Vào tháng Tư năm nay, lần đầu tiên nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD vượt qua đối thủ Mỹ Tesla tại thị trường Châu Âu, trở thành hãng dẫn đầu về doanh số xe điện thuần túy (BEV) trong tháng. Điều này không chỉ phản ánh thay đổi thị phần trên thị trường ô tô, mà còn kéo theo biến chuyển sâu sắc trong địa chính trị toàn cầu, chính sách công nghiệp và cục diện thương mại Trung–Âu.

241227BYDCompanyInShenzhen
Một cửa hàng trưng bày showroom của hãng xe BYD, trong một trung tâm mua sắm shoping mall tại Thẩm Quyến. (nguồn Wikipedia)

Chiến lược nhiều mặt của BYD nhằm thâm nhập nhanh Châu Âu

Theo dữ liệu từ tổ chức phân tích thị trường Jato Dynamics, trong tháng Tư, BYD đã đăng ký bán được 7.231 xe điện tại Châu Âu (tăng 169% so với cùng kỳ), vượt nhẹ so với 7.165 xe của Tesla.

Ông Felipe Munoz, nhà phân tích toàn cầu của Jato, cho biết mặc dù chênh lệch doanh số giữa hai thương hiệu khá nhỏ, nhưng tác động lại rất lớn. Tổng số xe điện đăng ký tại Châu Âu trong tháng Tư tăng 28% so với năm ngoái, trong khi các thương hiệu Trung Quốc tăng tới 59%. Ngược lại, các nhà sản xuất ô tô Mỹ, Nhật, Hàn chỉ tăng 26%, cho thấy xe Trung Quốc đang chiếm ưu thế.

Chuyên gia kinh tế sống tại Mỹ, ông Huang David, chia sẻ với Epoch Times rằng việc BYD vượt qua Tesla trong thời gian ngắn không phải chỉ nhờ một mẫu xe bán chạy, mà là kết quả của chiến lược đa phương và tận dụng lợi thế địa chính trị để đạt chứng nhận “xuất xứ nội địa”.

Theo báo cáo, BYD đã xây dựng nhà máy tại các nước Đông Âu như Hungary, và hợp tác với chính phủ thân Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) né tránh kiểm soát nghiêm ngặt của Tây Âu với hàng hóa Trung Quốc, chiến lược gọi là “tẩy trắng nguồn gốc”.

Ông Huang nói rằng với các nước như Hungary và Serbia đang cần phục hồi kinh tế, dòng vốn Trung Quốc được coi là “nguồn nước mát”, trái ngược với sự cảnh giác của các nước công nghiệp truyền thống như Đức, Pháp, Ý.

Ngoài ra, BYD cũng áp dụng chiến lược giá rẻ dưới sự trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc, sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời, họ chuyển các rủi ro về ô nhiễm và tái chế trong chuỗi cung ứng pin về Trung Quốc, giúp người tiêu dùng Châu Âu hưởng “tiêu dùng xanh” trong khi chi phí môi trường lại do Trung Quốc gánh chịu.

Ông nhận định, chiến lược này vừa giúp hạ thấp rào cản giá, vừa tăng tốc độ thâm nhập thị trường.

Tesla bị ảnh hưởng hình ảnh, BYD tranh thủ mở rộng

Trái ngược với BYD, Tesla đang ngày càng tụt dốc tại thị trường Châu Âu. Dữ liệu từ Jato cho thấy, lượng xe đăng ký của Tesla trong tháng Tư giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Volkswagen tăng 61%, còn thương hiệu Skoda tăng gấp đôi.

Ông Felipe Munoz nhận định sự sa sút của Tesla gắn chặt với lập trường chính trị của CEO Elon Musk, người có quan hệ gần gũi với phe cánh hữu, đang ngày càng làm mất lòng người tiêu dùng Châu Âu.

Giới quan sát cho biết, thái độ của người Châu Âu với ông Musk đang ngày càng lạnh nhạt, cộng thêm việc Mỹ rút lại chính sách trợ cấp xe điện thời Biden, chuyển sang hỗ trợ các hãng ô tô truyền thống, khiến Tesla mất đi sự hậu thuẫn thể chế.

Ông Huang cho rằng điều này khiến chính sách Mỹ – Châu Âu bắt đầu lệch pha: Mỹ quay về với xe xăng, còn Châu Âu vẫn theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon, dẫn đến sự phân hóa trong việc hỗ trợ xe điện.

BYD bị cáo buộc bán phá giá, EU áp thuế trừng phạt

Dù đạt thành tích ở Châu Âu, rủi ro của BYD vẫn đang tích tụ. EU đã công bố áp mức thuế trừng phạt tới 35% với xe điện Trung Quốc từ tháng 10/2024 để đối phó với các trợ cấp bất công từ Chính phủ Trung Quốc.

