Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án sửa chữa đường sắt 7.000 tỷ đồng
- Đức Minh
- •
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo hạ tầng đường sắt trong gói dự án trị giá 7.000 tỷ đồng đang thực hiện chậm so với hợp đồng. Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất thêm hơn 4.700 tỷ đồng để tiếp tục sửa chữa các hạng mục cầu đường.
- Đường sắt Việt Nam đề xuất 4.760 tỷ đồng sửa chữa đường hầm, bán kính cong
- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ hơn 670 tỷ trong năm 2021
Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết hiện nay dự án gia cố các hầm yếu kết hợp cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh – Nha Trang (dự án Vinh – Nha Trang) và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM (dự án 129 cầu) thuộc gói 7.000 tỷ đồng đang được các chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai.
Tuy vậy, vẫn còn một số hạng mục công trình, gói thầu chậm, dẫn đến dự án bị trễ tiến độ.
Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý Dự án (QLDA) 85 phối hợp với địa phương để sớm bàn giao mặt bằng tại các ga như: Xuân Sơn Nam, Tam Thành, Đông Tác; các hạng mục đường gom thuộc Tuy Hoà (Phú Yên), Đà Nẵng,…
Bên cạnh đó, Ban QLDA tiếp tục làm việc với UBND TP Đà Nẵng nhanh chóng bàn giao mặt bằng phạm vi hàng rào đường gom Km 775+527-Km 775+875 để triển khai thi công. Trường hợp bàn giao mặt bằng không đáp ứng tiến độ thi công hoàn thành gói thầu, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 85 xem xét dừng các hạng mục này và bàn giao lại cho địa phương.
Trước đó, vào tháng 3/2022, VNR gửi đề xuất ngân sách 4.760 tỷ đồng lên Bộ GTVT để tiếp tục thực hiện sửa chữa hạ tầng đường sắt.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn mong muốn cải tạo, thay thế 87 cầu thiếu an toàn (thuộc đoạn Đà Nẵng-TP.HCM) và tách giao thông đường bộ, đường sắt đối với 3 cầu gồm Lục Nam, Long Đại và Phố Lu. Số tiền cần để thực hiện việc này theo đề nghị của VNR là 1.700 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh của VNR, ngày 6/1, tại cuộc họp triển khai hoạt động kinh doanh năm 2022, doanh nghiệp này dự kiến doanh thu đạt 89% trở lên so với cùng kỳ (năm 2021 đạt 6.653 tỷ đồng), tương đương doanh thu năm nay dự kiến đạt 5.921 tỷ đồng trở lên. Riêng công ty mẹ của VNR đặt ra kế hoạch kinh doanh giảm lỗ hơn 100 tỷ đồng so với năm 2021, dự kiến lỗ 580 tỷ đồng trong năm 2022.
Đối với kết quả kinh doanh năm 2021, doanh thu của VNR đạt 6.653 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm (lỗ) 677,6 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ của VNR ghi nhận khoản lỗ năm 2021 lên đến 690,7 tỷ đồng.
Từ khóa đường sắt Việt Nam VNR Tổng công ty Đường sắt Bộ GTVT