Bộ Công thương mời DN Trung Quốc sang mua gạo
- Tường Văn
- •
15 doanh nghiệp nhập khẩu nông sản Trung Quốc và đại diện Hiệp hội Lương thực nước này đã nhận lời mời tham gia sự kiện xúc tiến thương mại mặt hàng gạo do Bộ Công thương Việt Nam tổ chức.
Hội thảo hợp tác thương mại gạo Việt Nam – Trung Quốc tổ chức trong bối cảnh Trung Quốc gần đây có những tác động chính sách siết chặt nhập khẩu gạo từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Các hoạt động xúc tiến thương mại gạo giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam đã được thực hiện tại TP.HCM, Cần Thơ và Kiên Giang từ ngày 7 – 10/8 vừa qua.
Theo đó, đoàn Trung Quốc tham gia sự kiện gồm 15 doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu lương thực đến từ các tỉnh An Huy, Quảng Đông, Phúc Kiến và đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc.
Theo Bộ Công thương, việc mời các doanh nghiệp nhập khẩu lương thực của Trung Quốc sang hợp tác, kết nối là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu và thảo luận về các vấn đề chủng loại, chất lượng, giá cả mặt hàng gạo xuất khẩu Việt Nam.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao về cơ sở sản xuất, chế biến gạo của các doanh nghiệp Việt, qua đó thể hiện mong muốn được tiếp tục hợp tác thương mại, đặc biệt là hợp tác kênh phân phối siêu thị tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Được biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Mặc dù vậy, xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2018 vào thị trường này đã bị sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc nhập khoảng 844.100 tấn gạo Việt Nam với tổng kim ngạch hơn 449 triệu USD, giảm 21% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Nguyên nhân sụt giảm gạo tại thị trường Trung Quốc, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, là do nước này điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu gạo và nếp lên 40% – 50% (trừ gạo tấm), bên cạnh đó là những thay đổi về mặt chính sách nhập khẩu theo hướng siết chặt hơn đã khiến gạo Việt Nam vào Trung Quốc sụt giảm mạnh.
Tường Văn
Xem thêm:
Từ khóa Gạo Công ty Trung Quốc xuất khẩu gạo việt nam xuất khẩu nông sản