Chưa thể “hóa rồng”, FECON xin hoãn nợ, không chia cổ tức
- Tùng Lâm
- •
Sau khi ký kết hợp đồng chiến lược với gã khổng lồ “PowerChina” để phát triển đường sắt cao tốc, điện hạt nhân cho Việt Nam, FECON (mã FCN) lại trở về hoạt động kinh doanh thường hằng. Dòng tiền khó khăn, doanh nghiệp trình xin cổ đông nợ cổ tức từ năm 2022, không chia cổ tức năm 2024.

Sáng ngày 28/4, Công ty Cổ phần FECON – công ty được gã khổng lồ “PowerChina” lựa chọn ký hợp tác chiến lược để phát triển các dự án đường sắt và điện hạt nhân tại Việt Nam – tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Kết quả kinh doanh quý I “suýt soát” điểm hòa vốn, lợi nhuận không đáng kể
Tại ĐHĐCĐ, Ban lãnh đạo FECON đặt mục tiêu doanh thu kế hoạch hợp nhất năm 2025 là 5000 tỷ đồng, tăng 48% so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, gấp 6,6 lần cùng kỳ năm trước.
Lý giải về cơ sở doanh thu, ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị FECON cho biết giá trị hợp đồng Backlog chuyển tiếp từ năm trước sang khoảng 2500 tỷ đồng và cho đến hết quý I công ty đã ký mới được thêm 1300 tỷ đồng nữa, nên kế hoạch kinh doanh năm nay là có cơ sở.
Góp vào kế hoạch lợi nhuận, mảng thi công sẽ đóng góp 55 tỷ đồng, mảng đầu tư đóng góp 145 tỷ đồng đến từ các dự án Phổ Yên (Thái Nguyên) và cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái.- Bà Nguyễn Thị Nghiên, kế toán trưởng FECON cho biết thêm.
Về kết quả kinh doanh quý I, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết Quý 1/2025, tổng doanh số ký hợp đồng đạt 1,300 tỷ đồng, thực hiện khoảng 20% kế hoạch năm. Doanh thu ước tính 820 tỷ đồng, thực hiện 16% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế quý 1 đã vượt điểm hòa vốn, tuy nhiên chưa đáng kể.
FECON đang bàn bạc sâu với một đối tác Trung Quốc để đầu tư dự án TOD
FECON cho biết sẽ tập trung vào các dự án ngầm đô thị, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và các dự án cảng biển lớn. Công ty sẽ tích cực dựa vào công nghệ của đối tác chiến lược. Với các dự án lớn, công ty xác định có đối tác đi cùng. Nguồn vốn triển khai sẽ chủ yếu đến từ nhà đầu tư, FECON nhắm tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Với các dự án phát triển hạ đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), FECON đang bàn bạc sâu với một đối tác Trung Quốc. Hiện FECON đang lọc 3 dự án để nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu và quyết định đầu tư. Công ty chưa thể chia sẻ tên dự án cụ thể do yêu cầu bảo mật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dòng tiền khó khăn, FECON trình các cổ đông xin nợ, không chia cổ tức
Chủ tịch FCN Phạm Việt Khoa thông tin về cổ tức năm 2022, “do tình hình dòng tiền khó khăn, HĐQT đã xin ý kiến cổ đông cho chậm trả“. Phần cổ tức còn lại sẽ được cố gắng thu xếp chi trả xong trong quý 2 năm nay.
“Về việc không chia cổ tức năm 2024, do dòng tiền Công ty vẫn đang rất âm. Việc thu hồi công nợ trong ngành xây dựng giai đoạn vừa qua rất vất vả”. – Ông Khoa cho biết thêm.
Năm 2025 dự kiến cổ tức tỷ lệ tối đa 5%.
FECON đang niêm yết trên sàn HOSE với mã cổ phiếu FCN. Giá cổ phiếu trong
FECON được biết đến là đối tác được gã khổng lồ “PowerChina” lựa chọn làm đối tác chiến lược để phát triển các dự án đường sắt cao tốc, điện hạt nhân ở Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký kết trong chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Việt Nam giữa tháng 4.
Nhiều câu hỏi đặt ra về việc nguồn vốn, năng lực kỹ thuật, quản trị của FECON khi làm việc với Tập đoàn nước ngoài để phát triển các hạ tầng giao thông, năng lượng chủ chốt của Việt Nam. Đáng chú ý là các dự án này đều được thực hiện bằng tiền vay của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu làm động lực phát triển kinh tế, làm bàn đạp tiếp thu chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ công nghệ.
Từ khóa FECON FCN dự án đường sắt cao tốc Điện hạt nhân PowerChina
