi và nhiều bậc phụ huynh khác đã rơi nước mắt.
Ở Nhật Bản, từ cấp trung học, thì đối với việc “tôn sư trọng trưởng” là vô cùng nghiêm túc: đối với giáo viên và hiệu trưởng thì đều dùng kính ngữ. Học sinh cũng phải học Đường Thi, Tống Từ, và những điều như “Luận Ngữ” của Khổng Tử. Con gái tôi cũng thể hiện rõ sự trưởng thành, hay nói với tôi rằng không nên làm như thế này vì sẽ làm tổn thương người khác, không nên nói thế kia vì thế là không tôn trọng người khác.
Một lần tôi cùng con gái đến trường gặp giáo viên, giáo viên hỏi rằng con gái tôi ở nhà tình hình học tập thế nào, tôi nói: “Khoảng mỗi ngày một giờ”. Con gái tôi nhanh chóng nói: “Con không có học một giờ, chỉ khoảng 30 phút thôi, mà cũng không phải đến mức mỗi ngày”. Tôi cảm thấy xấu hổ và nói: “Là tôi nhớ sai rồi”. Sau khi về đến nhà, con gái tôi nói: “Mẹ, người Nhật thì vô cùng khiêm nhường khi nói chuyện, mà mẹ cũng có lúc nào thấy con học hàng ngày đâu?…”.
Tôi cứ thế bị con trẻ trong nhà “giáo dục” trong một thời gian dài, cũng ý thức ra rằng: Hình thức giáo dục của Trung Quốc hiện đại quả thật là không thể hoà nhập với xã hội Nhật Bản, phải học lại một lần nữa. Trong công việc, tôi học tập người Nhật về cách đối nhân xử thế, cũng thường xuyên khiêm tốn cùng với các con “thỉnh giáo”, sau vài năm thì cuối cùng cũng thể hội được sự bác đại tinh thâm của văn hoá truyền thống Trung Quốc cổ xưa, cũng như sự độc đáo trong văn hóa Nhật Bản hiện tại.
Lại một lần, tôi cùng con gái đến thăm một trường cấp 3 tư nhân, hiệu trưởng nói với chúng tôi về hai tôn chỉ của trường: “Chúng tôi chỉ mong học sinh thể biết cảm ơn và giữ gìn giờ giấc, hai điều này đối với cả cuộc đời trong tương lai của bọn trẻ là vô cùng trọng yếu”. Tôi nghĩ một thời gian rồi cùng hiểu ra: Hiệu trưởng không yêu cầu các học sinh ở trường phải học để đạt được thành tích, hay là để đỗ đại học, chỉ yêu cầu học sinh đạt được lòng biết ơn với người xung quanh và nghiêm túc với việc sử dụng thời gian, bởi vì chỉ có học thành được cách cư xử với bản thân, thì mới có thể đem tài năng áp dụng vào mục tiêu trong cuộc đời. Một dân tộc, một quốc gia nếu có thể duy trì văn hoá truyền thống thì từ trong lễ nghi sẽ sinh ra tài năng.
- Xem phần 4
Tâm Di
Xem thêm:
- Thiếu đi chính khí hạo nhiên, Trung Hoa mộng sẽ chỉ là ác mộng
- Nhà tâm lý học ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lý giải ý nghĩa cuộc sống
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Nhật Bản Giáo dục Trung Quốc Giáo dục Nhật Bản Văn hóa ứng xử