Lễ hội vẽ phấn nghệ thuật đường phố Los Angeles với hơn 600 nghệ sĩ trình diễn
- Thanh Mộc
- •
Cuối tuần qua, một lễ hội nghệ thuật bằng phấn độc đáo đã diễn ra tại các khu phố của Pasadena, Los Angeles, Hoa Kỳ. Hơn 600 nghệ sĩ đã dành hàng giờ để tạo ra những bức tranh sống động bằng phấn trên đường phố, như một món quà cho Ngày của Cha năm nay.
Được biết đến như một viện bảo tàng không có tường, vẽ phấn trên đường phố là một loại hình nghệ thuật phổ biến có từ thế kỷ 16.
Khi những người lính rời chiến trường, họ rất cảm kích vì được trở về quê hương để được đoàn tụ với gia đình và những người thân yêu. Vì vậy, họ đã vẽ cảnh cuộc sống của họ trên chiến trường và gửi đến trước bức tượng của Đức Mẹ Đồng trinh trong nhà thờ, cảm ơn Chúa đã cứu họ khỏi bị tử trận trong chiến tranh.
Sau đó, những nghệ sĩ lính này đã vẽ trên đường phố và được gọi là nghệ sĩ đường phố. Họ đi từ thị trấn này sang thị trấn khác để vẽ tranh, sau thì trở thành một cách kiếm sống vào thời điểm đó.
Lễ hội vẽ tranh đường phố thực sự đầu tiên được tổ chức tại London. Vào thời ấy, một số người mù chữ không thể đọc nội dung của tờ báo, và các nghệ sĩ đường phố đã nói với mọi người những gì đang diễn ra thông qua các bức tranh.
Năm 1973, lễ hội vẽ phấn nghệ thuật trên đường phố đầu tiên trên thế giới được tổ chức tại Ý. Lễ hội này sau đó trở nên phổ biến ở châu Âu rồi lan sang Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.
Các nghệ sĩ bước ra khỏi bầu không khí khép kín của sự sáng tạo độc lập và xuất hiện trên đường phố để giao lưu với công chúng. Công chúng cũng rất thích thú khi được nhìn thấy phong cách sáng tạo nghệ thuật của họ khi giao lưu với các nghệ sĩ.
Sau đó, lễ hội vẽ phấn nghệ thuật trên đường phố của Pasadena được tổ chức hàng năm. Năm 2010, các nhà tổ chức đã cố gắng lập kỷ lục Guinness thế giới cho “Triển lãm nghệ thuật vẽ phấn lớn nhất” và cố gắng đưa Pasadena trở thành lễ hội vẽ phấn nghệ thuật trên đường phố lớn nhất thế giới.
Lễ hội lần thứ 29 năm nay được tổ chức vào ngày Chủ nhật 19/6, trùng với Ngày của Cha. Những bức tranh đầy màu sắc không chỉ bày tỏ lòng biết ơn của mọi người đối với những người cha, mà còn thể hiện niềm vui sướng khi cuối cùng cũng có thể thở tự do trên các góc phố, tự do sáng tạo và biết ơn các vị Thần sau đại dịch.
Thể hiện khát vọng từ nội tâm sau khi bỏ phong tỏa
Vào ngày 18 và 19, các nghệ sĩ và khán giả đã cởi bỏ khẩu trang để tận hưởng cảm hứng và niềm hạnh phúc từ lễ hội nghệ thuật truyền thống này trong khu phố. Những viên phấn nhỏ đã vẽ ra đủ các phong cách và các cung bậc tình cảm khác nhau. Một số nghệ sĩ đã đến cùng với gia đình, bạn bè và cùng nhau tạo ra bức tranh của họ.
