Điểm tin kinh tế Việt Nam, thế giới nổi bật Tuần 47 (20-26/11)
- Chân Hồ
- •
Cho phép phá sản ngân hàng yếu kém nhưng không công khai xếp hạng tín nhiệm ngân hàng khiến người gửi tiền chịu rủi ro lớn; Người dân ở châu Á – Thái Bình Dương xem Trung Quốc là một mối đe dọa; Thu giữ 14.000 chai rượu Penfolds giả được bán trên mạng của Alibaba; Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân ôm 50 tỷ bỏ trốn; và Bitcoin tiếp tục phá ngưỡng 9.000 USD… là những tin kinh tế nổi bật trong tuần qua.
Tin kinh tế Việt Nam
- Dự thảo thẻ tín dụng không được rút quá 5 triệu đồng/ngày gây tranh cãi. Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, dự kiến từ ngày 1/1/2019, người dân sẽ chỉ được rút tối đa 5 triệu đồng/ngày đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.
Đối với chủ thẻ tín dụng, khi đi ra nước ngoài chỉ được rút ngoại tệ tối đa là 30 triệu đồng/ngày (hơn 1.300 USD/ngày).
Bên cạnh việc hạn chế rút tiền, dự thảo lần này còn bổ sung thêm một quy định mới về hạn mức thẻ tín dụng. Cụ thể, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ sẽ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng; còn nếu không có tài sản đảm bảo thì hạn mức thẻ chỉ được nhiều nhất là 500 triệu đồng. - ĐB Dương Trung Quốc: Lo lắng TP.HCM từ ‘sầm uất’ thành ‘trầm uất’. Phát biểu trước Quốc hội sáng ngày 20/11 về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển riêng cho TP.HCM, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, cơ hội TP.HCM có cơ chế phát triển đã “chín mõm”, không thể kéo dài hơn được nữa.
“Từ thành phố sầm uất, TP.HCM đang trở nên trầm uất vì những cơ chế ràng buộc”, ông Quốc nhìn nhận. - Thêm tên thành viên GĐ vào sổ đỏ: Quyền sở hữu tiếp tục bị ‘cải cách’ lùi trong thể chế về BĐS. Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, bổ sung thêm trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.
Quy định này vấp phải sự lo lắng khá lớn của dư luận và các chuyên gia trong ngành khi đa phần cho rằng chính sách mang tính “vá lỗ hổng” này có thể còn tạo thêm nhiều thủ tục và rào cản khác về vấn đề “sở hữu” vốn là hạn chế lớn nhất của thị trường bất động sản (BĐS).
Ngoài ra, do sự hạn chế về khuôn khổ chính sách, nguồn lực lớn của nền kinh tế – BĐS đã không được giải phóng thích đáng nên không phát huy được hiệu quả kinh tế, thậm chí còn trở thành rào cản, là rủi ro với khu vực ngân hàng trong vai trò là tài sản đảm bảo (TSĐB). Việc thiếu một khuôn khổ pháp lý đủ hiệu lực trong xác lập quyền sử dụng, quyền sở hữu đã khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) khó khăn khi xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ xấu có TSĐB là BĐS. Đây là một trong những nhân tố làm chậm lại tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tăng rủi ro cho hệ thống NHTM nói riêng và nền kinh tế nói chung. - Việt Nam không đạt chỉ tiêu cổ phần hóa DNNN 2017. Tiến độ cổ phần hóa DNNN chậm đã áp lực lên phiên đấu giá cuối cùng của năm 2017, sẽ được diễn ra vào tháng 12 cho 5 công ty “blue-chip” nhằm gia tăng nguồn thu chính phủ.
Theo kế hoạch, các phiên đấu giá sẽ được diễn ra trong tuần thứ 2 và tuần thứ 3 của tháng 12, 5 cổ phiếu đấu giá gồm có FPT (5,96%), nhựa Tiền Phong (NTP, 37,1%), nhựa Bình Minh (BMP, 29,51%), CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC, 34,71%), và CTCP Xuất nhập khẩu Xây dựng Vinaconex (VCG, 21,79%).
