Ecuador: Sáng kiến dùng máy bay drone thả bom thuốc chuột trên đảo
- Quốc Hùng
- •
Máy bay drone có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới.
Seymour Norte thuộc quần đảo Galapagos ngoài khơi Ecuador là một hòn đảo biệt lập, rộng 1,84 km2 và có hệ sinh thái độc nhất vô nhị trên thế giới.
Mẫu số chung của những hòn đảo như thế này, là chúng thường không có các loài động vật có vú (trừ dơi). Vì không như chim chóc và côn trùng, động vật có vú rất khó vượt biển để tới được những hoang đảo xa xôi. Chính vì vậy, ngay khi chuột – một loại động vật có vú sinh sản cực nhanh theo chân con người tới với Seymour Norte, chúng đã làm đảo lộn hoàn toàn hệ sinh thái tại đây.
Lũ gặm nhấm với sức phá hoại kinh hoàng này đã tàn sát các loài động vật bản địa như thằn lằn và một số loài chim. Seymour Norte là quê hương của mòng biển đuôi nhạn – loài mòng biển ăn đêm duy nhất trên thế giới.
Chưa bao giờ đối mặt với lũ chuột phàm ăn, những con mòng biển này không biết làm cách nào để đối phó với loài động vật ăn trứng và săn chim non trong tổ của mình. Không có loài thiên địch nào hạn chế số lượng, chuột đã tha hồ tung hoành ngang dọc trên hòn đảo nhỏ bé này.
Chúng ăn cả côn trùng, vốn là những loài giúp thụ phấn cho cây, từ đó kích hoạt hiệu ứng dây chuyền. Cây cung cấp những điều kiện thích hợp cho các loài chim biển làm tổ. Khi số lượng cây giảm đi, chim chóc cũng gặp khó khăn theo. Và khi số lượng chim suy giảm, các loài san hô ở ven bờ hòn đảo, vốn phụ thuộc vào phân chim để hấp thụ chất dinh dưỡng, cũng gặp phải tai họa. Các sinh vật biển sống dựa vào những rặng san hô này phải chịu chung số phận.
Để chống lại thảm họa sinh thái này, năm 2007, các nhà bảo tồn quyết quét sạch lũ chuột, và họ đã thành công. Nhưng một thập kỷ sau đó, lũ phá hoại quay lại, rất có thể bằng cách bơi đến từ những hòn đảo lân cận.
>> Hiệu ứng ngược của cuộc diệt chuột năm 1902 ở Hà Nội
Lần này, các nhà khoa học đã viện đến một trợ thủ đắc lực mới. Tổ chức Bảo tồn Đảo (Island Conservation) – một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, kết hợp cùng với chính phủ Ecuador, đã sử dụng các máy bay drone để thả thuốc diệt chuột xuống hòn đảo này.
Drone được sử dụng là loại to, nặng 25kg, có 6 cánh quạt và mang theo 20kg thuốc chuột cho mỗi chuyến đi. Thuốc chuột có dạng cục màu xanh, và các nhà khoa học nói chúng sẽ không thu hút sự chú ý của chim.
Các nhà bảo tồn chỉ cần đưa drone lên tàu, tới gần hòn đảo, bật công tắc khởi động thiết bị, rồi để chúng tự bay và thả “bom” theo các tuyến đường đã lập trình sẵn. Tổng cộng đã có 3 tấn thuốc được sử dụng trong quá trình tiêu diệt loài gặm nhấm này.
Nhờ sự chính xác của quá trình thả bom, thuốc chuột được đưa tới đúng vị trí và tạo ra hiệu quả tuyệt vời. Theo nhóm bảo tồn, sự càn quấy của lũ chuột đã gần như biến mất khỏi hòn đảo này, tạo ra niềm hy vọng áp dụng công nghệ này cho các khu vực khác.
Giám đốc của tổ chức Chad Hanson nói với tờ Wired: “Bạn có thể lấy một thiết bị drone, đóng nó lại rồi mang lên máy bay, và bạn có thể tới bất kỳ nơi nào trên thế giới… Thành công này đã mở ra một cánh cửa cho một loạt những hòn đảo mà trước đây không thể tiến hành bảo tồn trong quá khứ.”
Máy bay trực thăng cũng có thể thực hiện được công việc diệt các loài sinh vật phá hoại trên quy mô lớn như thế này. Ví như lần lần tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên đã làm để diệt kiến tấn công đảo Santa Cruz ngoài khơi California. Tuy vậy, đảo Santa Cruz rộng tới 260 km2, còn Seymour Norte chỉ có 1,84 km2.
Drone rất phù hợp với những khu vực có diện tích nhỏ, cần thả bom chính xác, còn máy bay trực thăng lại hữu dụng cho những khu vực rộng lớn hơn.
Sự xuất hiện của drone sẽ mở ra cơ hội giúp các nhà khoa học tiếp cận với những khu vực mà máy bay trực thăng không tới được (vì những lý do như thiếu bãi đáp, v.v.), cũng như tiết kiệm rất nhiều chi phí cho công tác bảo tồn thiên nhiên.
Theo Futurism/Wired
Quốc Hùng tổng hợp
Từ khóa Bảo vệ động vật máy bay drone hòn đảo Galapagos diệt chuột