Để có một cuộc hôn nhân bền vững thì cần sự xây dựng và duy trì của cả hai người. Bỏ túi 11 nguyên tắc ‘’vàng’’ này để giữ gìn tình cảm từ cái nhìn đầu tiên cho đến vĩnh cửu về sau bạn nhé.

hôn nhân hòa hợp
Cuộc hôn nhân bền vững cần sự xây dựng và duy trì của cả hai người, 11 nguyên tắc ‘’vàng’’ cần nhớ kỹ cho các cặp vợ chồng.  (Ảnh: Pushish Images/ Shutterstock)

Sau khi hôn lễ và tuần trăng mật kết thúc, cuộc sống của hai vợ chồng dần đi vào ổn định, lúc này hai người bắt đầu xây dựng tình cảm và học cách hòa hợp, thấu hiểu. Nhưng người ta nói rằng: “Tương ái dung dịch, tương xử nan”, yêu nhau thì dễ, hợp nhau mới khó. Khi đã về sống chung với nhau một nhà thì nó sẽ không giống như lúc đang còn hẹn hò nữa, thói quen sinh hoạt, tính cách, sở thích, tất cả đều phải bắt đầu dung hợp.

Người ta nói ‘’Tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng’’. Thế nhưng ngày nay hiện tượng ly hôn đang diễn ra rất nhiều. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 60.000 vụ ly hôn mỗi năm. So với tỷ lệ kết hôn là 25%, nghĩa là cứ 4 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Những mâu thuẫn, bất hòa khiến các cặp vợ chồng đi đến quyết định này. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Gia đình là nền tảng của xã hội, là yếu tố căn bản để xây dựng một quốc gia ổn định. Khi đã đi đến quyết định kết hôn, hãy cố gắng hết mình để giữ gìn gia đình hạnh phúc. Thông qua 11 nguyên tắc này, hãy bắt đầu nỗ lực vun đắp cho gia đình của bạn nhé:

1. Đừng đem áp lực công việc về nhà

Con người hiện đại chịu nhiều áp lực trong công việc và họ thường mang cảm xúc tiêu cực đó về nhà một cách không tự biết. Theo thời gian nó có thể phá vỡ mái ấm gia đình của chúng ta.

2. Đừng để một trong hai phải một mình gánh vác

Một số người quan niệm rằng ai kiếm được tiền thì người đó phải có trách nhiệm với gia đình. Chẳng phải mái ấm gia đình là cả hai cùng xây dựng sao, âm dương hòa hợp và nó không phải là trách nhiệm của riêng ai, cả hai đều cùng phải nỗ lực. Nếu chúng ta cứ có tư tưởng này thì gia đình sẽ có nguy cơ tan vỡ tứ bề. 

3. Đừng phân chia công việc quá rạch ròi

Gia đình không phải là một doanh nghiệp, phân công công việc không nên quá rạch ròi, ai có thời gian thì làm thêm một chút, ai mệt thì có thể nghỉ ngơi một chút. Quan trọng là cả hai cùng cảm thấy vui vẻ và thoải mái trong ngôi nhà của chính mình. 

4. Đừng một mình giải quyết khi gặp khó khăn

Khi gia đình xảy ra vấn đề gì, cả hai vợ chồng hãy cùng nhau thảo luận và tìm hướng giải quyết.Tôn trọng ý kiến của nhau. Như thế cả hai sẽ có thêm sự gắn kết và hiểu nhau hơn. 

5. Đừng phân biệt gia đình bên nội và bên ngoại 

Vợ chồng xuất thân từ hai gia đình khác nhau, thành ra từ sâu tận trong lòng có tâm lý ích kỷ, chỉ muốn bảo vệ gia đình của mình và không mở lòng với gia đình của đối phương. Đặc biệt các cặp vợ chồng mới cưới rất dễ mắc phải sai lầm như vậy.

6. Đừng thường so sánh đối phương với người khác giới

Mỗi người là khác nhau, ai cũng có những ưu khuyết điểm riêng của mình, việc so sánh đối phương với người khác giới là một điều không hay. “Chồng sao mà ki bo như đàn bà”, “vợ nói năng gì thô như đàn ông”…. So sánh và đả kích như vậy sẽ khiến người khác cảm thấy bị tổn thương lòng tự trọng. Lâu dần sẽ tạo ra khoảng cách giữa hai người. 

7. Đừng thường xuyên về muộn hoặc ở lại qua đêm bên ngoài

Công việc bề bộn, xã giao nhiều nên chuyện về nhà muộn là chuyện thường tình, điều này là dễ hiểu. Nhưng cần cố gắng thu xếp công việc, nếu xảy ra quá thường xuyên chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng.

8. Đừng hễ có dịp là vạch trần khuyết điểm của nhau

Trong lúc vợ chồng cãi nhau, mỗi người hãy cố gắng kiềm chế và làm chủ được cảm xúc của bản thân, nhẫn nhịn một chút là mọi chuyện sẽ qua. Không nên trong lúc không kiềm chế mà lôi khuyết điểm của nhau ra nói cho thỏa mãn. Điều này sẽ khiến cho đối phương bị tổn thương sâu sắc. Hãy cố gắng chú ý về điều này. 

9. Đừng ép đối phương phải theo những thói quen của mình

Vợ chồng dù sao cũng là hai con người riêng biệt. Có sở thích và thói quen riêng. Ngoại trừ những thói quen xấu làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình cần khuyên đối phương thay đổi, còn những thói quen nhỏ của cá nhân thì chúng ta nên tôn trọng, bao dung. Việc đòi hỏi đối phương theo ý của mình sẽ khiến gia đình bất hòa. 

10. Đừng nói hai từ “ly hôn

hôn nhân hòa hợp
Hôn nhân là việc nghiêm túc cả đời, chuyện ly hôn thì ngay cả trong suy nghĩ cũng không nên nghĩ tới. (Ảnh: Photoroyalty/ Shutterstock)

Và cuối cùng là đừng bao giờ nói hai từ “ly hôn”. Hễ động chuyện là nói ly hôn thì sớm muộn gì điều đó cũng sẽ thành sự thật. Nếu chúng ta thật sự không muốn điều này xảy ra thì hãy từ bỏ hành động này càng sớm càng tốt.

Chồng nâng niu, vợ nhu hòa, đó là bí quyết cho một cuộc hôn nhân mỹ mãn

Người vợ trong gia đình được ví như nước, mềm mại rộng lớn để bao dung tất cả. Thời xưa, phụ nữ có hàm dưỡng, cốt cách ôn nhu dịu dàng, thông minh hiền hậu, nội tâm thuần tịnh. Khi kết hôn thì một lòng ân nghĩa, quán xuyến tề gia nội trợ, giúp đỡ chồng nuôi dạy con cái, thấu hiểu đạo nghĩa, tương kính như tân, luôn một lòng lo toan, chăm chút cho hạnh phúc gia đình. 

Nhưng để có được một người vợ nhu hòa, hiền hậu như vậy thì người chồng cũng cần phải trở thành người đàn ông tốt biết vun vén cho gia đình, đồng thời cũng cần tôn trọng và nâng niu vợ. Lấy chồng lấy vợ không chỉ là chuyện yêu đương, mà còn là chuyện nỗ lực của cả hai bên thì mới nên được thuận hòa. Không hơn thua vì những điều nhỏ nhặt, luôn nhìn vào điểm tốt của đối phương và học cách bao dung những khuyết điểm, làm được thế thì gia đình sẽ luôn vui vẻ hạnh phúc. 

Vision Times

Trúc Nhi biên tập