Ước tính tổng giá trị các cổ phiếu đang chào bán trị giá 10 ngàn tỷ đồng (440 triệu USD) theo giá thị trường thời điểm hiện tại.
Tin kinh tế thế giới
- Khảo sát Pew: Người dân ở châu Á – Thái Bình Dương xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Chương trình Khảo sát Thái độ Toàn cầu năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu Pew đã phác thảo hình ảnh của một Trung Quốc dưới con mắt nhìn của người dân trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dưới đây là những phát hiện chính:
Có nhiều khác biệt giữa thái độ của người dân 7 nước được khảo sát về việc liệu sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là tốt hay không tốt. Có 3 nước cho rằng đó là điều không tốt, 2 nước cho là tốt và hai nước cho rằng gần như không ảnh hưởng.
Phần lớn người dân trong khu vực lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc được xem là mối đe dọa lớn trong khu vực.
Rất ít người trong khu vực có thái độ tích cực đối với ông Tập Cận Bình. - Theo bước Nepal, Pakistan hủy dự án xây đập thủy điện với Trung Quốc. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, Pakistan đã quyết định hủy bỏ một thỏa thuận xây đập thủy điện trị giá 14 tỷ USD với Trung Quốc vì không thể chấp nhận các điều kiện quá khắc khe, đánh dấu một sự thất bại khác đối với các tham vọng gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Bắc Kinh.
Các yêu sách mà Trung Quốc đòi hỏi bao gồm việc cho phép Bắc Kinh nắm quyền sở hữu, vận hành và bảo trì con đập và việc đảm bảo xây dựng con đập khác ở Pakistan.
Được biết, đập Diamer-Bhasha nằm trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), là một mắc xích quan trọng trong sáng kiến ”Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Quyết định của chính phủ Pakistan được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nepal cũng hủy bỏ dự án nhà máy thủy điện 2,5 tỷ USD được giao cho một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, dự án cũng là nơi mà “Con đường tơ lụa” mới sẽ đi qua. - Thu giữ 14.000 chai rượu Penfolds giả được bán trên mạng của Alibaba. Tháng 8 vừa qua hãng rượu Úc Treasury Wine Estates đã gửi đơn khiếu nại tới Alibaba vì nhãn hiệu rượu vang cao cấp Penfolds của hãng đã bị làm giả và đăng bán trên trang web Taobao.com của Tâp đoàn Alibaba. Sau 3 tháng điều tra, đã có 13 người liên quan đến đường dây làm rượu giả trên bị bắt giữ, thu được 14.000 chai rượu giả. Số lượng rượu giả thu được ước tính có giá trị lên tới 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 34 tỷ đồng).
- Syria mời Trung Quốc đầu tư và sẵn sàng giao dịch bằng Nhân Dân Tệ. Syria mới đây đã ngỏ lời kêu gọi Trung Quốc giúp tái thiết đất nước thời hậu chiến. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẵn sàng chấp nhận các thỏa thuận đổi dầu mỏ lấy vốn vay từ Bắc Kinh và xem xét thực hiện các giao dịch bằng đồng Nhân Dân Tệ.
Một học giả tại Viện Hoàng gia Anh cho rằng, nếu Trung Quốc có thể ổn định được tình hình Syria, điều đó cũng sẽ giúp ích nhiều cho các khoản đầu tư khác của nước này trong khu vực, đặc biệt là tại Iraq, nơi họ đã rót nhiều tiền hơn…và đang mua các mỏ dầu Iraq. - Tương lai của bà Merkel bất định sau khi lập liên minh thất bại. Những nỗ lực lập chính thủ liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức thất bại vào thứ Hai (20/11), sau hơn 1 tháng đàm phán.