Cô Bianca Ornelas là một giáo viên mỹ thuật ở trường tiểu học, và tác phẩm vẽ phấn lần này của cô có tên là “In the Market” (ở chợ). Cô cho biết, bây giờ giá cả đang tăng cao và những thứ trong siêu thị rất đắt đỏ, trong bức tranh, cô muốn thể hiện mong muốn của mình với 50 cent giá cả. Cô Ornelas cho biết cô vẽ chợ ở Mexico vì cô sinh ra ở Mỹ và chưa từng về thăm quê hương của mình ở Mexico. Vì vậy cô ấy sử dụng các bức tranh để thể hiện mong muốn khám phá quê hương của mình trong chuyến du lịch Mexico vào tháng tới.
Giáo viên tại One House Arts cho biết sẽ có thêm nhiều trẻ em tham gia vào buổi chiều Ngày của Cha để hoàn thành bức tranh bằng phấn.
Vua hề Sác-lô đi vào tranh vẽ phấn
Một số tác phẩm được vẽ bằng phấn trắng đen phác họa cảnh hoài cổ, đưa con người vào thời phim đen trắng đã qua.
Sác-lô, bậc thầy của sự hài hước, là hình ảnh mà mọi người sẽ không bao giờ quên. Đôi giày da lớn, một con chó được huấn luyện tốt, và với sự trợ giúp của những hình vuông màu xám xi măng trên mặt đất, chỉ với vài nét vẽ đã có thể trải hình ảnh vừa nghiêm túc vừa hài hước của vua hề Sác-lô xuống mặt đường. Bóng bay hình trái tim màu đỏ mang lại năng lượng năng động cho hình ảnh tông lạnh đó.
Một nữ nghệ sĩ dùng phấn để vẽ hình ảnh ngôi sao điện ảnh Marilyn Monroe trên mặt đất. Dù thời thế đã thay đổi nhưng Monroe sẽ luôn là thần tượng của cô.
Một nam nghệ sĩ đã phác thảo ba ngôi sao thần tượng Joe Pesci, Robert De Niro và Ray Liotta bằng phấn đen và trắng; đối với nam diễn viên Ray Liotta, người vừa qua đời vào tháng trước, anh ấy đã dùng những nét vẽ trắng và xám để thể hiện sự tưởng nhớ của mình.
Những bộ phim hoạt hình kinh điển cũng được các nghệ sĩ cũng như khán giả yêu thích. Để tạo thêm niềm vui cho mọi người, hai nghệ sĩ Ruston Harker và Joe Flowers không chỉ trình làng những bức tranh về chuột Mickey mà còn đội những chiếc mũ Mickey để thêm phần thú vị.
Hình ảnh nhân vật hư cấu trong Chiến tranh giữa các vì sao Obi-Wan cũng được thể hiện có chiều sâu qua nét phấn của bàn tay nghệ sĩ.
Các bức vẽ phấn của nghệ sĩ Châu Á
Nghệ sĩ Trung Quốc William Zin đã tham gia Lễ hội vẽ phấn lần thứ 8, lần này, anh mang đến hai tác phẩm là “Thường Nga hối hận vì đã trộm tiên dược” và “Ngọc tiêu thanh thanh vũ đông phong”.
Anh cho biết, hai bức tranh được phác thảo bằng 48 loại phấn, một số phần được pha thêm màu và mất 14 giờ trong 2 ngày để hoàn thành. Anh cho rằng việc có thể giao lưu văn hóa châu Á với khán giả khi vẽ tranh là một điều ý nghĩa.
Cha mẹ của anh William đến từ Thượng Hải, anh sinh ra ở Hồng Kông và lớn lên ở Nhật Bản. Hội họa là một sở thích, nhưng anh cũng học nghệ thuật ở trường đại học và lấy bằng cử nhân.
Trong các tác phẩm trước đây của Lễ hội vẽ phấn, anh đã trình bày các tác phẩm văn hóa truyền thống của Trung Quốc như: Tượng Phật và hoa sen, Tây Du Ký, Chiến binh đất nung, Quan Vũ, Kinh kịch, v.v.
Từ khóa ngày của cha Lễ hội vẽ phấn nghệ thuật trên đường phố Chalk Festival