Virus corona là kẻ thù “trông thấy” nhờ kính hiển vi điện tử
- Thiện Tâm
- •
Tuyên bố rằng virus corona là kẻ thù vô hình của thời đại chúng ta có lẽ trở nên không còn đúng khi chiếc kính hiển vi của Thermo Fisher Scientific (FEI), tiền thân là Philips Electron Optics, đã cho phép các nhà nghiên cứu quan sát một cách chi tiết loại virus chết người này.
Theo ông Maurits Smits, giám đốc chi nhánh của Thermo Fisher Scientific (FEI) tại Eindhoven, Hà Lan, các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang sử dụng thiết bị được phát triển từ Eindhoven để tiến hành nghiên cứu virus và phát triển các phương pháp chống dịch.
“Sứ mệnh của chúng tôi là làm cho thế giới lành mạnh và an toàn hơn. Chúng tôi có thể đạt được mục tiêu này bằng nhiều lĩnh vực của công ty để chống lại đại dịch do virus corona gây ra. Chúng tôi có 75.000 nhân viên trên toàn thế giới và đang làm việc chăm chỉ. Tôi tự hào rằng chúng tôi có thể đóng góp công sức từ Eindhoven với kính hiển vi điện tử của chúng tôi”
Công ty Thermo Fisher Scientific của Mỹ cung cấp tất cả các vật dụng cần thiết cho phòng thí nghiệm. Trong đó có hàng triệu thiết bị xét nghiệm viêm phổi Vũ Hán hiện đang được thực hiện trên khắp thế giới. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, công ty không bị thiệt hại về kinh tế, tổng doanh thu toàn cầu trong quý 2 tăng hơn 10% lên gần 7 tỷ USD.
Virus đã xuất hiện
Trong hàng chục phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, kính hiển vi điện tử Titan Krios được phát triển từ Eindhoven đã quan sát được hình ảnh virus corona. Tương tự, nhà nghiên cứu Leonid Yurkovetskiy từ Đại học Massachusetts và những người khác đã chụp ảnh được cụm phân tử protein này bằng một thiết bị như vậy của FEI. Theo ông Marc Storms, giám đốc Marketing bộ phận Khoa học sự sống của FEI, kính hiển vi của FEI có thể phân biệt lớp vỏ bên ngoài của virus được hình thành bởi các loại protein khác nhau thông qua màu sắc khác nhau. “Chúng tôi cố gắng thể hiện càng nhiều chi tiết virus càng tốt với các thiết bị của mình. Các nhà khoa học có thể sử dụng thông tin này để đảm bảo rằng vắc-xin mà họ phát triển phù hợp với virus”.
Ông Maurits Smits cho biết rằng chi nhánh của FEI ở Eindhoven, Hà Lan, chỉ chiếm một phần nhỏ trong công ty, nhưng nó rất quan trọng. “Kính hiển vi Titan Krios của chúng tôi có thể quan sát hình ảnh các protein ở cấp độ nguyên tử, cũng như các protein hình thành nên các loại virus viêm phổi Vũ Hán và các đột biến khác nhau ở chúng. Điều này đã được thực hiện lần đầu tiên vào mùa xuân này bởi một khách hàng của chúng tôi ở Trung Quốc. Các nhà khoa học có thể sử dụng các hình ảnh này để hiểu rõ hơn về virus và cách ngăn chặn nó.”
Kinh doanh tăng trưởng nhờ đại dịch
Danh sách đơn đặt hàng cho kính hiển vi Titan Krios đã được lấp đầy. Ông Smith nói rằng do những hạn chế do đại dịch virus gây ra, công ty bắt đầu rất chậm vào năm 2020, nhưng nhìn chung có vẻ như năm 2020 có thể kết thúc suôn sẻ. “Chúng tôi kỳ vọng đại dịch này sẽ dẫn đến việc đầu tư nhiều hơn. Chúng tôi đã nhận thấy những dấu hiệu này từ khách hàng. Điều này có thể làm tăng đáng kể nhu cầu về thiết bị của chúng tôi.”
Trong năm 2020, số lượng nhân viên của FEI ở Hà Lan đã tăng từ 100 lên 950 nhân viên và các chi nhánh đã được thành lập tại Achtseweg Zuid và Strijp-T.
Cung cấp dịch vụ đào tạo từ xa
Ông Smith cho hay rằng hầu hết các phương án đào tạo sử dụng thiết bị đã bị đảo lộn do đại dịch. “Trước đây, mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến đây để thực hành vì chúng tôi có kính hiển vi điện tử với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Bây giờ mọi việc đào tạo được thực hiện từ xa và điều đó đòi hỏi những điều chỉnh lớn. Hơn 60% nhân viên của chúng tôi làm việc tại nhà. Chúng tôi buộc phải tìm hiểu rất nhiều về khả năng vận hành thiết bị của mình từ xa. Chúng tôi chắc chắn sẽ giữ lại các ưu điểm của phương thức này sau khi đại dịch đi qua.”
Đồng thời, theo ông Smith, các nhà phát triển của FEI tiếp tục phát triển các thế hệ kính hiển vi tiếp theo. “Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và đầu tư nhiều trước khi thiết bị mới được tung ra thị trường. Trong một tổ chức hùng mạnh như vậy, chúng tôi sẽ có thể duy trì vị trí dẫn đầu thế giới.
Theo AD.NL,
Thiện Tâm biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa kính hiển vi kính hiển vi điện tử virus corona