Vì sao thi thể nổi tiếng nhất đỉnh Everest không được chôn cất trong suốt 20 năm?
- Minh Ngọc
- •
Leo lên đến đỉnh núi Everest cao nhất thế giới là ước mơ của nhiều người leo núi. Dù vậy, trong gần 20 năm qua, mỗi người leo núi theo sườn núi phía Bắc có thể đều sẽ gặp thử thách tâm lý rất lớn: đó là trên con đường lên đến đỉnh Everest ở độ cao 8.500 mét có thi thể của một người leo núi đã nằm yên lặng ở đó suốt 20 năm và trở thành thi thể nổi tiếng nhất đỉnh Everest.
Có rất nhiều người không hiểu được vì sao trong 20 năm qua mà không có ai đưa thi thể người bị nạn này xuống núi, thậm chí cũng không có ai chôn thi thể ấy ở ngay tại chỗ, mà lại để cho người này nằm ở đó không một chút trang trọng nào cả?
Theo thống kê, kể từ lần đầu tiên khi con người leo lên đỉnh Everest, có khoảng 300 người leo núi đã gặp nạn ở nơi rất cao này. Trong đó, có 2/3 thi thể vẫn còn bị chôn vùi trong tuyết, và một trong số đó được gọi là “Green Boots” – đây là thi thể nổi tiếng nhất đỉnh Everest.
Phần thân trên của thi thể này cuộn tròn lại, hai chân duỗi ra, bộ đồ leo núi màu đỏ che khuất khuôn mặt giống như đang nằm nghiêng nghỉ ngơi, người này đã nằm yên lặng như thế suốt 20 năm rồi. Khi lớp tuyết khá mỏng, những người leo núi đều phải bước qua đôi giày bốt có màu xanh dạ quang của anh.
Vì đôi bốt leo núi màu xanh của mình nên thi thể này được những người leo núi đặt tên là “Green Boots”. Đến nay người ta vẫn chưa xác định được chính xác thân phận của người này, bởi vì chưa từng có ai đủ can đảm kéo chiếc áo màu đỏ của anh ta ra thể xem mặt. Nhưng mọi người cho rằng đây là nhà leo núi người Ấn Độ có tên Tsewang Paljor, qua đời vào năm 1996, khi ấy anh 28 tuổi.
Tsewang Paljor là một sĩ quan có thân hình cường tráng thuộc đội cảnh sát biên phòng Ấn Độ, anh lớn lên ở dưới chân núi Himalaya. Ngày 10/5/1996, anh đã trở thành thành viên trong nhóm 6 người Ấn Độ leo lên đỉnh Everest, nhưng không may, họ đã gặp phải trận bão tuyết rất lớn, cơn bão điên cuồng quét qua toàn bộ đỉnh núi khiến Paljor và 2 người khác trong đoàn bị nạn. Hôm đó cũng là ngày đỉnh Everest u ám nhất trong lịch sử, tổng cộng có 8 người leo núi gặp nạn ở sườn núi phía Bắc và phía Nam. Những người may mắn sống sót đã phát hiện ra xác của Paljor khi xuống núi, có thể thấy là khi đó anh đã co người lại bên trong hang đá vôi để tránh bão, nhưng vẫn không thể thoát được.
Kể từ sau ngày hôm đó, xác của Paljor đã luôn giữ ở tư thế ấy, lặng lẽ nằm ở đó suốt 20 năm. Sau này, “Green Boots” đã trở thành một cột mốc nổi tiếng trên đỉnh Everest. Cho đến hai năm liên tiếp 2015-2016, những người leo núi cho biết họ không nhìn thấy “Green Boots” nữa và cho rằng xác của anh đã được đưa về an táng rồi. Nhưng đến năm 2017, các đoàn leo núi lại phát hiện thấy “Green Boots”, lúc này họ mới biết là trước đó xác của anh chỉ bị chôn vùi trong tuyết mà thôi.
Có rất nhiều người không thể hiểu được vì sao một thi thể lại không được đưa về chôn cất trong suốt 20 năm qua? Lý do gì mà có rất nhiều người leo núi đi ngang qua nhưng lại không thuận tiện chôn cất cho anh? Sao lại để xác của một người leo núi nằm ở đó lạnh lẽo như vậy?
Thật ra thì, để di chuyển một thi thể từ nơi có vĩ độ cao như vậy xuống dưới là một việc vô cùng khó khăn và chi phí đắt đỏ.
Các chuyên gia cho biết, để đưa một thi thể xuống núi phải mất đến 40.000-80.000 đô la.
Nếu bỏ qua vấn đề tiền bạc thì còn phải cần 6-8 người Sherpa (người hướng đạo của đội leo núi các nước) mới đưa được thi thể xuống núi. Hơn nữa, khi di chuyển thi thể, rất có thể họ sẽ phải hy sinh tính mạng của mình bất cứ lúc nào.
Cần biết rằng độ cao trên 8.000 mét là “độ cao chết chóc” đối với con người. Khi ở độ cao này, đừng nói đến cử động, ngay cả hô hấp cũng rất khó khăn, thậm chí còn khó mà suy nghĩ được như bình thường, theo lời của những người leo núi thì là giống như bị “say rượu”.
Trọng lượng của một thi thể đông cứng có thể lên đến 150 kg, phải đào lên cùng với băng, sau đó vận chuyển xuống núi, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Có lẽ có người sẽ suy nghĩ, vậy thì chôn tại chỗ cũng được mà. Thật ra thì việc này cũng cần nhiều người leo núi cùng hợp sức lại thì mới thực hiện được. Thế nhưng, đối với những người leo núi vì mục đích thương mại, liệu có bao nhiêu người chịu bỏ tiền, lãng phí thời gian và mạo hiểm để dừng lại chôn cất một người chẳng hề quen biết này?
“Đa số những người leo núi thích ngủ giấc ngủ vĩnh hằng trên núi”
Trên thực tế thì trên đỉnh Everest có đến hơn 300 thi thể những người leo núi, đa số họ đều ở lại trên núi.
Ngoài “Green Boots” nổi tiếng, trên đỉnh Everest còn có “Người đẹp ngủ” nổi tiếng (một người phụ nữ Mỹ qua đời vào năm 1998) được hai người leo núi khác che lại bằng quốc kỳ vào năm 2007. Ở sườn núi phía Nam thì có “Người ngồi trên đất” (một cô gái người Đức leo núi và thiệt mạng vào năm 1979) cũng không được đưa xuống núi v.v…
Chuyên gia leo núi nổi tiếng Alan Arnetta cho biết: “Đa số những người leo núi thích ngủ giấc ngủ vĩnh hằng trên núi. Vì vậy nên việc di dời thi thể của họ sẽ bị xem là hành động không tôn trọng. Trừ phi buộc phải di chuyển thi thể để đảm bảo đường leo núi được thông thoáng hoặc do gia đình yêu cầu.”
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa người leo núi leo núi Everest