Hàng hóa, vận tải tăng giá, Bộ Tài chính dự báo CPI tháng 3 tăng cao
- Quang Minh
- •
Ba ngày sau đợt điều chỉnh khiến giá xăng dầu bán lẻ trong nước tiến sát mức 30.000 đồng/lít, Bộ Tài chính Việt Nam dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của một số mặt hàng tiêu dùng, cước phí vận chuyển,… sẽ tiếp tục tăng cao theo đà điều chỉnh tăng giá từ đầu tháng 3.
Chiều ngày 14/3, trong cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và một số bộ ngành, Bộ Tài chính dự báo chỉ số CPI tháng 3 tiếp tục tăng cao do một phần tác động từ giá xăng dầu. Dù chưa có con số dự báo CPI tháng 3 cụ thể, chỉ số CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2022 được Bộ Tài chính đưa ra khá khiêm tốn, chỉ ở mức khoảng 2-2,1%.
Ngày 11/3, giá xăng dầu lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay với giá xăng RON95 tăng lên mức 29.820 đồng/lít; giá dầu Diesel ở mức 25.260 đồng/lít. Tính từ đầu năm 2022, bình quân giá xăng các loại đã tăng 25%, giá dầu các loại tăng khoảng 35%.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tăng giá đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ khiến các doanh nghiệp vận tải phải tính toán để điều chỉnh tăng giá cước.
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa gửi hãng tàu về điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái – Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết… với mức tăng 10-30% so với đơn giá được duy trì từ năm 2019. Mức giá mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4 – theo báo Tuổi Trẻ.
Ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết doanh nghiệp vận tải thua lỗ do khách vắng, nay lại thêm giá xăng dầu tăng cao. Ông Liên chia sẻ: “Giá xăng dầu tăng quá cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, các ngành vận tải, sản xuất. Điều này sẽ kéo theo giá hàng hóa thiết lập mặt bằng giá mới”, báo Tiền Phong dẫn lời.
Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính, tại Bến xe miền Đông (TP.HCM), hơn 10 đơn vị vận tải đã kê khai điều chỉnh tăng 20% giá vé và áp dụng từ cuối tháng 3 này. Theo đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, do giá xăng dầu liên tục tăng nên vài ngày nữa các đơn vị vận tải của hiệp hội sẽ phải tăng giá cước.
Ông Kajiwara Junichi – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết giá các nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao khiến doanh nghiệp phải tăng giá bán.
Theo trang Zing, khảo sát tại siêu thị Top Market (Quận Đống Đa, Hà Nội), các sản phẩm của thương hiệu Acecook tăng giá khoảng 5-10% so với trước: Mì lẩu thái tôm có giá 173.100 đồng/thùng 30 gói, mì Hảo Hảo giá 103.800 đồng/thùng 30 gói, phở gà Đệ Nhất Vina Acecook giá 6.400 đồng/gói,…
Với mặt hàng sữa, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam thông báo giá bán lẻ của 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-6 tuổi đều tăng giá khoảng 5%.
Đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Abbott là Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A thông báo tăng giá 45 mặt hàng thuộc nhãn hiệu Abbott Grow, Similac và Pediasure. Mức tăng giá các mặt hàng này khoảng 5%.
Chị Nguyễn Thùy Linh (Quận 6, TP.HCM) cho biết từ tháng 6/2021 đến nay, chị bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Chồng chị mỗi tháng đưa 5 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. Ở nhà nội trợ, mỗi lần ra cửa hàng mua trái cà chua, cọng rau, con cá,… chị đều phải đắn đo.
Chị Linh nói: “Kinh tế khó khăn, tôi phải tính chuyện ăn từng bữa, đôi khi phải chọn những món dễ nấu để tiết kiệm tiền gas. Giá mỗi bình gas 12kg bây giờ hơn 530.000 đồng bao gồm phí vận chuyển tận nhà”, báo Việt Nam Net dẫn lời.
Cũng tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính cho hay rất khó để quản lý mặt bằng giá do áp lực giá xăng dầu tăng cao. Tuy vậy, không loại trừ có một số mặt hàng tăng giá bất hợp lý theo đà tăng của giá xăng dầu, do đó Bộ Tài chính đề xuất sẽ tăng cường kiểm tra các hoạt động tăng giá của các doanh nghiệp.
Từ khóa Hàng hóa tăng giá chỉ số CPI