Ngày 21/1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã ký hợp đồng để bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, trị giá hợp đồng lên đến 3.000 tỷ đồng.

DSVN
Tàu hỏa chở hàng hóa của VNR đang chạy tuyến Hải Phòng – Lào Cai (Ảnh: vnra.gov.vn)

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước của Việt Nam, tại buổi ký kết hợp đồng diễn ra vào ngày 21/1 vừa qua, VNR và Cục ĐSVN đã ký hợp đồng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt lên đến 3.000 tỷ đồng, số tiền này được lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Theo hợp đồng, VNR sẽ thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt của Việt Nam, bao gồm các việc: quản lý, giám sát, bảo dưỡng thường xuyên hạ tầng; khắc phục hậu quả bão lũ; sửa chữa định kỳ, kiểm định, sửa chữa đột xuất và công tác khác.

Mới đây, VNR vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam ưu tiên cấp 1.700 tỷ đồng kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đối với các cầu yếu và tách giao thông đường bộ – đường sắt ở vị trí các cầu chung.

Ngoài ra, VNR đề xuất Bộ GTVT Việt Nam cấp vốn giai đoạn năm 2022-2023 để làm cầu vượt giữa đường bộ và đường sắt tại 9 vị trí; cải tạo, sửa chữa 13 hầm tuyến Hà Nội – TP.HCM.

Theo doanh nghiệp này, trong hệ thống đường sắt của Việt Nam còn 3 cầu chung đường bộ – đường sắt gồm: cầu Lục Nam, cầu Long Đại và cầu Phố Lu. Ngoài ra, thống kê của VNR cho biết có 428 cầu yếu, hết niên hạn sử dụng hoặc không còn phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn; 87 cầu có dấu hiệu nguy hiểm.

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021, VNR báo lỗ lên đến hơn 670 tỷ đồng, doanh thu cả năm đạt khoảng hơn 6.600 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch năm 2021). Nguyên nhân doanh thu đạt 100% kế hoạch đặt ra nhưng lợi nhuận âm là do tình hình kinh doanh thua lỗ của VNR đã dự báo trước. Vào tháng 9/2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) cho phép VNR lỗ dưới 700 tỷ đồng năm 2021.

Tình hình kinh doanh kém hiệu quả kéo dài nhiều năm và ảnh hưởng thêm bởi dịch COVID-19, VNR đã cho hơn 6.000 nhân viên nghỉ việc trong năm 2021. Ông Đỗ Văn Hòa, Trưởng ban Nghiệp vụ Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho biết: “Trong năm 2021, hơn 6.000 lượt người lao động phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”, báo Giao Thông dẫn lời.

Năm 2020, VNR có doanh thu là 6.828 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2019. Cùng thời điểm này, VNR ghi nhận khoản lỗ hơn 1.320 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19) của công ty VNR chỉ có 14 tỷ đồng.

Theo số liệu từ báo Thanh Niên, thị phần vận tải của ngành đường sắt năm 2020 giảm xuống gần như 0%, chỉ còn chiếm khoảng 0,2% lượng vận chuyển hành khách và 1,2% lượng vận tải hàng hóa. Trong khi đó, vận tải bằng đường hàng không chiếm 31,4% thị phần và đường bộ là 65,6% năm 2020.

Đức Minh

Xem thêm: