Đại biểu Quốc hội nêu tình trạng hàng giả, hàng nhái bày bán công khai trên các khu chợ nhiều năm nhưng không ai quản lý. Khu chợ “nhái, giả” đóng cửa hàng loạt đối phó với “đợt tấn công cao điểm” của Chỉ thị 13. Tiểu thương “khóc ròng” đề nghị Chính phủ điều chỉnh gì cũng phải tính đến sinh kế của người dân. 

Screen Shot 2025 05 25 at 10.40.19 PM
Các cửa hàng thời trang “nghỉ hè sớm” trong đợt tấn công cao điểm. Ảnh FB.

Ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 13 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Chỉ thị thể hiện tính trọng yếu và quyết tâm của Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng “mở đợt tấn công cao điểm” trên toàn quốc từ ngày 15/5 đến 15/6/2025.

Một hệ thống các tổ công tác chuyên đề được thành lập: Tổ công tác cấp Chính phủ do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trường, Tổ công tác cấp tỉnh do các Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng cùng các thành phần liên quan chịu trách nhiệm triển khai đồng bộ, hiệu quả “đợt tấn công cao điểm”.

Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư Pháp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các cơ quan báo chí,… đều được chỉ đích danh giao nhiệm vụ.

Đặc biệt Lực lượng quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương sẽ trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ kinh doanh hàng nhập khẩu, sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên không gian mạng và lưu thông ngoài thị trường.

Đến cuối tháng 6, các tổ công tác phải báo cáo tình hình buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ tại địa phương và đề xuất các phương hướng xử lý.

Lực lượng mới ra quân, các tiểu thương “đóng cửa” nghỉ hè hàng loạt

Ngày đầu tiên ra quân, lực lượng quản lý thị trường tại Đà Nẵng ra quân đã tịch thu được hơn 2000 sản phẩm giả bày bán công khai tại các tuyến phố du lịch. Như “nhận được tín hiệu vũ trụ”, nhiều cửa hàng thời trang “đóng cửa nghỉ có việc” ngay trong ngày thanh kiểm tra.

DB Thai Thu Xuong
Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương đặt câu hỏi “cơ quan quản lý ở đâu” khi khu chợ bán hàng giả, hàng nhái trong rất nhiều năm. Ảnh Báo Lao Động.

Câu chuyện hàng giả, hàng nhái cũng nóng trên nghị trường Quốc hội khi Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn Đại biểu tỉnh Hậu Giang chỉ đích danh chợ Ninh Hiệp ở Gia Lâm, Hà Nội, cả chợ bán hàng giả, hàng nhái và khi có đoàn kiểm tra đến thi cả chợ đóng cửa.

Một chợ rất lớn như vậy, vai trò quản lý thị trường thế nào mà cả chợ bán công khai như thế” – Đại biểu Xương đặt câu hỏi.

Ngay lập tức, mọi con mắt đổ dồn về chợ Ninh Hiệp.

Ninh Hiep 12
Một đoàn thanh kiểm tra tới Chợ Ninh Hiệp ngày 19/5. Ảnh Facebook Nguyễn Bích Ngọc.

Một cư dân mạng Ninh Hiệp chia sẻ “Rất bức xúc khi được biết đại biểu Quốc hội nào đó nói Ninh Hiệp toàn đồ nhái, giả tồn tại bao nhiêu năm. Không đại biểu đã tìm hiểu chưa mà phát biểu như vậy. Chợ nào mà chẳng bán đồ như vậy, có phải ai cũng có tiền mặc đồ “real” đâu. Liên quan tới bao sinh kế của người dân, bao nhiêu công ăn việc làm, bối cảnh đất nước như thế nào, đại biểu phải tìm hiểu chứ.”

Một tài khoản khác cũng trong nhóm tiểu thương chợ Ninh Hiệp cho rằng “Quần áo giả thì không sao, ít tiền phù hợp với người dân. Mong các cơ quan hãy thanh tra kiểm tra thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm giả ấy, cái đó mới cần thiết”

Tài khoản T.A đề nghị “Vấn đề các bác làm mạnh thì thông báo cho người dân điều chỉnh từ giờ trở đi chứ không ai muốn làm chui hết cả. Chứ lật lại cả chục năm về trước, để chất đồ chất đống các vấn đề rồi gom vào nộp phạt nọ nộp phạt kia, đùng một cái ra quân, ai chẳng hoang mang

Cũng có cư dân mạng ủng hộ cách làm của Chính phủ ” Hy vọng việc thanh tra kiểm tra thường xuyên, liên tục để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, không có chỗ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh yếu kém sản xuất hàng giả”

Phóng sự trên Đài PTTH Hà Nội ghi nhận ngày 24/5, chợ Ninh Hiệp một số cửa hàng vẫn đóng cửa, một số cửa hàng đã mở trở lại. Một tiểu thương trả lời với Đài PTTH Hà Nội lý do các cửa hàng đóng cửa là “để đi hoàn thiện hóa đơn điện tử” trước ngày 31/5.

Nguyên Hương (t/h)