9 nhà phát minh rốt cuộc hối hận về sáng chế của mình
- Thiện Tâm
- •
“Nhà phát minh” là một danh hiệu đáng tự hào và mang ý nghĩa tích cực, Nhưng việc ai đó đã phát minh ra thứ gì đó, không có nghĩa là họ hài lòng với kết quả cuối cùng của phát minh đó.
1. J. Robert Oppenheimer / Albert Einstein – Bom nguyên tử
Robert Oppenheimer là giám đốc Phòng thí nghiệm Los Alamos trong Thế chiến II, được ghi nhận là người đã chế tạo ra bom nguyên tử. Nhưng công trình của Albert Einstein đã khiến cho dự án ấy khả thi.
Bất chấp những liên kết trong quá khứ với các tổ chức cánh tả, Oppenheimer đã muốn có cơ hội đóng góp một phần vào nỗ lực chiến tranh. Tuy nhiên, sau đó, ông có cảm xúc lẫn lộn về quả bom.
“Tôi không hối hận về việc chế tạo quả bom… Về cách chúng tôi sử dụng nó, tôi hiểu tại sao nó lại xảy ra và đánh giá cao sự cao quý của những người đàn ông mà tôi từng làm việc chung đã đưa ra quyết định của họ. Nhưng tôi không có cảm giác rằng điều đó đã được thực hiện một cách đúng đắn. Tối hậu thư cho Nhật Bản [Tuyên ngôn Potsdam yêu cầu Nhật Bản đầu hàng] chứa đầy tính nhân đạo… chính phủ của chúng ta nên hành động với tầm nhìn xa và rõ ràng hơn trong việc nói với thế giới và Nhật Bản về ý nghĩa của quả bom,” ông nói.
>> Mỹ ném bom nguyên tử Nhật Bản: Một nửa sự thật
Einstein đã bớt hoang mang hơn. Nhiều năm sau, ông hối hận vì đã ký một lá thư cho Tổng thống Roosevelt kêu gọi ông hỗ trợ nghiên cứu của các nhà vật lý về phản ứng dây chuyền hạt nhân và việc sử dụng chúng làm vũ khí, vì ông tin rằng người Đức đã và đang nghiên cứu nó. “Nếu tôi biết rằng người Đức sẽ không thành công trong việc sản xuất bom nguyên tử, tôi sẽ không bao giờ nhấc một ngón tay.”
2. Mikhail Kalashnikov – tiểu liên AK-47
Kalashnikov đã thiết kế khẩu súng tiểu liên mang tên mình cho quân đội Nga vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai sau khi chứng kiến thương vong khủng khiếp trong trận chiến và bản thân bị thương.
AK-47 được thiết kế để trở thành một khẩu súng tiểu liên tự động đơn giản, có thể chế tạo với giá rẻ bằng cách sử dụng các phương pháp sản xuất hàng loạt có vào thời điểm đó.
Kalashnikov đã qua đời vào năm 2014, nhưng ông đã sống đủ lâu để thấy rằng sáng tạo của mình là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết hơn bất kỳ loại súng trường tấn công nào khác.
“Tôi tiếp tục quay lại với những câu hỏi tương tự. Nếu khẩu súng trường của tôi cướp đi sinh mạng của mọi người, liệu có thể rằng tôi… một tín đồ Chính thống giáo, phải chịu trách nhiệm về cái chết của họ, ngay cả khi họ là kẻ thù của tôi?” ông đã viết trong một bức thư cho người đứng đầu nhà thờ Chính thống giáo Nga vào năm 2010.
3. Tim Berners Lee – dấu // trong địa chỉ trang web
Ngài Tim Berners Lee là người đã phát triển HTML và tạo ra World Wide Web, ông là người có cống hiến lớn cho nhân loại. Nếu Timothy có bất kỳ sự hối tiếc lớn nào về trang web, chúng ta sẽ không quá khó để tha thứ cho ông, nhưng sự hối tiếc của ông chỉ liên quan đến hai ký tự dấu xược kép ‘//’ ở đầu mỗi địa chỉ web.
