Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng hiện có sự bất cập ở một số Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước khi lương nhân viên cao hơn quản lý, do đó cần đề xuất tăng thêm lương cho vị trí lãnh đạo. Theo số liệu của Bộ này năm 2022, ở một số tập đoàn, tổng công ty thì mức lương lãnh đạo đạt 60-70 triệu đồng/tháng.

trung tam dieu do dien quoc gia EVN trung tam A0 Bo Cong thuong
Ảnh minh họa: cmsc.gov.vn

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương tại doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn. Theo Bộ này, điều chỉnh lương nhằm khắc phục bất cập khi có doanh nghiệp nhà nước trả lương của cấp dưới cao hơn lương lãnh đạo, theo báo Tiền Phong.

Bộ LĐ-TB&XH cho hay người quản lý doanh nghiệp đang áp dụng bảng lương do Chính phủ quy định trên cơ sở so sánh tương quan với khu vực công (hệ số lương x mức lương cơ sở, từ ngày 1/7 là 1.800.000 đồng), trong khi người lao động được áp dụng thang bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng tương quan với thị trường.

Điều này dẫn đến mất cân đối trong hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị thiệt thòi so với người lao động, nhất là khi tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH cho biết tại các doanh nghiệp nhà nước, tiền lương bình quân của người quản lý đạt khoảng 40 triệu đồng/tháng, còn ở một số tập đoàn, tổng công ty thì mức lương đạt 60-70 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, tại Ngân hàng Chính sách xã hội, năm vừa qua, với trên 10.300 lao động đang nhận lương bình quân gần 23 triệu đồng/người/tháng; với 9 lãnh đạo (hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát) nhận lương bình quân gần 65 triệu đồng/người/tháng.

Cùng năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) sử dụng hơn 38.200 lao động, với lương bình quân hơn 30 triệu đồng/người/tháng; với 23 người quản lý lương bình quân 64 triệu đồng/người/tháng.

Công ty mẹ – Tổng công ty Thuốc lá (Vinataba), năm vừa qua, lương bình quân của 503 lao động đạt 24 triệu đồng/người/tháng, lương bình quân của 10 người quản lý chuyên trách nhận hơn 57 triệu đồng/người/tháng.

Còn tại Công ty mẹ – Tập đoàn Hoá chất (Vinachem), năm vừa qua đơn vị đang sử dụng 146 lao động với lương bình quân 30 triệu đồng/người/tháng, với 9 người quản lý chuyên trách nhận lương bình quân hơn 66 triệu đồng/người/tháng.

Hiện người quản lý doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được xác định tiền lương trên cơ sở mức lương cơ bản (từ 16 triệu đồng đến 36 triệu đồng), và hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa 1 lần so với lương cơ bản, trong khi ở công ty cổ phần Nhà nước chi phối, hệ số này tối đa là 2,5 lần.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cho hay tiền lương của người quản lý cũng có sự giảm tương đối so với người lao động trong cùng doanh nghiệp, do các thông số xác định tiền lương đối với người quản lý được quy định và duy trì từ năm 2013 đến nay, trong khi tiền lương của người lao động hằng năm được tăng theo năng suất lao động và lợi nhuận.

Vừa qua, các Tổng công ty phát điện (EVN Genco) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều đã công bố báo cáo tài chính năm 2022. Điểm chung của các tổng công ty này là chi phí trả lương cho nhân viên đều ở mức cao so với bình quân trên thị trường lao động (chưa kể thưởng), lợi nhuận sau thuế đạt từ 2.000 – 4.000 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong năm 2022, chi phí nhân viên của Genco1 ở mức gần 1.500 tỷ đồng. Như vậy, bình quân chi phí cho mỗi nhân viên ở mức 452 triệu đồng/người/năm (tương ứng 37,7 triệu đồng/người/tháng).

Đối với chức danh Chủ tịch của EVN Genco1, mức lương thưởng được nhận trên báo cáo tài chính là gần 760 triệu đồng/năm. Các thành viên của Hội đồng thành viên nhận gần 2 tỷ đồng trong năm 2022. Còn Tổng giám đốc EVN Genco1 nhận gần 710 triệu đồng.

Đức Minh