Zimbabwe: Tổng thống Mugabe từ chức sau 37 năm cầm quyền
- Yên Sơn
- •
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe cuối cùng đã buộc phải từ chức trước sức ép của quân đội, đảng cầm quyền và đông đảo người dân cả nước. Sự kiện vị Tổng thống 93 tuổi chấp nhận thoái lui đã khiến các nghị sĩ quốc hội hân hoan, người dân Zimbabwe tràn xuống đường mở hội.
BBC cho hay ông Mugabe đã gửi lá thư từ chức tới Quốc hội Zimbabwe vào thứ Ba (21/11). Lá thư đặc biệt này đã được đọc giữa nghị trường trước sự hân hoan của các nghị sĩ. Trong thư, ông Mugabe tuyên bố tự nguyện từ chức để cho phép cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra trong hòa bình.
Người dân Zimbabwe tràn xuống đường phố chào mừng thông tin Tổng thống Mugabe chính thức từ chức.
Tiến trình luận tội ông Mugabe cũng đã dừng lại sau lá thư từ chức bất ngờ của vị tổng thống “ngoan cố” được công bố.
Theo hiến pháp Zimbabwe, người kế nhiệm tạm quyền ông Mugabe, sẽ là Phó Tổng thống đương nhiệm Phelekezela Mphoko – một người ủng hộ bà Grace Mugabe. Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng cầm quyền Zanu-PF, ông Lovemore Matuke nói với hãng tin Reuters rằng ông Mnangagwa – vị Phó Tổng thống bị ông Mugabe sa thải tuần trước, sẽ tạm quyền đứng đầu đất nước Zimbabwe “trong vòng 48 giờ” tới.
Theo thông tin từ báo chí trong nước, ông Mnangagwa đã trốn chạy ra nước ngoài từ hai tuần trước sau khi biết được thông tin có âm mưu giết hại mình.
Người dân trong nước hân hoan, các lãnh đạo quốc tế cũng “dễ thở hơn” khi đất nước Châu Phi nghèo khó tránh được nguy cơ nội chiến.
Thủ tướng Anh Theresa May cho hay ông Mugabe từ chức “mang đến cho Zimbabwe cơ hội để tạo ra một con đường mới thoát khỏi sự áp bức dưới các nguyên tắc cai trị của vị tổng thống 93 tuổi [trong suốt gần 4 thập kỷ qua]”.
Qua BBC, bà May nói thêm rằng với vai trò là cựu “mẫu quốc”, nước Anh coi “Zimbabwe như một người bạn lâu năm” và sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ các cuộc bầu cử tự do và công bằng và tái thiết nền kinh tế Zimbabwe.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thủ đô Harare tuyên bố rằng đây là “thời khắc lịch sử” và chúc mừng người dân Zimbabwe, những người “đã dấy lên tiếng nói của họ và tuyên bố một cách hòa bình và rõ ràng rằng thời gian cho sự thay đổi [của ông Mugabe] đã quá hạn”.
Liên minh Dân chủ đối lập chính tại Nam Phi đã hoan nghênh diễn tiến chính trị mới nhất tại Zimbabwe và nói rằng ông Mugabe đã chuyển từ “người giải phóng thành nhà độc tài”.
Sơ lược các mốc trong sự nghiệp chính trị của ông Mugabe1924: Sinh tại Kutama 1964: Bị chính quyền Rhodesia cầm tù 1980: Thắng cuộc bầu cử sau độc lập 1996: Cưới bà Grace Marufu 2000: Xóa bỏ trưng cầu dân ý; dân quân ủng hộ ông Mugabe xâm chiếm các đồn điền của người da trắng và tấn công những người ủng hộ phe đối lập 2008: Chỉ đứng vị trí thứ hai sau lãnh đạo đối lập Morgan Tsvangirai trong vòng bầu cử thứ nhất. Nhưng sau đó ông Tsvangirai đã buộc phải rút lui trước sức ép rộng khắp của những người ủng hộ ông Mugabe 2009: Trong bối cảnh kinh tế sụp đổ, ông Tsvangirai đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng, làm việc trong một chính phủ chia rẻ trong 4 năm 2017: Sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, cũng là đồng minh lâu năm để mở đường cho vợ – bà Grace Mugabe kế nhiệm mình. Quân đội đã tiến hành can thiệp và ép ông Mugabe phải từ chức. |
Yên Sơn
Xem thêm: