EU hoãn bỏ phiếu thuế xe điện Trung Quốc
- Văn Long
- •
Liên minh châu Âu (EU) đã hoãn cuộc bỏ phiếu cuối cùng dự kiến diễn ra vào ngày 25/9 về việc có nên áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc hay không, khiến viễn cảnh chiến tranh thương mại Trung Quốc – EU trở nên không rõ ràng. Cuộc chiến này đã leo thang trước đó. Chính quyền Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra đối với các sản phẩm thịt lợn, rượu và hóa chất nhập khẩu từ EU, đồng thời đang chuẩn bị tăng thuế nhập khẩu đối với các loại xe ô tô sử dụng nhiên liệu có dung tích động cơ lớn.
EU trì hoãn bỏ phiếu về thuế ô tô điện
Theo trang tin chính trị Mỹ Politico, EU đã hoãn cuộc bỏ phiếu dự kiến ban đầu vào ngày 25/9 về việc có nên áp mức thuế cuối cùng lên tới 36,3% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc hay không, mục đích là để hai bên có cơ hội để hoàn tất cuộc đàm phán. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn kỳ vọng kế hoạch của EU về áp thuế bổ sung đối với ô tô điện Trung Quốc cuối cùng sẽ được thông qua.
Ba nhà ngoại giao EU nói với Politico rằng các đại diện thương mại quốc gia EU quyết định sẽ không bỏ phiếu về thuế quan đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất vào tuần tới, điều này đã được Ủy ban Công cụ Phòng vệ Thương mại (TDC) của EU loại khỏi chương trình nghị sự của cuộc họp ngày 25/9.
Để tổ chức bỏ phiếu, trước tiên Ủy ban Châu Âu cần chính thức chia sẻ kết quả cuối cùng của các cuộc điều tra chống trợ cấp với chính phủ các quốc gia, nhưng Ủy ban vẫn chưa làm như vậy. Hai nhà ngoại giao cho biết, do chưa xác định được ngày bỏ phiếu mới, có vẻ như ngày sớm nhất sẽ là trong tuần từ 30/9.
Một nhà ngoại giao cho biết, “Họ đã loại bỏ nó khỏi chương trình nghị sự mà không nói lý do tại sao”. Như những người khác, ông được phép thảo luận về những thông tin nhạy cảm này với điều kiện giấu tên. Không rõ liệu cuộc họp ngày 25/9 có diễn ra mà không có bỏ phiếu hay không.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã tới Brussels vào ngày 18 và 19/9, nơi ông gặp người đứng đầu thương mại EU Valdis Dombrovskis để tìm kiếm một thỏa hiệp có thể tránh được thuế quan. EU đã áp đặt mức thuế bổ sung từ 7,8% đến 36,3%, nhằm loại bỏ các khoản trợ cấp khổng lồ của Bắc Kinh cho các nhà sản xuất ô tô điện của nước này.
Nếu điều việc này không khởi tác dụng, Bắc Kinh hy vọng sẽ thuyết phục được đủ quốc gia trong ủy ban để bỏ phiếu phản đối, để bắt đầu quá trình kháng cáo.
Ủy ban này triệu tập đại diện từ 27 nước EU để tổ chức các cuộc họp thường kỳ nhằm bày tỏ ý kiến về các vấn đề chống bán phá giá và chống trợ cấp do Ủy ban Châu Âu điều tra.
Các biện pháp của Ủy ban hiếm khi bị phủ quyết, và Ủy ban này chưa bao giờ bị đánh bại khi kháng cáo. Việc ngăn chặn thuế quan thành công cần có cái gọi là đa số phiếu bầu từ 15 quốc gia đại diện cho 65% dân số EU.
Khả năng cao cuộc bỏ phiếu ở EU vẫn sẽ thông qua
Các nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh hy vọng bằng cách đe dọa áp thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và phương tiện sử dụng nhiên liệu của EU, để thúc đẩy ngành nông nghiệp và sản xuất ô tô của EU vận động hành lang chính phủ và điều chỉnh lập trường về vấn đề thuế quan.
Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 20/9, bà Alicia Garcia-Herrero, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel của Bỉ và là nhà kinh tế Tây Ban Nha, nói với các phóng viên: “Bắc Kinh có thể hy vọng rằng Ý, Tây Ban Nha và Pháp đã bỏ phiếu phản đối thuế quan”.
Nhưng bà cũng tin rằng ý nghĩa mang tính biểu tượng của các biện pháp đối phó của Bắc Kinh lớn hơn hiệu quả thực tế. Ngay cả khi các nhóm lợi ích sản xuất ô tô và nông nghiệp của EU bắt đầu gây áp lực, EU khó có thể rút lại các mức thuế mà họ đã áp đặt đối với xe điện của Trung Quốc. Bà nói: “Mọi người đều biết rằng những động thái này chỉ mang tính biểu tượng, vì vậy tôi không nghĩ thuế quan của EU đối với ô tô điện của Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ”.
Ông Jacob Gunter, nhà phân tích trưởng tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức, cũng cho biết: “Phản ứng của Trung Quốc đối với thuế xe điện của EU thực tế là khá hạn chế. Bắc Kinh rõ ràng cảm thấy cần phải đáp trả – nhưng không sẵn lòng đối mặt với nguy cơ tranh chấp leo thang, bởi vì EU, với tư cách là thị trường lớn nhất thế giới, nhìn chung vẫn cởi mở đối với các sản phẩm của Trung Quốc.”