“Thực sự, nếu bạn để ý, chúng ta không cần //. Lẽ ra tôi có thể thiết kế để không có //”, ông nói, theo Business Insider.
4. Ethan Zuckerman – quảng cáo pop-up
Nếu bạn đã từng khó chịu với màn hình máy tính của mình khi một quảng cáo pop-up xuất hiện, che khuất nội dung đằng sau nó, Zuckerman là cái tên mà bạn nên nhớ tới.
Là người đứng đầu Trung tâm Truyền thông Hành chính tại Viện Công nghệ Massachusetts, Zuckerman đã viết một bài luận trên The Atlantic vào năm 2019 với tựa đề “Tội lỗi nguyên thủy của Internet”, trong đó ông nhận toàn bộ trách nhiệm về những thứ quấy rầy khó chịu này.
Làm việc với tư cách là nhân viên của công ty lưu trữ web Tripod vào thời điểm đó, Zuckerman giải thích rằng công ty của ông cung cấp các trang web miễn phí cho người tiêu dùng, đã mất 5 năm để tìm cách tạo ra doanh thu.
“Cuối cùng, mô hình kinh doanh giúp chúng tôi được tài trợ là quảng cáo. Mô hình mà chúng tôi có được là phân tích trang chủ cá nhân của người dùng để nhắm mục tiêu quảng cáo tốt hơn đến họ. Trong quá trình này, chúng tôi đã tạo ra một trong những thứ bị ghét nhất trong bộ công cụ của nhà quảng cáo: quảng cáo pop-up “
Phát minh này có mục đích cho phép các quảng cáo xuất hiện khi người dùng truy cập vào một trang mà quảng cáo có thể không liên quan gì với nội dung của trang đó,
Zuckerman giải thích, “Chúng tôi đã nghĩ ra nó khi một công ty sản xuất ô tô lớn phát hoảng vì họ đã mua nhầm quảng cáo banner trên một trang cổ xúy quan hệ tình dục biến dị. Tôi đã viết mã để khởi chạy cửa sổ và chạy quảng cáo trong đó. Tôi xin lỗi. Ý định của chúng tôi là tốt.”
5. Nguyễn Hà Đông – Flappy Bird
Flappy Bird là một cơn sốt cách đây vài năm trong thế giới trò chơi trên di động. Một trò chơi thô sơ và đơn giản nhưng lại cực kỳ gây nghiện nhờ nó đánh trúng điểm hấp dẫn giữa độ khó kinh khủng và luôn mang lại cảm giác bạn có thể làm tốt hơn lần trước.
Lượt tải xuống tăng vọt và tranh cãi nảy lửa xung quanh trò chơi xuất hiện. Sau khi có 50 triệu lượt tải xuống và doanh thu quảng cáo đạt khoảng 45.000 USD mỗi ngày, Hà Đông đã tuyên bố rút nó khỏi các cửa hàng ứng dụng.
“Tôi không thể chịu đựng điều này nữa,” anh viết trên Twitter. Rõ ràng, sự phổ biến của trò chơi này đã thu hút sự chú ý của báo chí thế giới và Đông đã bị tấn công bởi các cuộc gọi, tweet và email.
Việc loại bỏ trò chơi khỏi các cửa hàng ứng dụng đã không thể dập tắt được sự phổ biến của trò chơi. Đông nhận được những lời dọa giết, trong khi những chiếc điện thoại cài sẵn trò chơi này được người ta bán trên eBay để kiếm chút tiền và các tựa game sao chép thì tràn ngập.
>> Phát minh túi nilon: “Nguyện vọng ban đầu của cha là cứu trái đất”
6. Bob Propst – bàn làm việc có vách ngăn
Trong khi làm cố vấn cho hãng Herman Miller vào những năm 1960, Bob Propst đã giới thiệu với nước Mỹ văn phòng không gian mở và các bàn làm việc có vách ngăn. Ông nói với tờ New York Times vào năm 1997 rằng nó được thiết kế để “mang đến cho những người làm việc một môi trường linh hoạt, dễ thay đổi hơn những căn phòng làm việc đóng kín”.
