Tại sao cuộc sống càng đầy đủ thì con người lại càng phiền não?
- Minh Tâm
- •
Đời người vì sao lại có nhiều phiền não đến như vậy? Cuộc sống thiếu thốn thì có nhiều phiền não, thế nhưng khi cuộc sống đã đầy đủ thì phiền não lại càng nhiều hơn. Vậy làm thế nào mới có thể buông bỏ những âu lo và giảm bớt gánh nặng trong tâm đây?
Câu chuyện được kể dưới đây có thể truyền cảm hứng cho bạn.
Có một người đàn ông thường được mọi người gọi là lão Lý. Ông cả nửa đời làm lụng chăm chỉ cuối cùng cũng mua được cho mình một ngôi nhà có sân rất rộng. Ông đã trồng một cái cây to trong sân và sống một cuộc sống nhàn nhã, tự tại.
Một ngày nọ, có người đi ngang qua nhìn thấy cái cây này và nói với Lão Lý: “Lão hãy mau chặt cái cây này đi!”
Lão Lý không hiểu, vội hỏi người ấy: “Tại sao cây tốt như thế lại phải chặt?”
Người ấy nói với ông: “Sân của ông vuông vắn (giống bộ vi 囗). Trong sân có một cái cây (bộ 木). Đây chẳng phải là chữ ‘困’ (khốn) sao?” (nghĩa là khốn khổ, gian nan).
Lão Lý nghe vậy lập tức nhận ra: “Đúng vậy! Đó thực sự là một chữ ‘khốn’.
Sau khi cảm ơn người đàn ông đã chỉ điểm, lão Lý vào nhà lấy rìu đi ra chặt cây, lúc này tình cờ có một người khác đi ngang qua, người ấy vội vàng nói: “Ông đừng chặt cái cây này.”
Lão Lý nghe vậy, buông chiếc rìu trong tay xuống, hỏi: “Tại sao tôi không được chặt?”
Người đàn ông nói: “Nếu chặt cái cây này thì sẽ có một khoảng sân hình vuông (bộ vi 囗) và ở đây chỉ có một người (人) (chỉ Lão Lý). Ông nghĩ xem, đây chẳng phải là chữ ‘囚’ – nhà tù sao?”
Bây giờ, sau khi nghe xong lão Lý rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ai nói cũng có lý, ông không biết phải làm thế nào cả. Trong lúc đang rầu rĩ nghĩ mãi không ra thì tình cờ có một vị Thiền sư đi ngang qua. Lão Lý vội vàng đến xin lời khuyên của vị Thiền sư này.
Lão Lý: “Thưa thiền sư, ngài nhìn cái cây này trong sân nhà tôi xem, nếu tôi chặt nó đi thì sao?”
Thiền sư: “Chặt thì tốt, sau khi chặt xong sân sẽ có đủ ánh nắng, ông có thể tắm nắng.”
Lão Lý lại hỏi: “Vậy nếu tôi không chặt có được không?”
Thiền sư: “Không chặt thì tốt hơn. Không chặt thì hàng ngày ông có thể hưởng bóng mát”.
Sau khi Thiền sư nói xong, lão Lý chợt ngộ ra. Thực ra, mình vốn đã có một cuộc sống rất tốt, nhưng vì quá quan tâm đến ý kiến của người khác nên bản thân mới sinh ra phiền não như vậy.
Suy ngẫm
Trong vũ trụ có một định luật: “Hữu đắc tất hữu thất” (Có được thì phải có mất).
Khi một người không có gì, mối lo lắng duy nhất của họ là liệu có bữa ăn tiếp theo hay không. Và khi con người có nhiều hơn, nỗi lo lắng của họ đương nhiên sẽ tăng lên. Khi bạn nhận được một thứ gì đó, một hoặc nhiều nỗi lo tương ứng sẽ xuất hiện. Chẳng hạn như nếu bạn có một chiếc ô tô, bạn sẽ lo lắng liệu giá xăng có tăng lên hay không và liệu chiếc xe đó có bị mất cắp khi để bên ngoài ngôi nhà hay không.
Vì vậy, một người càng có nhiều thì càng gặp nhiều rắc rối. Nếu như dễ bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác thì cuộc sống của họ sẽ càng khốn khổ hơn.
Có người nói nụ cười của trẻ thơ và nụ cười của người già đều hồn nhiên. Nụ cười trẻ thơ trong sáng là vì lúc đầu đời chưa có cái gì trong tâm; nụ cười người già vô ưu là vì sau khi nhìn thấu cuộc đời, cái gì cũng không xem nặng. Kỳ thực, con người vốn không có lo lắng, nhưng lại có quá nhiều ham muốn nên mới trở thành lo lắng. Vậy nên, thản đãng hơn một chút, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn một chút.
Từ khóa cuộc sống Lo lắng phiền nào thiếu thốn đầy đủ âu lo