Giá bất ổn, thịt thải loại ồ ạt vào Việt Nam, Bộ NN-PTNT nói ‘phải quen dần’
- Nguyễn Minh
- •
Trước tình trạng giá sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm mạnh trong khi thịt gia cầm và các sản phẩm thịt ngoại, nội tạng động vật được nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam,bao gồm cả gà thải loại được làm thức ăn cho người…, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói “thị trường và giá cả luôn bất ổn, phải quen dần với những điều này bởi theo cơ chế thị trường”.
Tại cuộc họp với các đơn vị chức năng và báo chí tại Hà Nội, ngày 21/5, do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Thu Thủy cho biết từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 4.000 tấn chân gà, hơn 400 tấn giống gà, vịt được nhập khẩu.
Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) công bố mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam, chưa kể rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng, vốn không được sử dụng làm thực phẩm cho người tại các nước phát triển, vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam làm thức ăn cho người.
Về chuyện này, bà Thủy khẳng định một sản phẩm thịt hoặc phụ phẩm nhập khẩu có mặt trên thị trường Việt Nam phải tuân thủ quy trình 5 bước và phải trải qua quá trình đàm phán tối thiểu từ 4 đến 5 năm.
Bà Thủy gián tiếp phủ định thông tin mà VIPA phản ánh, rằng các quy định kỹ thuật về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam thiếu chặt chẽ khi hàng năm vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng chất kích thích tăng trưởng, tạo nạc.
“Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên phải tuân theo nguyên tắc không phân biệt đối xử bất cứ một sản phẩm nào khi được nhập khẩu vào Việt Nam. Những chính sách yêu cầu áp dụng cho sản phẩm ngoại nhập cũng tương tự phải áp dụng với sản phẩm trong nước” – bà Thuỷ nói.
Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết Cục Thú y thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh và quá trình giám sát an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Vì vậy, nói là sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam là chưa phù hợp. Thời gian tới, cục sẽ rà soát lại các tiêu chuẩn cũng như sản phẩm của các nước mà hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều.
Về việc giá sản phẩm chăn nuôi trong nước được VIPA phản ánh là liên tục giảm mạnh, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng việc sản xuất thiếu liên kết với thị trường, thiếu thông tin định hướng và quan hệ cung cầu là yếu tố đến tác động đến giá cả.
Ngoài ra, theo ông Thắng, hoạt động giết mổ, bảo quản, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi chưa chủ động, chưa tích hợp được giá trị sản phẩm. Chăn nuôi an toàn sinh học chưa đồng bộ, giá thành sản phẩm chăn nuôi là khá cao chuỗi cung ứng từ trang trại đến sơ chế, chế biến giết mổ đến người tiêu dùng còn nhiều bất cập.
Theo Bộ trưởng Hoan, giá cả được điều hành bởi “bàn tay vô hình” của thị trường. Đã là vô hình thì sẽ rất khó kiểm soát, không bao giờ ổn định, đây là điều cần phải làm quen.
“Thị trường và giá cả luôn bất ổn, phải quen dần với những điều này bởi theo cơ chế thị trường thì không bao giờ ổn định” – ông Hoan nói, nhất là với nền nông nghiệp với 50 triệu nông dân.
Nói về giải pháp làm sao cho việc sản xuất sát với thực tế, ông Hoan nói Cục Trồng trọt phối hợp với Trung tâm chuyển đổi số của Bộ “phải cập nhật bản thông tin trực quan hơn từ đó tạo thành thói quen người dân tiếp cận để chủ động sản xuất theo tín hiệu thị trường”.
“Việt Nam không đứng một mình một chiến tuyến, không phải một mình một chợ mà chúng ta vừa bán, vừa nhập. Do đó, những yếu tố biến động kinh tế xã hội đều là sự tác động lớn đến nền nông nghiệp. Như vậy để thấy nhiệm vụ của nền nông nghiệp là trong hoàn cảnh bất định nhất vẫn có những giải pháp, kế hoạch để vượt qua”, ông Hoan nói.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) mới đây gửi kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và 7 bộ liên quan về các giải pháp cấp bách và lâu dài cho ngành gia cầm.
Công văn của VIPA khẳng định mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà đẻ thải loại (gà sống) được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam tăng liên tục, theo ước tính chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi gia cầm đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, thị trường tiêu thụ bất ổn.
Đặc biệt, giá sản phẩm đầu ra xuống sâu (có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất), khiến đang khiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đứng trước nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.
Nguyễn Minh
Từ khóa chất tạo nạc Dòng sự kiện thịt đông lạnh gà thải loại