48.500 lượng vàng đã “xuất kho” nhưng chưa thể điều tiết được thị trường
- Phan Vũ
- •
Sáng 23/5, trong phiên đấu thầu vàng lần thứ 9, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra được lượng vàng cao kỷ lục là 13.400 lượng so với 8 phiên trước đó. Giá vàng giảm mạnh trước và sau phiên đấu thầu, nhưng dự báo lại sẽ bị đẩy cao lên trong một vài ngày tới.
Cụ thể, trong phiên đấu thầu này, có tổng cộng 11 thành viên trúng thầu với giá trúng thầu là hơn 88,7 triệu đồng/lượng, cao hơn tới gần 1 triệu đồng/lượng so với giá mua vào từ người dân.
Như vậy, sau 9 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước bán ra 48.500 lượng vàng.
Cung tăng, chênh lệch giá trong nước – thế giới vẫn lớn
Dù nguồn cung đã được tăng lên tới gần 50.000 lượng sau 9 phiên đấu thầu, nhưng giá vàng trong nước vẫn còn khoảng cách khá xa so với giá vàng thế giới.
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 18h40 ngày 23/5 theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.367,5 USD/ounce, giảm 10,6 USD/ounce so với hôm qua.
Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 73,498 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Sau phiên đấu thầu, giá vàng giao dịch tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, tại thời điểm 18h40 cùng ngày, vàng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mốc 87,8 – 89,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và chiều bán.
Với mức giá hiện tại, giá vàng miếng của SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 15,8 triệu đồng/lượng.
Không phải vấn đề cung – cầu?
Theo nhiều chuyên gia, chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới hiện nay không hoàn toàn phản ánh vấn đề cung – cầu thị trường.
Thông thường, trước và trong ngày đấu thầu, giá vàng sẽ được điều chỉnh giảm mạnh. Nhưng chỉ một vài ngày sau khi có kết quả đấu thầu, giá vàng SJC lại bị đẩy cao vượt mức giá trúng thầu khá lớn, tạo nên một bước giá mới tham chiếu cho phiên đầu thầu tiếp theo. Và đây là một nguyên nhân gián tiếp dẫn tới giá vàng trong nước chưa thể giảm, khiến khoảng cách giá vàng trong nước – thế giới chưa được thu hẹp.
Trong phiên thảo luận tại tổ sáng 23/5, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn tỉnh Bắc Giang) cho rằng, để kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, phải tính đúng, tính đủ giá thành của vàng trong nước làm giá khởi điểm đấu giá. Đó là lấy giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt Nam cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác ra giá khởi điểm đấu thầu.
Ông Lâm cũng đặt vấn đề: Quan điểm của Chính phủ khi mang vàng ra đấu thầu sát với giá thị trường Việt Nam là gì? Là muốn bán vàng với giá cao để thu được nhiều tiền về hay để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân?
Cần biện pháp hành chính để minh bạch thị trường vàng
Cùng với nhận định rằng, giá vàng trong nước không phản ánh đúng vấn đề cung cầu, nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề: Có hay không sự đầu cơ trên thị trường vàng? Và phải làm gì để minh bạch thị trường vàng?
Thực tế, theo ghi nhận trên thị trường vàng, dù đã có một lượng vàng không nhỏ được bơm ra thị trường sau những phiên đấu thầu, nhưng dường như cơn khát vàng vẫn chưa được giải nhiệt. Tình trạng khan hiếm vàng SJC vẫn diễn ra, nhiều người dân vẫn không mua được vàng.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần những giải pháp hành chính mạnh tay, quyết liệt để làm minh bạch thị trường vàng, trước khi nghĩ đến những giải pháp khác như nhập khẩu vàng….
Ngoài đề xuất sửa đổi Nghị định 24 về vàng ban hành từ năm 2012 mà theo nhiều chuyên gia là đã lỗi thời, các biện pháp hành chính khác như áp dụng hóa đơn điện tử, thanh tra thị trường vàng…. cũng được coi là có khả năng làm minh bạch thị trường vàng.
Trong đó, yêu cầu xuất hóa đơn điện tử khi giao dịch mua bán vàng được đánh giá là có tính khả thi cao. Yêu cầu này đã được Chính phủ nhiều lần đưa ra. Gần đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua bán vàng. Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì bị rút giấy phép.
Phan Vũ (t/h)
Từ khóa Dòng sự kiện đấu thầu vàng