Quên những ký ức dư thừa có thể giúp não của bạn ‘gọn gàng’ hơn, khiến bạn đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng tính hay quên cũng là một điều lành mạnh.

tinh hay quen
Các nhà nghiên cứu cho rằng tính hay quên cũng là một điều lành mạnh. (Ảnh minh họa: pathdoc/ Shutterstock)

Tất cả chúng ta đều có thể quên những điều nhỏ nhặt như nơi để chìa khóa, sinh nhật một người bạn, mua bánh ở tiệm tạp hóa, nơi đỗ xe…Danh sách này dường như là vô tận. Các nhà khoa học cho rằng nếu chúng ta đang sử dụng 1/10 trong số 90 tỷ tế bào thần kinh ước tính trong não, thì nhẽ ra chúng ta phải ghi nhớ được 1 tỷ ký ức riêng biệt mới đúng. Vậy thì tại sao chúng ta lại hay quên như thế?

Nếu bạn đang tự trách mình vì tính đãng trí thì hai nhà nghiên cứu từ Đại học Toronto có tin vui cho bạn đây. Họ cho rằng chúng ta không cần phải nhớ hết tất cả mọi thứ vì điều này sẽ giúp chúng ta thích nghi với sự thay đổi tốt hơn. Anthony Wagner, người đứng đầu phòng thí nghiệm Stanford Memory Lab, giải thích rằng: “Nếu bạn không bao giờ quên thì bạn sẽ gặp phải vô số sự can thiệp khiến bạn không thể tìm ra được ký ức nào mới thực sự có ích”.

Sự lãng quên là gì?

Chứng hay quên thông thường khác với chứng mất trí nhớ (mặc dù chứng hay quên tiến triển là dấu hiệu của bệnh mất trí nhớ nghiêm trọng). Theo Trường Y Harvard, hay quên là một phần bình thường của quá trình lão hóa và có hai tình trạng “quên” phổ biến.

– Quên vì lơ đãng: Thường xảy ra do chúng ta không tập trung vào việc gì đó nên quên mất.

– Quên nhất thời: Hiện tượng chúng ta quên đi một số ký ức theo thời gian. Nó được gọi là “sinh học thần kinh của sự quên lãng”.

Sự lãng quên cũng mang lại lợi ích

Ghi nhớ tất cả mọi thứ có thể khiến tâm trí của chúng ta bị quá tải và mất đi khả năng thực hiện những điều chỉnh cần thiết khi gặp hoàn cảnh mới cũng như khả năng tiếp nhận những kiến thức mới. Bên cạnh đó, tính hay quên còn có thể mang đến một lợi ích tuyệt vời hơn: Phát triển khả năng khái quát hóa.

Theo Richards và Frankland, tác giả một nghiên cứu mới về sự bền bỉ và nhất thời của trí nhớ, việc bạn hay quên có thể giúp bạn tăng khả năng khái quát hóa vấn đề. Bộ não cần bỏ đi một số tình huống hoặc ký ức để có thể có được khả năng khái quát hóa. Các nhà khoa học cho biết: “Bạn cần trừu tượng hóa những phần quan trọng nhất và loại bỏ các tiểu tiết. Tính nhất thời giúp tăng cường tính linh hoạt. Bằng cách giảm ảnh hưởng của các thông tin cũ lên việc đưa ra quyết định dựa trên trí nhớ và ngăn chặn việc coi trọng quá mức các sự kiện cụ thể trong quá khứ, quá trình khái quát hóa sẽ tự động được cải thiện”.

Richards và Frankland tiếp tục chỉ ra rằng mục tiêu của trí nhớ không phải là truyền tải thông tin theo thời gian mà là để tối ưu hóa việc ra quyết định. Do đó, tính hay quên thông thường (mang tính nhất thời) cũng quan trọng như tính liên tục trong hệ thống ghi nhớ – thứ giúp chúng ta ghi nhớ dễ dàng hơn. Vậy nên tính hay quên cũng có thể được xem là “lành mạnh”.

Theo Richards, nếu bạn muốn loại bỏ những ký ức dư thừa đang làm tắc nghẽn não thì bạn nên tập thể dục. Hoạt động thể chất có thể làm tăng số lượng tế bào thần kinh ở vùng hải mã – vùng não liên quan mật thiết đến trí nhớ. Vậy điều đó có nghĩa là tập thể dục sẽ khiến chúng ta mất đi một số ký ức? Cậu trả lời là “đúng”. Nhưng Richards nhấn mạnh rằng: “Đó là những ký ức không quan trọng đối với bạn. chúng có thể khiến bạn không thể đưa ra những quyết định đúng đắn”.