Các nhà khảo cổ phát hiện vương miện vàng của nữ hoàng Nefertiti hơn 3.000 năm trước
- Thư Di
- •
Từ phát hiện năm 2018 về 2 ngôi mộ cổ nằm tại thành phố Hala Sultan Tekke thuộc thời kỳ đồ đồng, ở Cyprus, các nhà khảo cổ đã tiếp tục khai quật và tìm thấy khoảng 150 bộ xương người hóa thạch, đồ trang sức bằng vàng, đá quý và các đồ tạo tác khác, qua đó chỉ ra rằng đây là một trung tâm thương mại thịnh vượng có niên đại khoảng hơn 3.000 năm trước từ thời Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti.
Kể từ năm 2010, nhóm các nhà khảo cổ học thuộc Đoàn Thám hiểm Đảo Siprus Mới của Thụy Điển (New Swedish Cyprus Expedition), đã tiến hành nhiều đợt khai quật. Vào năm 2018, họ đã phát hiện ra 2 khoang ngầm chứa 155 bộ xương người. Những bộ xương mỏng manh này bị chôn vùi trong đất mặn trong hơn 3 thiên niên kỷ, khiến cho các nhà khảo cổ phải làm việc một cách cẩn thận trong suốt 4 năm.
Giáo sư Peter Fischer, người đứng đầu nhóm khảo cổ học, cho biết: “Những phát hiện chỉ ra rằng đây là những ngôi mộ của các gia đình thuộc giới thượng lưu cầm quyền trong thành phố”.
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 500 đồ vật bên cạnh các bộ xương được xếp chồng lên nhau. Điều này cho thấy rằng các ngôi mộ đã được sử dụng trong nhiều thế hệ. Một trong những hiện vật ấn tượng nhất được tìm thấy trong cuộc khai quật là chiếc vương miện bằng vàng từ hài cốt của một đứa trẻ 5 tuổi, được cho là con của một gia đình quyền lực và giàu có. Trên phần thân người còn có một chiếc vòng cổ và hoa tai bằng vàng đính cườm.
Các hiện vật khác bao gồm đồ trang sức và đồ vật làm bằng vàng, bạc, đồng và ngà voi, cũng như đá quý và các bình được trang trí một cách phong phú từ các nền văn hóa khác nhau. Các nhà khảo cổ học cho hay: “Chúng tôi cũng tìm thấy một con bò đực bằng gốm. Cơ thể của con bò đực rỗng này có hai lỗ: một ở phía sau để đổ đầy chất lỏng, có thể là rượu, và một ở mũi để uống. Rõ ràng, họ đã có những bữa tiệc trong phòng nhằm tôn vinh những người đã qua đời”.
Một con dấu hình trụ được phát hiện ở Mesopotamia (Iraq ngày nay) làm bằng hematit có khắc hình nêm (cuneiform) mà các nhà nghiên cứu có thể giải mã.
Giáo sư Fischer cho biết: “Chữ khắc trên con dấu gồm 3 dòng và đề cập đến 3 cái tên. Một là Amurru, một vị Thần được tôn thờ ở Mesopotamia. Hai người còn lại là các vị vua trong lịch sử, cha và con, những nhân vật mà gần đây chúng tôi đã tìm thấy được trong các dấu tích khác trên những bảng đất sét từ cùng thời kỳ [thế kỷ 18 TCN]. Chúng tôi hiện đang cố gắng xác định lý do tại sao con dấu lại ở đảo Síp cách nơi nó được tạo ra hơn 1.000 km”.
Các ngôi mộ cũng để lại nhiều loại đá quý, trong đó có carnelian từ Ấn Độ, lapis lazuli từ Afghanistan và hổ phách từ các vùng lân cận Biển Baltic, qua đó chỉ ra rằng Cyprus là một trung tâm thương mại quan trọng trong thời kỳ đồ đồng. Đồ trang sức bằng vàng cùng với vảy (bùa hộ mệnh hình con bọ có chữ tượng hình) kể về việc giao thương lâu dài với nước láng giềng phía nam Ai Cập.
Theo giáo sư Fischer, các nhà khảo cổ có thể xác định được niên đại của những món đồ trang sức bằng cách so sánh chúng với những đồ tạo tác tương tự, chủ yếu có từ thời Nữ hoàng Nefertiti và chồng bà, Akhenaten, từ khoảng năm 1350 TCN. Trong đó có một mặt dây chuyền bằng vàng với một bông hoa sen và khảm đá quý tương tự như đồ trang sức mà nữ hoàng Ai Cập từng đeo.
Bên cạnh đó, nhiều đồ gốm được tìm thấy ở khu vực này, thay đổi theo thời đại về chất liệu, cho phép các nhà nghiên cứu xác định được niên đại của chúng và nghiên cứu mối liên hệ với các vùng địa lý xung quanh. Giáo sư Fisher cho hay: “Điều làm tôi thích thú nhất là mạng lưới quan hệ rộng khắp mà họ đã có từ cách đây 3.400 năm”.
Giai đoạn tiếp theo của cuộc nghiên cứu sẽ bao gồm việc xét nghiệm ADN của các bộ xương, qua đó giúp xác định được mối quan hệ giữa các bộ xương khác nhau và xem liệu những người nhập cư từ các vùng khác có nằm trong số đó hay không. Ngoài ra, Fischer còn cho biết thêm rằng: “Điều này không phải là khó xảy ra, nếu xem xét trên cơ sở các mạng lưới thương mại rộng lớn vào thời đó”.
Theo The Epoch Times,
Thư Di,
Xem thêm:
Từ khóa Văn minh tiền sử công cụ tiền sử