Doanh nghiệp Châu Âu thúc giục EU ‘phòng vệ’ khối doanh nghiệp nhà nước TQ
- Xuân Thành
- •
Phòng Thương mại Châu Âu, đại diện cho các doanh nghiệp tư nhân khu vực này, hôm thứ Ba (24/9) đã phát hành báo cáo thường nhiên, trong đó đặc biệt thúc giục Liên minh Châu Âu (EU) hãy tăng cường các biện pháp “phòng vệ” trước các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Trong báo cáo phát hành hôm 24/9, Phòng Thương mại Châu Âu nói rằng cần phải có áp lực tới Trung Quốc để họ cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và thực thi một hệ thống “trung lập cạnh tranh” nơi các công ty nhà nước, tư nhân và nước ngoài đều được đối xử bình đẳng.
Cơ quan đại diện cho doanh nghiệp tư nhân EU cũng cảnh báo về “nền kinh tế nhà nước hồi sinh” tại Trung Quốc với nhiều tài trợ, hợp đồng chính phủ và trợ cấp đổ vào khối doanh nghiệp nhà nước hơn hẳn trước đây, gây áp lực lên thương nhân Châu Âu và không tuân theo các tiêu chuẩn quản trị kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu Joerg Wuttke viết trong báo cáo: “Thay vì cắt giảm các doanh nghiệp nhà nước xuống quy mô có thể quản lý được, xác định các ngành phù hợp nhất để nhà nước vận hành và tư nhân hóa phần còn lại, thì mục tiêu lại là làm cho các doanh nghiệp nhà nước ‘mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn’.”
Phòng Thương mại Châu Âu trong nhiều năm qua đã sử dụng báo cáo thường niên để vận động hành lang cho hệ thống trung lập cạnh tranh và cải cách khối doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, đưa ra hơn 800 khuyến nghị, nhưng trong báo cáo năm nay tổ chức này đã kêu gọi một số kế hoạch “phòng vệ” – yêu cầu Liên minh Châu Âu hãy giới thiệu các chính sách mới và sử dụng tốt hơn các luật hiện hành để trao cho Bắc Kinh nhiều động lực hơn nhằm tăng tốc các thay đổi đối với khối doanh nghiệp nhà nước của họ.
“Trong trường hợp Trung Quốc không theo đuổi cải cách doanh nghiệp nhà nước và trung lập cạnh tranh trong những năm tới, thì những biện pháp [phòng vệ] như vậy sẽ là cần thiết để bảo vệ thị trường EU,” báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu viết.
Phòng thương mại Châu Âu cũng đề xuất Brussels hãy yêu cầu Bắc Kinh sửa đổi các hoạt động mua sắm công không công bằng. Báo cáo của tổ chức này cho biết các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được gia tăng cấp vốn vay rẻ và trợ cấp nhà nước vẫn được tiếp cận bình đẳng trong hoạt động đấu thầu các dự án mua sắm công tại EU, trong khi các doanh nghiệp EU không thể tiếp cận thị trường mua sắm công của Trung Quốc.
Theo luật Công cụ Mua sắm Quốc tế của EU, Brussels có thể thảo luận với một nước mà họ coi là đang đối xử bất công với doanh nghiệp EU và thậm chí hạn chế tiếp cận các công ty, hàng hóa và dịch vụ từ nước đó.
Phòng Thương mại Châu Âu cũng kêu gọi EU khắc phục những lỗ hổng pháp lý cho phép các công ty vận tải nước ngoài hợp nhất các chuyến hàng xuất Trung Quốc di chuyển giữa các cảng Châu Âu để phản đối việc Bắc Kinh ngăn chặn các tàu hàng mang cờ EU làm điều tương tự với các lô hàng xuất EU di chuyển giữa các thành phố Trung Quốc.
Báo cáo cũng nhắc lại kêu gọi EU cần phải đối phó với chính sách hỗ trợ khối ngành nhà nước của Trung Quốc bằng cách sử dụng các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Châu Âu, trong đó có khuyến khích thuế để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng tại Châu Âu.
Trong báo cáo, Phòng Thương mại Châu Âu nêu rõ các biện pháp mà họ đề xuất mang tính “phòng vệ” hơn là các chính sách “tấn công”. Các biện pháp “phòng vệ” là để “bảo vệ chống lại các méo mó thị trường tiềm tàng do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc gây ra” nếu Bắc Kinh không cải cách khối doanh nghiệp này.
Theo báo cáo, vai trò của khối ngành nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng mở rộng, chiếm hầu hết nguồn lực trong nền kinh tế nước này. Các khoản nợ của các công ty nhà nước Trung Quốc đã tăng gần bốn lần từ năm 2007 đến 2017, trong khi lợi nhuận tăng 60%.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng được cấp phần lớn hơn nguồn lực tài chính quốc gia. Từ năm 2010 đến 2013, khoảng một nửa tín dụng ngân hàng đổ về các công ty tư nhân, trong khi chỉ khoảng 1/3 chuyển tới các công ty nhà nước. Nhưng vào năm 2016, các doanh nghiệp nhà nước đã nhận tới 83% tín dụng ngân hàng, trong khi khối tư nhân chỉ chiếm khoảng 11%.
Xuân Thành (theo Nam Hoa Tảo Báo)
Xem thêm:
Từ khóa doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc quan hệ EU - Trung Quốc liên minh châu Âu Dòng sự kiện