Hôm thứ Hai (19/8), tờ Financial Times đưa tin, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ cắt đứt thỏa thuận công nghệ 45 năm dự kiến ​​được gia hạn vào cuối tháng này, cản trở sự hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng.

Dang Tieu Binh
Ông Đặng Tiểu Bình và ông Jimmy Carter ký thỏa thuận Trung-Mỹ năm 1979. (Ảnh: U.S. National Archives and Records Administration)

“Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ-Trung” đạt được 45 năm trước bởi cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thường được gia hạn 5 năm một lần. Nhưng từ khi thỏa thuận cuối cùng hết hạn vào tháng 8/2023, thỏa thuận này vẫn chưa được gia hạn.

Các bên đã đồng ý gia hạn 2 lần liên tiếp trong 6 tháng, lần thứ 2 sẽ kết thúc vào ngày 27/8.

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng bỏ qua những mối quan hệ liên chính phủ căng thẳng, tập trung vào lĩnh vực hợp tác ít gây tranh cãi hơn, như biến đổi khí hậu và các bệnh liên quan đến lão hóa.

Hai ông Jimmy Carter và Đặng Tiểu Bình

Thỏa thuận song phương được ký kết cách đây 45 năm bởi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, nhằm hỗ trợ hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, công nghệ công nghiệp dân dụng và quản lý thảm họa.

Hoa Kỳ đã hạn chế Trung Quốc tiếp cận với công nghệ chất bán dẫn. Những lo ngại của Washington về cáo buộc Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ, cũng như khả năng các công nghệ mới nhạy cảm sẽ được sử dụng trong quân sự đã gây ra sự chia rẽ giữa 2 nước.

Các quan chức an ninh Mỹ cũng lo ngại rằng sự hợp tác học thuật có thể tạo cơ hội cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Từ tháng 10/2022, Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu chip sang Trung Quốc, nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc mua và sản xuất chip bán dẫn cao cấp cho mục đích quân sự.

Nhưng có bằng chứng cho thấy, vô số công ty bình phong và các hoạt động buôn lậu có thể đã giúp các thực thể Trung Quốc có đủ chip đáp ứng nhu cầu đào tạo AI quân sự cho quân đội. Vấn đề này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả lệnh cấm chip của Mỹ đối với Trung Quốc.

Nguồn tin vào ngày 12/8 từ trang tin Information của Mỹ tiết lộ, một công ty thiết bị điện ở miền đông Trung Quốc đã thông qua bên trung gian Malaysia, mua được một lượng lớn máy chủ với tổng giá trị là 1,2 tỷ USD. Những máy chủ này chứa tổng cộng khoảng 2400 chiếc chip cao cấp của NVIDIA.

Nguồn tin cho biết bên trung gian đã giúp bên mua Trung Quốc thành lập công ty bình phong ở Malaysia, nhằm che giấu danh tính Trung Quốc của người mua.

Ông Vaughan Turekian, Giám đốc điều hành chính sách và các vấn đề toàn cầu tại Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ, cho biết, đây là vấn đề cơ bản và cốt lõi mà cả Trung Quốc và Mỹ cùng quan tâm.

Ông nói, một thỏa thuận mà không ai để ý đã tồn tại cho đến 5 năm trước, giờ đây đột nhiên trở thành trung tâm của mối quan hệ giữa hai nước.

Từ lâu, các thỏa thuận khoa học và công nghệ đã là trụ cột mang tính biểu tượng của quan hệ Trung Quốc-Mỹ, và là động lực của sự hợp tác thực tế quan trọng.  Đây là một trong những thỏa thuận song phương đầu tiên được ký kết sau khi Hoa Kỳ chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1979.

Các nhà khoa học khác chỉ ra, những hợp tác nghiên cứu có giá trị trước đây trong các lĩnh vực như giám sát bệnh cúm, kiểm soát ô nhiễm và giảm dị tật bẩm sinh bằng cách tăng lượng folate ở phụ nữ mang thai.

Ý nghĩa tượng trưng

Ông Vương Ngạn Bác, Giáo sư tại trường kinh doanh của Đại học Hồng Kông, kiêm chuyên gia về đổi mới của Trung Quốc, cho biết: “Thỏa thuận này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn”.

“Nó gửi một thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh và Washington cho phép hợp tác học thuật. Nếu thỏa thuận bị chấm dứt, nó sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng sự hợp tác như vậy không được khuyến khích.”

Thỏa thuận này thường được gia hạn 5 năm một lần, nhưng chưa được gia hạn kể từ khi thỏa thuận cuối cùng hết hạn vào tháng 8/2023. Các bên đã đồng ý gia hạn 2 lần liên tiếp trong 6 tháng, lần thứ 2 sẽ kết thúc vào ngày 27/8.

Nhiều nhà quan sát tin rằng việc gia hạn dài hạn khó có thể xảy ra. Vì cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 giữa ông Donald Trump Đảng Cộng hòa và đối thủ đảng Dân chủ, bà Kamala Harris đang đến gần.

Cả hai đảng ở Mỹ đều có lập trường ngày càng cứng rắn đối với Trung Quốc về các vấn đề thương mại và an ninh quốc gia.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết, Hoa Kỳ đang tích cực đàm phán về thỏa thuận này, nhằm bảo vệ các cơ quan và nhà nghiên cứu tham gia.

Washington không dự đoán kết quả, và có thái độ thực tế đối với các thách thức pháp lý trong nước của Trung Quốc, cũng như các chính sách nghiên cứu tích hợp quân sự-dân sự. Người phát ngôn này nói thêm, rằng trước đây Mỹ đã sử dụng các biện pháp gia hạn ngắn hạn để điều chỉnh thỏa thuận.

Từ năm 2016 – 2018, Trung Quốc và Mỹ đã đàm phán lại các điều khoản phụ lục, nhằm tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nhưng khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ xấu đi, căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ cũng gia tăng.

Điều tra nguồn gốc của COVID-19

Giống như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ cũng chỉ trích Chính phủ Trung Quốc không hợp tác đầy đủ trong việc điều tra nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Hợp tác Mỹ-Trung đã đưa ra một số lĩnh vực nghiên cứu mà cả hai bên đều tin rằng có những lợi ích đáng kể. Vào tháng 1, cố vấn khoa học hàng đầu của Nhà Trắng cho biết, hai nước sẽ hợp tác về an toàn AI.

Nhiều nhà nghiên cứu tại các tổ chức Trung Quốc và phương Tây cho rằng việc duy trì sự hợp tác là rất quan trọng. Các xu hướng như đại dịch COVID-19 và sự gia tăng sức đề kháng của vi khuẩn đối với các loại kháng sinh quan trọng, làm nổi bật lợi ích chung trong việc hành động phối hợp, nhằm giải quyết các mối đe dọa mới nổi.

Bà Kimberly Montgomery, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế và ngoại giao khoa học tại Hiệp hội Xúc tiến khoa học Hoa Kỳ, cho biết điều quan trọng đối với các nhà nghiên cứu trẻ là phải xây dựng mối quan hệ với các đồng nghiệp của họ khi cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra.

Bình Minh (t/h)