Những bất ổn mới nhất của chính trường Đức đã khiến cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu rơi vào khủng hoảng chính trị và lần đầu tiên sau 12 năm cầm quyền, người phụ nữ quyền lực nhất thế giới đối mặt với tương lai bất định.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo các nước Châu Âu cũng tỏ rõ sự lo lắng về những diễn tiến chính trị hiện tại ở nước Đức – quốc gia ổn định và là đầu tàu của Liên minh Châu Âu. - Zimbabwe: Tổng thống Mugabe từ chức sau 37 năm cầm quyền. Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe cuối cùng đã buộc phải từ chức trước sức ép của quân đội, đảng cầm quyền và đông đảo người dân cả nước. Sự kiện vị Tổng thống 93 tuổi chấp nhận thoái lui đã khiến các nghị sĩ quốc hội hân hoan, người dân Zimbabwe tràn xuống đường mở hội.
Thủ tướng Anh Theresa May cho hay, ông Mugabe từ chức “mang đến cho Zimbabwe cơ hội để tạo ra một con đường mới thoát khỏi sự áp bức dưới các nguyên tắc cai trị của vị tổng thống 93 tuổi [trong suốt gần 4 thập kỷ qua]”.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thủ đô Harare tuyên bố rằng đây là “thời khắc lịch sử” và chúc mừng người dân Zimbabwe, những người “đã dấy lên tiếng nói của họ và tuyên bố một cách hòa bình và rõ ràng rằng thời gian cho sự thay đổi [của ông Mugabe] đã quá hạn”.
Khu vực ngân hàng
- Cho phép phá sản ngân hàng yếu kém – Người gửi tiền chịu rủi ro lớn. Quốc hội vừa thông qua Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, theo đó, từ ngày 15/1/2018 sẽ cho phép phá sản ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt để tái cơ cấu các TCTD trong hệ thống.
Đây là lần đầu tiên có phương án cho phép một TCTD phá sản để tái cấu trúc hệ thống.
Trong khi cho phép phá sản ngân hàng yếu kém sẽ cho phép các nhà làm chính sách cơ cấu lại TCTD hiệu quả. Thì câu hỏi đặt ra là vị trí của người gửi tiền đang được đặt ở đâu trên bàn nghị sự? Khi mà:
+ Theo luật bảo hiểm tiền gửi, khách hàng chỉ nhận được tối đa 75 triệu đồng/sổ tiết kiệm nếu ngân hàng người gửi tiền bị phá sản.
+ Kết quả xếp hạng ngân hàng không được công bố công khai. Khách hàng là người cuối cùng biết được thông tin ngân hàng phá sản sau khi được NHNN công bố thông tin.
Như vậy, người gửi tiền sẽ không biết được tình hình sức khỏe cũng như xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng mà mình đang gửi tiền, với việc khách hàng chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng/sổ tiết kiệm, rủi ro của khách hàng sẽ rất lớn khi một ngân hàng tuyên bố phá sản. - Hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan đến Việt Nam có tên trong Hồ sơ Paradise. Theo công bố của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), tính tới ngày 21/11, Việt Nam có 92 thực thể nước ngoài, 22 cá nhân và 171 địa chỉ được nhắc đến trong các hồ sơ. Một số cá nhân, tổ chức trong hồ sơ có liên quan tới một số tên riêng nổi tiếng như: Phu Quoc, Hoi An, Furama, Ha Noi v.v.
Cũng theo ICIJ, trong số hàng chục công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam thì có 14 công ty đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, 11 công ty đặt tại quần đảo Cayman, số còn lại đặt tại Panama, Bahamas và quần đảo Cook.Virgin, Bahamas và Panama đều là những nơi được mệnh danh là “thiên đường thuế” bởi mức thuế rất ưu đãi, đồng thời việc thành lập doanh nghiệp tại đây tương đối dễ dàng. - Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân ôm 50 tỷ bỏ trốn. Ngày 20/11 vừa qua, hàng chục người dân đã đến trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình tại Đồng Nai để đòi tiền gửi sau thông tin Giám đốc của quỹ đã nghĩ việc và rời khỏi nơi cư trú.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng 80 người gửi hơn 50 tỷ đồng trong Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình vẫn chưa thể rút được tiền.
