Syria mời Trung Quốc đầu tư và sẵn sàng giao dịch bằng Nhân Dân Tệ
- Yên Sơn
- •
Syria mới đây đã ngỏ lời kêu gọi Trung Quốc giúp tái thiết đất nước thời hậu chiến. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẵn sàng chấp nhận các thỏa thuận đổi dầu mỏ lấy vốn vay từ Bắc Kinh và xem xét thực hiện các giao dịch bằng đồng Nhân Dân Tệ.
Những đề nghị trên do đại sứ Syria tại Trung Quốc Imad Moustapha tuyên bố với giới truyền thông quốc tế tuần qua. Ông Moustapha cho biết Syria đã và đang nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập vào các nỗ lực tái thiết đất nước quy mô lớn và đặc biệt quan tâm đến nguồn lực từ chế độ Bắc Kinh.
Đại sứ Syria tại Trung Quốc Moustapha cũng từng làm nhiệm vụ tại Hoa Kỳ cho tới năm 2011.
“Chúng tôi muốn các nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Iran sẽ đến và tham gia vào công việc tái thiết này”, Tờ South China Morning Post dẫn lời phát biểu của ông Moustapha.
Khác với Nga, Trung Quốc không triển khai trực tiếp lực lượng quân đội tới Syria, nhưng Bắc Kinh trước nay luôn cùng Moscow phản đối các nghị quyết trừng phạt Syria do Washington đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trong cuộc gặp hôm thứ Sáu (24/11) với ông Bouthaina Shaaban – trợ lý cấp cao của Tổng thống Assad, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nói rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ các kế hoạch tái thiết của Syria.
Đại sứ Moustapha nói thêm rằng các công ty Trung Quốc đã cho thấy mối quan tâm lớn tới việc khai thác các cơ hội làm ăn tại Syria và hiện tại chính quyền Assad “gần như hàng ngày” vẫn tiếp đón các phái đoàn tới từ các công ty lớn của Trung Quốc .
“Hầu hết trong số các công ty [đã tới thăm Syria] hiện tại đang chuẩn bị mở các văn phòng đại diện tại Damascus và các thành phố khác của Syria, đồng thời gửi các đội điều tra thị trường tới gặp mặt các cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan chính phủ tại Syria để thu thập thông tin và báo cáo cấp trên. Một số công ty Trung Quốc đã ký vài hợp đồng rồi và một số khác đang trong tiến trình ký kết chính thức”, ông Moustapha cho biết.
Được biết, giá trị đầu tư tái thiết Syria thời hậu chiến sẽ rất lớn. Theo số liệu ước tính từ Ngân hàng Thế giới, số tiền có thể lên tới 200 tỷ USD. Cũng chưa rõ nước nào sẽ sẵn sàng rót vốn vào chế độ Damascus khi nước này vẫn đang phải đối mặt với các chế tài từ Châu Âu và Hoa Kỳ.
Giải pháp trước mắt của chế độ Assad, theo lời ông Moustapha, là Syria sẽ để mở bất kỳ đề nghị nào mà có lợi cho họ, trong đó có các thỏa thuận “đổi dầu mỏ lấy vốn vay” hoặc thậm chí thiết lập các giao dịch thương mại và thỏa thuận đầu tư bằng đồng Nhân Dân Tệ. Với cách làm như vậy, chính quyền Syria hy vọng có thể vượt qua được sự thống trị của Hoa Kỳ trong hệ thống thanh toán toàn cầu.
“Chúng tôi rất mở với những đề xuất như vậy [các thỏa thuận đổi dầu mỏ lấy vốn vay] từ các công ty Trung Quốc. Họ đã thảo luận rằng họ sẽ tập hợp nhiều công ty trung quốc ở từng cụm khu vực khác nhau. Họ sẽ cùng hợp tác đầu tư [vào Syria]…Đây là điều chúng tôi sẵn sàng xem xét”, ông Moustapha nhấn mạnh.
Các chuyên gia quốc tế có những đánh giá trái chiều về triển vọng đầu tư của Trung Quốc và Syria.
Ông Raffaello Pantucci, giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện Hoàng gia London, trao đổi với tờ South China Morning Post rằng ông chưa nhìn thấy dấu hiệu chiến tranh sẽ kết thúc ở Syria và việc đầu tư của Trung Quốc vào đây sẽ gặp rất nhiều thách thức.
“Lợi ích tài chính tại Syria đối với Trung Quốc là rất hạn chế”, ông Pantucci cho biết như vậy và nói thêm rằng ngay cả trước khi Syria xảy ra nội chiến từ 6 năm trước, đầu tư của Trung Quốc vào đất nước Trung Đông này cũng chỉ là các hợp đồng nhỏ ở các lĩnh vực viễn thông và năng lượng.
Ông Pantucci cũng cho rằng: “Ngay cả khi chính quyền Trung Quốc yêu cầu các công ty nhà nước tới Syria đầu tư, thì cũng cần các công ty này thực sự muốn tới làm ăn tại đó…Đó có thể là một sự lãng phí tiền bạc và có rủi ro an ninh cao”.
Trong khi đó, ông Kamal Alam – học giả thỉnh giảng tại Viện Hoàng gia London, lại cho rằng dù chiến tranh tại Syria có thể chưa sớm kết thúc nhưng Trung Quốc cũng có những lợi ích an ninh nhất định tại Syria, liên quan đến những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Có những báo cáo từ chính quyền Bắc Kinh cho rằng người Duy Ngô Nhĩ có liên kết và được các phần tử khủng bố tại Syria huấn luyện và trang bị vũ trang.
Ông Alam nói: “Trung Quốc là một trong số ít những lựa chọn mạnh mẽ nhất của Syria, cùng với các nước khác trong khối BRICS như Ấn Độ và Nam Phi”.
“Nếu Trung Quốc có thể ổn định được tình hình Syria, điều đó cũng sẽ giúp ích nhiều cho các khoản đầu tư khác của nước này trong khu vực, đặc biệt là tại Iraq, nơi họ đã rót nhiều tiền hơn…và đang mua các mỏ dầu Iraq”.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Syria Ngoại giao Trung Quốc