Thanh tra Chính phủ kết luận Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, liên Bộ Công Thương – Tài chính đùn đẩy khiến hàng nghìn tỷ đồng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bị chiếm dụng, hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu bị một số thương nhân đầu mối kê thiếu, nợ.

tp.hcm xep hang do xang toi ngay 13 11 cay xang tp.hcm xang dau
Hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu bị một số thương nhân đầu mối kê thiếu, nợ. (Ảnh minh họa: CTV / Trí Thức VN)

Nợ nghìn tỷ thuế bảo vệ môi trường, nhưng nghìn tỷ vào “túi” Chủ tịch tập đoàn xăng dầu

Ngày 4/1, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Bản kết luận thanh tra dẫn số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay tại thời điểm 31/10/2022, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 6.323 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2022, có 6/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được thanh tra đang nợ tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 3.219 tỷ đồng.

Mặc dù còn nợ ngân sách nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng ngàn tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ nêu Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (từ năm 2017 – 2022) cho Phó tổng giám đốc – ông Chu Đăng Khoa và Chủ tịch HĐQT – bà Chu Thị Thành mượn hơn 7.485 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân trên còn nợ công ty tổng số tiền hơn 1.396 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã âm vốn chủ sở hữu hơn 462 tỷ đồng; nợ Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 1.246 tỷ đồng; nợ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hơn 212 tỷ đồng. Tính sơ bộ, công ty này nợ hơn 1.920 tỷ đồng nhưng đang cho Chủ tịch HĐQT – bà Mai Thị Hồng Hạnh nợ hơn 2.978 tỷ đồng.

Người dân mua xăng “cõng” thuế…

Nguyên nhân dẫn tới “lỗ hổng nghìn tỷ” tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được cho là do năm 2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2022/NĐ-CP đã không quy định thời điểm kê khai, nơi nộp thuế bảo vệ môi trường đối với sản lượng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được loại trừ khi tính thuế và được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định Nghị định số 67/2022/NĐ-CP. Việc này dẫn tới việc các thương nhân kê khai thiếu, tính thiếu thuế bảo vệ môi trường.

Chỉ tính trong năm 2019, số thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu bị kê khai thiếu là hơn 4.900 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần thương mại Dầu khí Đồng Tháp kê khai, nộp thuế môi trường tự thỏa thuận với các thương nhân dầu mối kinh doanh xăng dầu khi mua xăng dầu của nhau, tổng cộng kê khai thiếu hơn 17.294 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.

Theo Thanh tra Chính phủ, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, khối lượng tiêu thụ lớn, khi người tiêu dùng mua xăng dầu là trả ngay tiền hàng và tiền thuế bảo vệ môi trường; doanh nghiệp bán xăng dầu thu và nộp lại ngân sách. Song, Tổng cục Thuế và nhiều Cục thuế “thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát đối với việc kê khai thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”.

Hệ quả là nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được phát hiện “nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng, trong nhiều kỳ, nhiều năm”.

Dẫn ví dụ, Thanh tra Chính phủ cho biết Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường; không kê khai và kê khai không trung thực số thuế bảo vệ môi trường phải nộp. Tính từ năm 2018 đến hết năm 2021, tổng số thuế bảo vệ môi trường lần đầu và tổng số thuế bảo vệ môi trường kê khai lại tăng thêm hơn 3.287 tỷ đồng.

… “cõng” cả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Với nguồn tiền từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu – ảnh hưởng trực tiếp đến giá xăng dầu và túi tiền của người dân, kết quả thanh tra xác định cơ quan quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì (Bộ Tài chính) và cơ quan phối hợp (Bộ Công thương) trong việc quản lý quỹ, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Kết quả, 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ bình ổn giá với số tiền hơn 7.927 tỷ đồng.

Theo quy định, Quỹ Bình ổn giá chỉ được sử dụng trong trường hợp cấp bách, khi giá tăng cao bất thường ảnh hưởng tới đời sống người dân, nhưng liên Bộ Công Thương – Tài chính sử dụng quỹ này liên tục trong thời gian dài, khi không có biến động về giá.

Theo kết luận thanh tra, trong hơn 5 năm, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định chi từ Quỹ Bình ổn giá khi giá nhiên liệu chưa tăng với số tiền gần 1.143 tỷ đồng, và chi bình ổn cao hơn mức tăng giá hơn 318 tỷ đồng.

Trong 1,5 năm (từ kỳ điều hành ngày 1/1/2017 đến 23/4/2018), văn bản điều hành giá của cơ quan quản lý không rõ ràng dẫn tới việc 19 thương nhân đầu mối trích lập sai Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON 95 số tiền hơn 1.013 tỷ đồng, chi sai từ quỹ gần 680 tỷ đồng.

Bình quân hàng năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 18,5-20,5 triệu tấn xăng dầu; trong đó sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 14,3 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu có xu hướng tăng dần.

Kiến nghị điều tra hình sự đối với 3 thương nhân đầu mối

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý các vụ việc có dấu hiệu sai phạm tại 3 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

Một là, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đổi với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức.

Hai là, Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Ba là, hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Nguyễn Quân