Trước đó, Mỹ và Canada đã công bố mức thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc. Bà Alicia Garcia-Herrero cho biết, trong bối cảnh này, “EU hiện gần như là thị trường xuất khẩu lớn duy nhất của ô tô điện Trung Quốc, 55% ô tô điện trên thị trường châu Âu đến từ Trung Quốc. Nếu Không có thuế quan, con số này có thể sẽ đạt 80%. Nếu EU không thu thuế quan đối với xe điện trung Quốc, thì sẽ là điều rất lạ.”
Tuy nhiên, ông Filip Šebok, giám đốc Văn phòng Praha của Viện Nghiên cứu Châu Á Trung Âu (CEIAS), cho rằng ngay cả khi EU áp thuế đối với xe điện Trung Quốc trong thời gian dài, thị trường EU vẫn sẽ cởi mở hơn Mỹ và Canada.
Ông nói: “Một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn có thể thu được lợi nhuận ở thị trường EU, ngay cả khi tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Mặc dù Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp liên quan, đồng thời tìm cách gây áp lực với các quốc gia thành viên EU cụ thể về vấn đề này, nhưng tôi nghĩ tranh chấp thuế quan cuối cùng sẽ không phải là đòn chí mạng đối với lợi ích của Trung Quốc.”
Bắc Kinh muốn trả đũa EU
Bộ Thương mại Trung Quốc đã họp với các nhà sản xuất ô tô và hiệp hội ngành công nghiệp ô tô vào ngày 23/8, để thảo luận về việc tăng thuế nhập khẩu đối với các loại xe ô tô sử dụng nhiên liệu có dung tích động cơ lớn. Họ cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc họp đã “lắng nghe ý kiến và đề xuất của ngành, các chuyên gia và học giả về việc tăng thuế nhập khẩu đối với các loại xe ô tô sử dụng nhiên liệu có dung tích động cơ lớn”.
Tuyên bố cũng cho biết “đại diện của các tổ chức hiệp hội công nghiệp ô tô, tổ chức nghiên cứu và công ty ô tô có liên quan đã tham dự cuộc họp.”
Ngày 20/8, EU đã hạ mức thuế đề xuất xuống 36,3% từ mức ấn định 37,6% hồi tháng 7, nhưng không hủy bỏ hoàn toàn ý định áp thuế, điều này khiến chính quyền Bắc Kinh không hài lòng.
Chính quyền Bắc Kinh đã đáp trả vào ngày 21/8, thông báo rằng họ đã mở rộng phạm vi điều tra đối với hàng nhập khẩu của EU. Ngoài các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và rượu brandy, còn bổ sung các cuộc điều tra chống trợ cấp đối với nhiều sản phẩm phô mai, sữa và kem.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc lần đầu tiên đưa tin về cuộc điều tra đối với thịt lợn và các sản phẩm sữa của châu Âu vào tháng 6, đồng thời nêu ra khả năng tăng thuế nhập khẩu đối với các xe ô tô sử dụng nhiên liệu có dung tích động cơ lớn.
Nếu Bắc Kinh làm điều này, Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, Đức đã xuất khẩu xe có dung tích từ 2,5 lít trở lên sang Trung Quốc vào năm ngoái, trị giá lên tới 1,2 tỷ USD.
Pháp, Ý và Tây Ban Nha ủng hộ thuế quan của EU đối với ô tô điện Trung Quốc, nhưng họ cũng có thể là những nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.
Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch là những quốc gia châu Âu bị điều tra nhiều nhất về xuất khẩu rượu brandy, thịt lợn và các sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc. 4 quốc gia này hiện là mục tiêu chính mà Bắc Kinh muốn gây áp lực, Trung Quốc muốn họ từ bỏ các biện pháp thuế quan đối với xe điện.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Pháp đã xuất khẩu sản phẩm sữa trị giá 211 triệu USD sang Trung Quốc vào năm ngoái. Pháp cũng là nguồn nhập khẩu rượu mạnh lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 99% và dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các sản phẩm sữa từ Ý, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha năm ngoái đã xuất khẩu vào trung Quốc có trị giá lần lượt khoảng 65 triệu USD, 55 triệu USD, 52 triệu USD và 49 triệu USD.
Về thịt lợn, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch và Pháp là 4 nước xuất khẩu thịt lợn hàng đầu của EU sang Trung Quốc trong năm ngoái. Trong số đó, Tây Ban Nha chiếm 1/4. Hà Lan và Đan Mạch, đứng thứ hai và thứ ba về xuất khẩu sản phẩm thịt lợn sang Trung Quốc vào năm 2023 với trị giá lần lượt là 620 triệu USD và 600 triệu USD.
Cùng với việc các nhà lãnh đạo EU cam kết bảo vệ thị trường của họ khỏi sự cạnh tranh trợ cấp của Trung Quốc và Bắc Kinh tuyên bố “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”, một cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và EU ngày càng trở nên khó tránh khỏi.
Từ khóa ô tô điện Trung Quốc chiến tranh thương mại xe điện Trung Quốc quan hệ Trung Quốc - châu Âu Thị trường châu Âu