Phòng Ngoại thương Đức đã thành lập Văn phòng Dịch vụ Trung Quốc nhằm hỗ trợ các công ty muốn rời Trung Quốc. Được biết động thái chủ trương “Trung Quốc + 1”, nghĩa là khích lệ doanh nghiệp trong việc tăng thêm hoạt động vào những thị trường khác ngoài Trung Quốc, chứ không có nghĩa “lời tạm biệt hoàn toàn với Trung Quốc”.

shutterstock 1760362139
Volkswagen Trung Quốc suy yếu trong kỷ nguyên ô tô mới. (Nguồn: Helloabc/ Shutterstock)

Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Ngoại thương Đức cho thấy, gần một nửa số công ty Đức bày tỏ mong muốn giảm thiểu rủi ro tại Trung Quốc. Một cách tiếp cận là đa dạng hóa hoạt động như quản lý, nghiên cứu hoặc sản xuất trên nhiều vùng địa lý. Văn phòng Đa dạng hóa của Phòng Thương mại đặc biệt khuyến nghị nên đến Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Lý do khiến các công ty muốn phát triển kinh doanh ở các nước khác là vấn đề kinh tế Trung Quốc khó khởi sắc, do căng thẳng trên eo biển Đài Loan, khả năng Mỹ và châu Âu tăng thuế quan cũng như ngăn chặn đối với Trung Quốc…

Chính phủ Đức đã kêu gọi “giảm rủi ro” cho nền kinh tế Đức, cảnh báo các chính sách nhằm khiến doanh nghiệp Đức “phụ thuộc về kinh tế và công nghệ”. Ngày nay, Đức phụ thuộc vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực như kim loại quý, pin lithium, quang điện hay hoạt chất dược phẩm. Để giành lại cũng như bảo đảm “chủ quyền kinh tế”, Chính phủ Đức kêu gọi giảm rủi ro: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo dựng và mở rộng các mối quan hệ đối tác cân bằng ở châu Á, tránh  quá tập trung vào Trung Quốc khiến tự cô lập mình. Cụ thể, điều này có nghĩa: các công ty Đức và châu Âu cần có những mối quan hệ đối tác mới”.

Các đối tác kinh doanh đầy hứa hẹn ở châu Á bao gồm Việt Nam và Ấn Độ. Ví dụ như Việt Nam. Cơ sở sản xuất mới của RRC Batterien đã hoạt động ở Việt Nam được một năm. Công ty có trụ sở tại Homburg thuộc bang Saarland của Đức sản xuất các thiết bị lưu trữ năng lượng để sử dụng trong robot, máy bay không người lái cũng như thiết bị công nghệ y tế và quốc phòng. RRC cho biết nhà máy mới nhằm mục đích “đa dạng hóa nhà cung cấp và cơ sở sản xuất [hiện quá tập trung] tại Trung Quốc và Đài Loan”. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, “chúng tôi có thể giảm thiểu tốt hơn những gián đoạn tiềm ẩn đối với chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn cung liên tục đáng tin cậy”.

Phòng Ngoại thương Đức tại Việt Nam còn cho biết nhiều trường hợp khác, đó là hơn 100 công ty Đức có 530 dự án đầu tư ở Việt Nam, cung cấp gần 50.000 việc làm; trọng điểm là hoạt động tư vấn, nhưng sản xuất cũng mạnh ở các lĩnh vực như máy móc, dệt may, hóa chất và điện tử. Các công ty bao gồm nhà cung cấp phụ tùng ô tô Bosch, nhà sản xuất khí công nghiệp Messer, nhà sản xuất dược phẩm Starda… đều có hoạt động tại Việt Nam. Động lực mạnh mẽ nhất để phát triển các địa điểm sản xuất mới là “chiến lược Trung Quốc + 1”.

Một điểm đến tiềm năng khác là Ấn Độ. Với 1,4 tỷ dân, thị trường Ấn Độ có quy mô tương đương Trung Quốc nhưng lại nghèo hơn nhiều. Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck (Đảng Xanh) dự kiến ​​ vào cuối tháng 10 sẽ chủ trì Hội nghị Doanh nghiệp Đức – châu Á Thái Bình Dương. Người phụ trách ngoại thương tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức ở Berlin là Volker Terrell cho biết: “Các công ty Đức có thể hưởng lợi từ hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ; Ấn Độ là địa điểm lý tưởng để sản xuất chất bán dẫn và dược phẩm. Ngoài ra di động kỹ thuật số cũng đầy tiềm năng”. Khối lượng thương mại Đức với Ấn Độ đã tăng nhẹ và đạt 30 tỷ euro vào năm 2023. Trong số những thứ khác có hóa chất, dược phẩm, máy móc và quần áo được nhập khẩu từ Ấn Độ. Để củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách là đối tác thương mại, Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu một hiệp định thương mại, mặc dù các cuộc đàm phán có thể mất nhiều thời gian.

Dù vậy vấn đề tìm kiếm đối tác mới cũng không thể rũ bỏ thực tế: tầm quan trọng của Trung Quốc với các công ty Đức lớn đến mức sẽ khó có thể sớm tái cân bằng nếu nhanh chóng rời Trung Quốc. Năm ngoái tổng khối lượng thương mại (nhập khẩu và xuất khẩu) giữa Đức và Trung Quốc đã vượt 250 tỷ euro. Trung Quốc chiếm khoảng 8% tổng ngoại thương của Đức và là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, trong khi Ấn Độ và Việt Nam xếp hạng thấp hơn nhiều với tỷ trọng trong khối lượng giao dịch tại Đức lần lượt là 1% và 0,5%. Tình hình cũng tương tự ở các nước mới nổi khác như Mexico, Nam Phi và Brazil.

Nhưng vì chiến lược Trung Quốc, giờ đây Chính phủ Đức tập trung vào những gì họ không còn muốn nữa, triển vọng mới như thế nào sẽ tính sau. Như chuyên gia Rolf J. Langhammer thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết: “Theo những gì chúng tôi biết, chính phủ liên bang vẫn chưa phát triển chiến lược tăng cường thương mại với Ấn Độ, Brazil và các nước mới nổi khác, để đa dạng hóa thương mại tránh phụ thuộc thị trường Trung Quốc”.

Theo Đan Lan, RFI