Tại sao chúng ta cần tạm ngừng sử dụng mạng xã hội?
- Minh Minh
- •
Bạn đã bao giờ muốn nằm nghỉ ngơi một lúc cho khỏe, nhưng rồi lại với tay lấy chiếc điện thoại và liên tục kiểm tra các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter…? Và cuối cùng là bạn cảm thấy mệt bơ phờ vì chẳng được nghỉ ngơi chút nào cả.
Trên thế giới hiện có khoảng 3,96 tỷ người đang sử dụng mạng xã hội. Chúng ta dành trung bình 144 phút cho các loại ứng dụng mạng xã hội mỗi ngày.
Vì mạng xã hội là nơi vô cùng hấp dẫn và khiến bạn bị nghiện, vậy nên bạn buộc phải học cách tạm rời xa chúng.
1. Tại sao phải tạm rời xa mạng xã hội?
Theo Neha Chaudhary, bác sĩ y khoa, bác sĩ tâm thần trẻ em và vị thành niên tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard cho biết, nếu nhìn từ khía cạnh sức khỏe, mạng xã hội là một con dao hai lưỡi. Một mặt, mạng xã hội giúp chúng ta kết nối với nhau, chống lại sự cô đơn. Điều này có thể tốt cho sức khỏe của chúng ta bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự cô lập và cô đơn trong xã hội có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người. Nhưng mặt khác, các phương tiện truyền thông xã hội là nơi khiến chúng ta liên tục so sánh, đưa ra bình luận tiêu cực, đe dọa lẫn nhau… tất cả đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hạnh phúc của mỗi người.
Rõ ràng sử dụng mạng xã hội không phải là bài tập thể dục được các chuyên gia gợi ý, người dùng rất ít vận động. Bên cạnh đó, việc liên tục trò chuyện với bạn bè trên mạng ảo sẽ làm bạn gắn liền với các thiết bị công nghệ (laptop, điện thoại) và dần dành ít thời gian cho thế giới thực. Mạng xã hội còn gây ra cảm giác căng thẳng, lo lắng, trầm cảm nếu bạn cứ mải so sánh cuộc sống của mình với người khác.
Katara McCarty, người tạo ra ứng dụng EXHALE, cho biết: “Nói về sức khỏe tâm thần, [mạng xã hội] gây ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chúng ta, khiến chúng ta so sánh bản thân với những bức ảnh đã qua chỉnh sửa và cuộc sống có vẻ hoàn hảo. Nếu dành hàng giờ liền cho mạng xã hội, chúng ta sẽ không có thời gian chăm sóc cơ thể và tận hưởng cuộc sống bên ngoài mạng xã hội”. Nếu muốn mạng xã hội mang đến sự tích cực, bạn phải tự nhận thức được cách bản thân đang sử dụng nó. Nghĩa là bạn phải biết khi nào cần nghỉ ngơi và hướng sự chú ý sang việc khác.
2. Những dấu hiệu cho thấy bạn nên tạm dừng sử dụng mạng xã hội
Bạn không còn thấy vui nữa. Các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter là nơi thuận tiện và thú vị giúp bạn kết nối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Nếu một ngày bạn không tìm thấy niềm vui hay sự kết nối với mọi người nữa, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần nghỉ ngơi.
Bạn đang so sánh mình với người khác. Katara McCarty cho rằng, nếu bạn cảm thấy mình không đủ giỏi, không đủ xinh hoặc không đủ thành công trong lúc xem bản tin thì hãy rời khỏi mạng xã hội. Nếu mạng xã hội khiến bạn tự ti về bản thân, thì rõ ràng đó không phải nơi nuôi dưỡng năng lượng tích cực cho bạn.
Bạn cảm thấy vô cảm. Hiện tượng này xảy ra khi bạn liên tục kéo bảng tin để cập nhật các tin tức nóng hổi nhất nhưng chính bản thân bạn không nhận ra mình đang làm điều này. Cho đến một thời điểm bạn nhận ra mình đã ngồi quá lâu trước màn hình máy tính.