Được biết đây là quỹ hoạt động theo mô hình hợp tác xã được thành lập từ năm 1994, Giám đốc của quỹ tín dụng này là ông Vũ Công Liêm trước đó đã tự ý nghỉ việc và bỏ trốn ra nước ngoài.
Điều đáng lưu ý là vụ việc này xảy ra trong thời điểm vấn đề về bảo hiểm tiền gửi chỉ chi trả tối đa 75 triệu đồng/sổ tiết kiệm đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 16-18/11 vừa qua.
- Bitcoin tiếp tục phá ngưỡng 9.000 USD trong ngày hôm qua (26/11), và lên mức cao nhất là 9.480 USD.
Trong khi nhiều chuyên gia tài chính vẫn giữ quan điểm bitcoin là một tài sản bong bóng có rủi ro cao, cho đến nay nó vẫn liên tục xác lập nhiều mức giá cao. Đây là một ẩn số “thiên nga đen” rất thú vị xảy ra trong năm nay, liệu đà tăng giá của bitcoin sẽ kết thúc hay tiếp tục nó sẽ trở thành một đồng tiền ảo được chấp nhận rộng rãi? Không ai có thể chắc chắn điều gì vào lúc này.
Nhưng có môt điều mà lịch sử các kỳ đổ vỡ bong bóng tài sản đã cho biết, một chu kỳ bong bóng thường kết thúc bằng một đà tăng giá lớn và ngay lập tức sau đó là một làn sóng bán tháo ồ ạt.
Thị trường chứng khoán
- Bất chấp nỗ lực chốt lời có lúc tăng cao và khối ngoại bán ròng hơn 97 tỷ đồng, trong tuần qua, chỉ số VN-Index tiếp tục “bay cao”. Cả hai chỉ số thị trường là VN-Index và HNX-Index đều có những phiên tăng điểm mạnh. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 935,57 điểm, tăng 5,04% so với tuần trước đó, tương tự, HNX-Index cũng tăng 2,33% lên 110,83 điểm.
- Chứng khoán Mỹ xác lập kỷ lục mới trong ngày Black Friday. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 24/11, chỉ số S&P 500 tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi tăng 0,2% lên mức 2.602,42 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số S&P 500 đóng cửa trên ngưỡng 2.600 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng viết tiếp kỷ lục khi tăng 0,3% lên mức 6.889,16 điểm và đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp chỉ số này chốt phiên ở mức cao. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Down Jones cũng tăng 0,1% lên mức 23.557,99 điểm.
- Cổ phiếu ngành dệt may kỳ vọng vào thỏa thuận mới CPTPP. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu nhóm hàng dệt may của Việt Nam là 21,43 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 10,2 tỷ USD (chiếm gần 50%). Kế đến là thị trường EU đạt 3,06 tỷ USD; Nhật Bản đạt 2,52 tỷ USD.
Các con số này đủ để nói lên rằng, Mỹ là một thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam, không có Mỹ, không có TPP thực sự là một tổn thất lớn cho ngành dệt may Việt Nam.
Với thỏa thuận CPTPP vừa được thông qua (thay thế cho TPP), thị trường 40 tỷ USD của 6 nước nhập khẩu dệt may trong CPTPP cùng các ưu đãi thuế quan chính là động lực mới cho ngành dệt may Việt Nam bối cảnh mới. - Nguyễn Kim muốn thâu tóm Dược Lâm Đồng, SCIC thông báo sẽ thoái hết vốn. SCIC vừa thông báo đăng ký bán hết toàn bộ gần 2,5 triệu cổ phiếu LDP của CTCP Dược Lâm Đồng. Trước đó, Tập đoàn kinh doanh điện máy Nguyễn Kim đã chào mua công khai khoảng 2,1 triệu cổ phần Dược Lâm Đồng với giá tối đa 32.000 đồng/cổ phần, dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu tại LDP từ 24% lên 51%.
Chân Hồ (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa kinh tế thế giới Kinh tế Việt Nam Thị trường chứng khoán Điểm tin kinh tế Luật các TCTD sửa đổi cho phép phá sản ngân hàng ngân hàng