Các công ty coi phát minh của ông là cách tiết kiệm tiền, loại bỏ các căn phòng riêng lẻ và thay thế chúng bằng các không gian mở và các khoang làm việc nhỏ.
Nhưng cuối cùng Propst đã than thở về phát minh của mình. Ông nói: “Sự tập trung hóa con người trong các doanh nghiệp hiện đại là sự điên rồ.”
7. Vincent Connare – font chữ Comic Sans
“Nếu bạn yêu thích Comic Sans, bạn không biết nhiều về nghệ thuật chữ typography.” Đây không phải là câu nói bởi một người không biết gì về font chữ Comic Sans, mà là lời của chính nhà thiết kế font chữ đó, Vincent Connare, nói với tờ Wall Street Journal.
Tuy nhiên, Connare đã tiếp tục nhận xét: “Nếu bạn ghét nó, bạn thực sự không biết nhiều về kiểu chữ, và bạn nên có một sở thích khác.”
Comic Sans được coi là font chữ phổ biến nhất trên thế giới. Kiểu chữ trông đơn giản và vui nhộn này được sử dụng hầu hết ở các tấm thiệp chúng mừng sinh nhật, chúc mừng giáng sinh, trong các banner quảng cáo những sản phẩm dễ thương hay được in ở những mái che của các cửa hàng trên phố…
Việc sử dụng rộng rãi kiểu chữ này, thường là trong các tình huống không được dự định trước, đã trở thành chủ đề bị chỉ trích và chế giễu. Thậm chí nó còn bị tẩy chay và thù ghét trên mạng.
Quan điểm của Vincent Connare, cũng giống như nhiều người, đó là vấn đề với Comic Sans không phải ở bản thân font chữ, mà là việc lạm dụng và sử dụng sai mục đích.
Được thiết kế cho một ứng dụng của Microsoft hướng đến trẻ em, Comic Sans được sử dụng thay thế cho font chữ trang trọng Times New Roman trong các biểu tượng bong bóng hội thoại. Connare chưa bao giờ tưởng tượng nó sẽ được sử dụng rộng rãi và bị chế giễu như vậy.
8. Tom Karen – xe đạp Raleigh Chopper
Ở Mỹ, trước khi BMX xuất hiện trên thị trường vào cuối những năm 1970, nếu bạn muốn có một chiếc xe đạp không thuộc loại xe đua có tay lái thả, thì Chopper của Raleigh (hình trên) là một trong số ít lựa chọn.
Được hàng triệu người yêu thích vì yên xe thoải mái, vị trí ngồi thoải mái và tay lái mang phong cách Harley Davidson khổng lồ, nó là một trong những chiếc xe đạp bán chạy nhất của Raleigh trong những năm 1970.
Tuy nhiên, nhà thiết kế của nó, Tom Karen, đã không nhiệt tình khi sự trở lại của Chopper được đưa ra vào năm 2019. Ông nói với The Telegraph: “Chopper không phải là một chiếc xe đạp tốt. Nó nặng khủng khiếp nên bạn sẽ không muốn đạp nó quá xa. Có một số người đã cưỡi nó 1400 km từ Land’s End đến John O’Groats vì mục đích tốt đẹp nhưng cuối cùng anh ta đã nguyền rủa nó.”
9. John Sylvan – Viên nén cà phê
Khi John Sylvan phát minh ra viên nén cà phê và chiếc máy có thể biến chúng thành những tách cà phê bốc khói, ông không hề tưởng tượng về “con quái vật” mà mình đã tạo ra.
Phát minh của Sylvan đã dẫn đến sự phát triển các hệ thống máy pha cà phê viên nén như Nespresso và Tassimo và giúp hàng triệu người có được một cốc caffeine thông thường dễ dàng hơn bao giờ hết.
“Đôi khi tôi cảm thấy thật tệ khi tôi đã từng làm điều đó,” ông nói cách đây vài năm. “Nó giống như một điếu thuốc cho cà phê, một cơ chế dẫn xuất cho một chất gây nghiện.”
Theo mentalfloss.com
Thiện Tâm tổng hợp
Từ khóa phát minh Albert Einstein hối tiếc tai họa