Ngôi sao bóng đá chấm dứt hợp đồng với Huawei do phát triển phần mềm đàn áp nhân quyền
- Phan Anh
- •
Hôm 10/12 vừa qua, ngôi sao bóng đá người Pháp Antoine Griezmann, người từng đoạt nhiều danh hiệu cao quý trong đó có chức vô địch World Cup năm 2018, hiện đang là tiền đạo của câu lạc bộ Barcelona (Tây Ban Nha), đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei. Lý do mà Griezmann đưa ra là do Huawei đã dính líu đến việc phát triển phần mềm nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ, qua đó phục vụ cho mục đích kiểm soát và đàn áp nhóm dân tộc thiểu số này của Trung Quốc.
Cụ thể, cầu thủ người Pháp Griezmann đã viện dẫn một báo cáo, trong đó có nội dung rằng hãng Huawei đã tham gia vào việc phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện các thành viên của nhóm thiểu số người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp ở Trung Quốc thông qua camera và gửi “cảnh báo người Duy Ngô Nhĩ” đến cho cảnh sát.
Griezmann đã lên án những cáo buộc ngược đãi đối với nhóm dân tộc thiểu số, vốn chủ yếu là người Hồi giáo. Trên trang Instagram cá nhân của mình, anh đã đăng một bài viết như sau: “Sau những nghi ngờ mạnh mẽ rằng công ty Huawei đã dính líu đến việc sự phát triển phần mềm nhận dạng khuôn mặt giúp ‘cảnh báo người Duy Ngô Nhĩ’, tôi tuyên bố chấm dứt quan hệ đối tác ngay lập tức với công ty. Nhân cơ hội này, tôi kêu gọi Huawei phải thực hiện các hành động cụ thể càng nhanh càng tốt để lên án hành động đàn áp hàng loạt và sử dụng ảnh hưởng của công ty nhằm góp phần tôn trọng quyền của con người và phụ nữ trong xã hội.”
Antoine Griezmann has ended his partnership with Huawei, citing strong suspicions that the Chinese company is involved in facial recognition surveillance software for Uyghur Muslims in China. [ig: antogriezmann] pic.twitter.com/CPp67d2a9S
— barcacentre (@barcacentre) December 10, 2020
Griezmann, sinh năm 1991, đã trở thành đại sứ thương hiệu toàn cầu của Huawei từ năm 2017. Theo ông Simon Chadwick, giáo sư với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp thể thao Á-Âu, hành động của Griezmann là “chưa từng có trước đó”, do món lợi khổng lồ mà công ty Trung Quốc cung cấp cho cả vận động viên và các đội bóng châu Âu nói chung. Trên tờ Al Jazeera News, ông Chadwick cho biết : “Griezmann đã cho thấy anh không chỉ nói suông mà còn hành động.”
Nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ Jewher Ilham (người có cha là Ilham Tothi – đã bị Trung Quốc bỏ tù từ năm 2014) cho biết trên tờ Al Jazeera rằng mình “rất ngưỡng mộ” Griezmann, cầu thủ bóng đá Mesut Ozil và ca sỹ Zara Larsson khi họ “sẵn sàng lựa chọn lương tâm thay vì tiền bạc”. Bên cạnh đó, cô cũng nhắc nhở Griezmann rằng “anh có thể phải đối mặt với sự trả thù bởi hành động của mình”.
Trước quyết định của ngôi sao bóng đá người Pháp, phía Huawei cho biết công ty “rõ ràng là rất buồn khi Griezmann quyết định chấm dứt mối quan hệ”.
Còn nhớ vào hồi tháng 12/2019, một cầu thủ bóng đá nổi tiếng khác cũng từng vô địch World Cup vào năm 2014, Mesut Ozil, hiện đang thuộc biên chế của câu lạc bộ Arsenal (Anh), đã lên tiếng phản đối chính quyền Trung Quốc trong việc ngược đãi, giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ngoài ra, Ozil còn gọi người Duy Ngô Nhĩ là “những chiến binh chống lại khủng bố”. Câu lạc bộ chủ quản Arsenal sau đó đã lảng tránh bình luận của anh, thậm chí còn đày ải cầu thủ xuất sắc này trên băng ghế dự bị cho đến nay với lý do “Ozil không phù hợp với chiến thuật của đội bóng”.
Sau phát biểu trên của Ozil, cầu thủ này đã phải đối mặt với một làn sóng phẫn nộ khủng khiếp trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng Arsenal nên tống cổ Ozil ra đường ngay lập tức. Trung Quốc thậm chí đã hủy phát sóng một số trận đấu của Arsenal để trả đũa. Ngoài ra, tựa game bóng đá nổi tiếng PES phiên bản 2020 tại Trung Quốc còn xóa tất cả thông tin của Ozil trong trò chơi.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Nhận dạng khuôn mặt Công nghệ nhận dạng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Duy Ngô Nhĩ