Mạng xã hội là thứ bạn nhìn thấy cuối cùng trước khi đi ngủ. Thói quen này có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Ánh sáng xanh từ điện thoại sẽ ngăn chặn hoạt động của hormone chịu trách nhiệm kiểm soát giấc ngủ, melatonin. Ánh sáng xanh là màu nhân tạo bắt chước ánh sáng ban ngày, cơ thể bạn tưởng lúc đó đang là ban ngày nên sẽ nạp đầy năng lượng cho bạn. Kết quả là chất lượng giấc ngủ ban đêm của bạn ngày càng đi xuống.
Đối với bạn, mạng xã hội chuyển từ trạng thái “tốt khi sử dụng” sang “nhất định phải sử dụng”. Nếu bạn dùng mạng xã hội như một công cụ kết nối lành mạnh với mọi người thì đó là thói quen tốt. Nhưng nếu bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng, đau khổ khi không được kéo bảng tin, hãy rời xa mạng xã hội một thời gian.
3. Làm cách nào để tạm ngừng sử dụng mạng xã hội?
Cho dù bạn biết rằng mạng xã hội đang gây hại cho sức khỏe, thực sự rất khó để ngay lập tức không sử dụng nó nữa. Đối với nhiều người, việc kéo bảng tin giống như một hành động kích thích gây nghiện và cần ý chí sắt đá mới phá bỏ được thói quen này. Bác sĩ Chaudhary gợi ý bạn nên nhờ người thân hoặc bạn bè giúp đỡ. Đồng thời khi đã quyết tâm tạm nghỉ khỏi mạng xã hội, bạn cần vạch ra mục tiêu rõ ràng sắp tới sẽ làm gì để không bị phân tâm.
Tắt thông báo từ các nền tảng: Khi nhận được thông báo “thích” hoặc “bình luận” trong một bài đăng, cơ thể bạn sẽ nhận được “kích thích xã hội tích cực và dòng dopamine”. Kích thích này sẽ dẫn đến giải phóng dopamine (giống như việc sử dụng ma túy). Lượng dopamine tích cực này gây ra cảm giác nghiện và khiến bạn khó tránh khỏi mạng xã hội. Tiếng thông báo “ting ting” có thể làm bạn mất tập trung, dễ phá lệ kiểm tra một lần rồi mải mê sử dụng luôn cả tiếng đồng hồ. Vì thế nếu muốn rời xa thế giới ảo bạn nên tắt hẳn thông báo.
Ưu tiên chăm sóc bản thân: Bạn hãy thay thế mạng xã hội bằng các hoạt động nâng cao tâm trạng, sức khỏe thiết thực hơn. Bất cứ khi nào có cảm giác muốn kiểm tra bảng tin, bạn hãy chuyển sang các hoạt động như hẹn trực tiếp với bạn bè, đạp xe, đi bộ, nấu ăn, đọc sách, viết nhật ký…
Để điện thoại xa khỏi tầm tay khi đi ngủ: Làm vậy để bạn không kiểm tra bảng tin vào ban đêm. Khi đã tắt đèn, dù bạn để chế độ đọc sách trên điện thoại thì mắt vẫn bị mỏi, đầu óc căng thẳng và rõ ràng là thời gian sử dụng mạng xã hội sẽ nhanh chóng lên đến vài giờ đồng hồ.
Sử dụng các ứng dụng hạn chế mạng xã hội: Nếu có iPhone, bạn có thể theo dõi thời gian sử dụng các ứng dụng và tự đặt giới hạn sử dụng cho các nền tảng truyền thông xã hội. Katara McCarty nói: “Chiếc iPhone của tôi hiển thị phần trăm sử dụng [các ứng dụng] của tôi so với tuần trước. Vì thế tôi sẽ cố giảm phần trăm mỗi tuần xuống một chút”.
Lọc nội dung trên mạng xã hội: Ngày nay mạng xã hội được sử dụng rất rộng rãi, cắt bỏ hoàn toàn có thể gây ra nhiều sự bất tiện cho bạn. Vấn đề quan trọng là bạn biết cách nghỉ ngơi hợp lý khi thấy bảng tin không đem lại niềm vui cho mình. Bạn nên lọc lại các nội dung đang theo dõi, chỉ giữ lại những trang/người mang đến sự tích cực.
Theo Insider
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Facebook mạng xã hội ảnh hưởng của Mạng xã hội