Theo Reuters, EU xem Trung Quốc vừa là đối tác tiềm năng trong một số lĩnh vực, vừa là đối thủ cạnh tranh và đối lập thể chế.

Ủy ban Châu Âu chỉ ra rằng Trung Quốc dư thừa công suất sản xuất xe điện tới 3 triệu xe mỗi năm, gấp đôi quy mô thị trường EU, khiến họ buộc phải xuất khẩu hàng loạt. Với thuế suất lên tới 100% từ Mỹ và Canada, Châu Âu có nguy cơ trở thành mục tiêu chính cho doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá.

Tờ Handelsblatt của Đức tiết lộ, hai bên đang đàm phán về việc thiết lập giá tối thiểu cho xe điện Trung Quốc tại EU, nhưng chưa đạt được thỏa thuận.

Ông Huang cảnh báo thành công hiện tại của BYD là do sự chia rẽ nội bộ trong EU. Đông Âu chào đón vốn Trung Quốc, Tây Âu thì lo ngại ảnh hưởng tới ngành công nghiệp. Một khi cục diện chính trị Châu Âu nghiêng về phe cánh hữu và đạt được đồng thuận về phòng vệ thương mại, BYD sẽ đối mặt với thách thức lớn.

Về việc BYD có cấu thành bán phá giá hay không, giáo sư Tạ Điền từ Đại học Nam Carolina (Mỹ) cho biết, phần lớn xe BYD tại Châu Âu được lắp ráp tại Châu Âu. Số liệu đăng ký còn đến từ các công ty cho thuê xe, không hoàn toàn phản ánh tiêu thụ thực tế của người tiêu dùng, nên không hẳn là xuất khẩu.

Trên thực tế, tháng 7 năm ngoái BYD đã ký bản ghi nhớ hợp tác với công ty cho thuê xe Ayvens tại Châu Âu, nhằm thâm nhập vào thị trường doanh nghiệp. BYD còn có kế hoạch tăng gấp đôi doanh số nước ngoài lên 800.000 xe vào năm 2025.

Hãng đã xây dựng nhà máy tại Brazil, Hungary, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… để giảm áp lực thuế và củng cố nền tảng thị trường quốc tế. Hồi cuối tháng Ba, người phát ngôn của BYD cũng khẳng định sẽ tiếp tục kết hợp lắp ráp tại nước sở tại và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc để duy trì lợi thế chi phí.

Châu Âu – Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc: BYD chỉ hưởng lợi trong ngắn hạn

Ở góc độ vĩ mô, việc BYD mở rộng ra nước ngoài bị coi là giải pháp xuất khẩu khẩn cấp trước tình trạng dư thừa công suất trong nước. Nhưng hiệu quả lâu dài vẫn chưa thể dự đoán.

Ông Huang cho rằng liệu BYD có thể chuyển lợi thế trợ cấp thành năng lực cạnh tranh hợp pháp hay không sẽ là yếu tố quyết định thành bại tại Châu Âu. Ông nói: “Chiến thắng này chỉ là lợi thế ngắn hạn, không phải chiến thắng cuối cùng.”

Tiến sĩ Vương Tú Văn thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan cũng cho rằng thắng lợi của BYD chỉ mang tính giai đoạn. Dữ liệu tháng Tư cho thấy các thương hiệu khác như Ford, Skoda hay Xiaopeng (Trung Quốc) đều tăng trưởng cao hơn BYD, thị trường Châu Âu vẫn đang cạnh tranh khốc liệt.

Bà nhấn mạnh: “Chỉ dựa vào dữ liệu 01 tháng là chưa đủ, cần theo dõi liệu có hình thành xu thế ổn định hay không.”

Việc BYD lần đầu vượt Tesla tại Châu Âu không chỉ là chuyện con số bán hàng, mà còn phản ánh cuộc cạnh tranh nhiều mặt về địa chính trị, chính sách công nghiệp, thương hiệu và thị hiếu người tiêu dùng.

Chiến thắng này cho thấy sản xuất Trung Quốc đang thâm nhập nhanh vào chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu, đồng thời phơi bày mâu thuẫn giữa lý tưởng môi trường và thực tế kinh tế trong nội bộ Châu Âu.

Ông Tạ Điền cảnh báo điều đáng lo không chỉ là BYD bán chạy, mà là thách thức mà nó đặt ra cho chính sách và quyền tự chủ ngành công nghiệp Châu Âu.

Với thái độ ngày càng cứng rắn của phương Tây đối với Trung Quốc, trong tương lai BYD sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ chính sách nghịch chiều, áp lực quản lý và nhu cầu thị trường thực sự.