Cơn bão “thuế quan đối đẳng” của Mỹ phá vỡ phòng tuyến Đông Nam Á, Việt Nam – điểm đến chính của chiến lược “Trung Quốc +1” – chịu cú sốc nặng nề nhất. Các doanh nhân người Hoa ở Việt Nam than thở: “Làm ăn ở Việt Nam ngày càng khó, đặc biệt là những ông chủ mới mở nhà máy đầu năm nay, thực sự chỉ biết khóc thầm…”

China shipping
Ngày 1/10/2024, các container của hãng vận tải biển Trung Quốc tại khu vực gần bến cảng vận tải ở thành phố Elizabeth, bang New Jersey. (Ảnh: Madalina Vasiliu / Epoch Times)

Ngày 2/4 năm nay, Mỹ tuyên bố áp mức thuế trừng phạt 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo báo Sing Tao Daily, cuộc chiến thuế quan của Mỹ đang lan rộng toàn cầu, trong đó mũi nhọn nhằm vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á từ lâu đã bị Mỹ xem là “cửa sau” để hàng hóa Trung Quốc lách vào thị trường Mỹ, trong đó Việt Nam tiếp nhận lượng đầu tư ngành công nghiệp từ Trung Quốc nhiều nhất, và đang phải chịu áp lực cân bằng cực lớn giữa hai cường quốc. Nhiều doanh nhân Hoa kiều kể lại hành trình tâm lý đầy thăng trầm của họ theo chính sách thuế quan, đan xen giữa lo lắng, do dự, kỳ vọng và niềm tin.

Ông Vương, một cố vấn thương mại tại Việt Nam, than phiền rằng hàng loạt hợp đồng xây dựng nhà máy của ông đều bị “phanh lại”; dù sau đó việc tăng thuế được tạm hoãn, nhưng “trong bối cảnh đầy bất định hiện nay, mọi người chủ yếu chọn chờ đợi và quan sát”.

“Trước đây ai cũng nghĩ cùng lắm tăng 15%, ai mà ngờ lại cao đến vậy!”. Ông Vương điều hành một công ty tư vấn tại Hà Nội chuyên cung cấp giải pháp trọn gói cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Khi đó ông đã rất vất vả để ký được nhiều hợp đồng dịch vụ đưa các nhà máy điện tử và đồ chơi Trung Quốc sang Việt Nam, có dự án trị giá lên đến 100 triệu USD, thậm chí có khách hàng đã đặt cọc; nhưng chính sách thuế khắc nghiệt đã khiến tất cả phải đột ngột dừng lại.

“Hiện tại gần như mọi thứ đang rơi vào trạng thái đình trệ,” ông Vương thở dài. “Việc đầu tư xây dựng nhà máy đòi hỏi vốn lớn, một khi đã rót vào thì không thể dễ dàng rút ra, nên chẳng ai dám liều.”

Ông Quách, một doanh nhân người Hoa hoạt động lâu năm trong ngành dệt may tại Việt Nam, cũng vô cùng lo lắng. Trước đó, ông cùng các đối tác từ Trung Quốc Đại Lục đến Tp. Hồ Chí Minh khảo sát, có kế hoạch mua đất để xây nhà máy sợi kèm theo hệ thống phụ trợ, nhưng sau cú sốc thuế quan, đối tác đã lập tức dừng kế hoạch hợp tác. Một người bạn khác của ông, dự định xây dựng nhà máy rộng 80.000 m², dù đã hoàn thành 60.000 m², nhưng phần còn lại cũng phải tạm hoãn.

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất. Trước gánh nặng thuế suất cao, Việt Nam đã nhanh chóng tìm kiếm đàm phán thỏa hiệp với Mỹ. Giống như nhiều quốc gia và khu vực khác, ngày 9/4, Việt Nam được hoãn áp thuế “đối đẳng” trong 90 ngày, thuế suất đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ được tạm thời giảm xuống 10%.

Khoảng thời gian gia hạn ngắn này giúp các nhà máy có được chút thời gian thở, tranh thủ đẩy mạnh sản xuất để gấp rút xuất hàng. Một số doanh nhân người Hoa nói rằng đơn hàng đổ về ồ ạt: “Một tháng nhận đơn đủ sản xuất cả năm!”, “Không thể tiếp nhận thêm, không còn năng lực sản xuất nữa!”

Năm 2018, khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, để né thuế, doanh nghiệp Trung Quốc đã ồ ạt chuyển nhà máy sang Việt Nam. Chiến lược “Trung Quốc +1” nghĩa là các doanh nghiệp tìm thêm một cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc để phân tán rủi ro, và Việt Nam là điểm đến hàng đầu khi đó.

Năm 2019, Việt Nam phê duyệt 705 dự án đầu tư từ Trung Quốc, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 2,392 tỷ USD, tăng mạnh 96,5% so với năm trước. Từ đó đến nay, làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam chưa từng dừng lại, và trải dài nhiều ngành nghề như dệt may, thiết bị, điện tử, năng lượng… Năm nay, các hãng xe như Chery và Geely cũng đã thâm nhập thị trường Việt Nam.

Ông Trump rõ ràng đã rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu, lần này quyết tâm bịt kín mọi kẽ hở thương mại, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Trần Ba (Chen Bo), nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết cuộc chiến thương mại toàn cầu “Trump 2.0″ nhắm đến việc nhổ bỏ chuỗi cung ứng Trung Quốc khỏi các quốc gia khác, tiếp tục bao vây hàng hóa Trung Quốc. Ông cũng nhận định rằng trong hiệp định thương mại Mỹ – Việt có khả năng sẽ xuất hiện các điều khoản loại trừ sản phẩm Trung Quốc hoặc hàng gia công xuất khẩu từ Trung Quốc.